Một ông hàng xóm của tôi làm nghề sửa mái nhà. Chiếc xe “van” của ông đậu ngoài đường viết, “Chúng ta thay đổi thế giới: Mỗi lần một cái mái nhà!” (We are changing the world. One roof of a time). Năm Covid 2020 ông rất bận rộn. Nhiều người không được đi đâu, bèn lo sửa chữa căn nhà mình ở. Các cửa hàng bán sơn, bán gỗ, bán những món để tu sửa nhà cửa, khách lái xe tới tấp nập.
Tất nhiên, năm Covid là một năm đau buồn cho tất cả mọi người, tội nghiệp hơn 300 ngàn người đã chết vì bệnh dịch. Nhưng trong lúc dân Mỹ phải ở nhà, họ cũng thay đổi, chăm chỉ lo cho gia đình hơn. Đó là một hệ quả đáng mừng. Không những nhiều cá nhân thay đổi, cả xã hội cũng thay đổi, có vẻ tốt hơn.
Bệnh dịch đã nhiều lần thay đổi lịch sử nhân loại. Năm ngoái, nghe tin Tổng thống Trump cấm người Âu châu vào nước Mỹ, ký giả Rebecca Nagle đã lên tiếng ủng hộ nhưng vẫn tiếc lệnh cấm này trễ mất 528 năm! Christopher Columbus đặt chân lên miền đất mới năm 1,492! Khi người Âu châu “khám phá” ra châu Mỹ, 90 phần trăm dân bổn địa chết vì các loại vi trùng những bệnh dịch mà họ chưa bao giờ biết nên không có kháng thể. Bà Nagle gốc dân “da đỏ” Cherokee.
Năm 1347, 12 thương thuyền từ Hắc Hải đem bệnh dịch hạch tới thành phố Messina trên đảo Sicilia nước Ý rồi lan qua các nước khác. Sau bốn năm, một phần ba dân số Âu châu đã chết. Từ thập niên 1350, các địa chủ thiếu người làm việc, phải trả công cho tá điền cao hơn và cho hưởng nhiều quyền tự do hơn trước. Giới nắm quyền bắt đầu lo giữ gìn vệ sinh cho xóm làng, thị xã, thiết lập các định chế y tế công cộn. Bởi vì khi đám dân đen bị bệnh thì ông hoàng bà chúa cũng khó thoát.
Bệnh dịch Covid 2020 cũng đánh thức loài người như vậy. Loài virus không phân biệt sang hèn, ai cũng như ai. Nhạc sĩ jazz “huyền thoại” Ellis Marsalis của New Orleans qua đời vì Covid từ ngày 1 tháng Tư. Sau đó 10 ngày, nhà toán học nổi danh John Horton Conway, Đại học Princeton, chết một mình trong bệnh viện. Trước cuộc tấn công của loài vi khuẩn mới, người Mỹ thấy rằng những người không có bảo hiểm y tế có thể chết sớm hơn mình, nhưng chưa biết mình có thể thoát không.
Tiểu bang Oklahoma sẽ có thêm 215,000 người dân được bảo hiểm y tế sau khi chịu mở rộng chương trình Y tế miễn phí Medicaid vì dân chúng bỏ phiếu đồng ý, mặc dù ông thống đốc và quốc hội vẫn chống không muốn tham dự chương trình này, từ thời Tổng thống Obama.
Các tiểu bang Connecticut và California đã làm luật buộc các xí nghiệp với từ 5 nhân viên trở lên phải cho họ được nghỉ ít nhất 12 tuần khi cần săn sóc con mới sinh hoặc con cái, vợ, chồng bị bệnh. Ở California người nghỉ làm sẽ không được trả lương nhưng xí nghiệp không được đuổi họ. Tại Connecticut họ sẽ được lãnh trợ cấp, cho tới $780 đô la một tuần; một thứ tiền bảo hiểm do người lao động đóng góp nửa phần trăm (0.5%) lương của mình.
Cũng liên can đến bệnh tật, Tiểu bang New York sẽ bắt buộc chủ nhân phải cho công nhân nghỉ khi bị bịnh; sau đó phải nhận họ trở lại làm việc. Và phải trả lương họ trong thời gian bịnh, nếu lợi tức của doanh nghiệp trên một triệu đô la và thuê từ 5 công nhân trở lên.
Người dân Mỹ ở các tiểu bang trên bắt đầu hưởng những thứ quyền lợi lao động như trên, được bao vệ không thua dân Canada và nhiều nước Âu châu. Covid đã thúc đẩy nhiều thay đổi trong năm xã hội Mỹ. Trong số 50 tiểu bang Mỹ, một nửa đã tăng lương tối thiểu trong năm 2020, từ Arkansas, Maryland, đến Vermont. Florida cũng chấp nhận tăng lên tới $10 đô la một giờ và mỗi năm sẽ tăng thêm, năm 2026 lên $15.
Vì sống trong cơn đại dịch người ta mới thấy rõ vai trò của chính phủ rất quan trọng, không thể nào thiếu! Những người biểu tình chống việc đeo mạng che miệng cũng đành chấp nhận khi các tiểu bang Arizona, California, Virginia ra lệnh cấm không được cầm điện thoại trong khi đang lái xe, phạt nặng hơn nếu đang đọc, viết trên máy.
Một thay đổi lớn nhất là những tiến bộ kỹ thuật trong tin học đã xâm nhập vào đời sống dân Mỹ với tốc độ nhanh chóng không ai tưởng tượng được. Người ta mua bán và trả tiền trên mạng, thay vì đến các cửa tiệm, một phong trào diễn ra trong năm ba tháng mà đáng lẽ phải chờ 10 năm. Nhiều ngân hàng có thể đóng cửa bớt vì các giao dịch được thực hiện trên mạng.
Loài người đã phản ứng nhanh chóng từ khi gặp đại họa Covid. Cuộc sống thay đổi nhờ các tiến bộ kỹ thuật tin học được tìm ra từ hàng chục năm nay. Những hạ tầng cơ sở để dùng Zoom, họp mặt qua mạng, đã có từ lâu; nay bỗng dưng bột phát chỉ vì cơn đại dịch. Các công ty họp qua Zoom, các lớp học, các buổi trình diễn ca nhạc, quốc hội biểu quyết cũng đều đi qua mạng.
Tôi đã được bác sĩ chẩn bệnh dù không gặp nhau. Đã tham dự các buổi ngồi thiền và học Kinh Pháp Hoa mỗi tuần, qua Zoom. Tu viện Mộc Lan, ở Mississippi đã tổ chức khóa tĩnh tâm cho 400 thiền sinh, qua Zoom. Các cháu tôi chọn học qua mạng thay vì đến trường. Con trai tôi, ở Montreal, làm việc ở nhà không cần đến sở, vẫn báo tin mới được tăng lương. Vợ chồng cậu con út ở New York, chỉ cần làm việc 2, 3 ngày ở bệnh viện. Cô con lớn dạy các lớp âm nhạc hai lần một tuần. Ngày lễ cuối năm còn tổ chức cho các sinh viên đàn hát. Cũng hoàn toàn qua Zoom. Tất cả những chuyện đó tự nhiên được thực hiện, đáng lẽ bình thường phải mất 5, 10 năm mới đạt được.
Nhưng đó chỉ là những bước đầu. Vì những nhu cầu mới xuất hiện do Covid gây ra, người ta sẽ cải thiện các kỹ thuật cũ và nẩy ra những sáng kiến mới. Trong những năm sắp tới, vì phải sống và làm việc theo cách mới, sẽ còn nhiều phát triển trong ngành tin học để công việc hữu hiệu hơn.
Trong lịch sử, các tiến bộ kỹ thuật đều khiến nhiều người lo sợ. Năm 1812, Lord Byron đọc bài diễn văn ra mắt Thượng viện (House of Lord) nước Anh. Ông kịch liệt đả kích bản dự luật phạt tử hình những người phá hoại máy se sợi dệt vải. Dự luật nhắm vào những công nhân đang lo mất việc vì bị máy thay thế. Các công nhân đó sẽ chết đói, ông báo động.
Nhưng cô con gái duy nhất của Lord Byron rất thích toán, vật lý học, và máy móc vì đã được mẹ dạy dỗ, sau khi bà lìa bỏ ông chồng thi sĩ. Cô Ada là người đã nhiệt liệt tán thán “bộ máy tính toán” đầu tiên (Analytical Engine) do Charles Babbage sáng chế. Nghiên cứu bộ máy đó, năm 1842 Ada đã nêu ý kiến phải biến nó thành một thứ máy có thể làm tất cả các thứ tính toán, không phải chỉ cho có các con số mà thôi. Ngày nay ai cũng đồng ý Lady Ada Lovelace là mẹ đẻ của khái niệm về computer, máy vi tính.
Máy điện toán là thứ “máy của các máy,” đã thay đổi đời sống cả loài người. Không một sinh hoạt nào không đụng đến computer, như chính bài viết này. Một năm 2020 qua, Covid đã đẩy công dụng của computer tới những biên giới mới.
Tất nhiên, thành quả của những tiến bộ khiến cuộc sống thay đổi sẽ không được chia sẻ đồng đều, như Lord Byron báo động hơn 200 năm trước. Máy móc vẫn tiếp tục thay thế con người. Những người bị máy chiếm mất công việc sẽ chịu thiệt thòi nhất. Xã hội sẽ phải tìm cách san sẻ cho đồng đều; đó là một vấn đề chính trị. Quốc hội và chính phủ Mỹ sẽ phải lo câu chuyện này. Nói chung, bây giờ cũng vì Covid, đa số người Mỹ đã thấy vai trò của chính phủ rất quan trọng khi cần điều hợp xã hội.
Hơn nữa, năm 2020 đi qua đã để lại một di sản bất ngờ, sẽ giúp cho kinh tế Mỹ phát triển mạnh, có thể bắt đầu trong vòng một năm. Di sản đó là số tiền tiết kiệm khổng lồ trong túi người dân. Vì bị cấm cung bởi bệnh Covid, dân Mỹ đã giảm bớt chi tiêu, bớt được $535 tỷ đô la. Nhưng lợi tức cá nhân của toàn thể dân Mỹ đã tăng thêm được $1,030 tỷ mỹ kim. Trong 9 tháng, cho đến hết tháng 11 năm 2020, dân Mỹ đã tiết kiệm được tổng cộng $1,565 tỷ đô la – so với con số $900 tỷ cả năm 2019.
Số tiền đó, một phần lớn, được đổ vô thị trường chứng khoán, khiến giá các cổ phiếu tăng lên mức kỷ lục! Nhưng người Mỹ sẽ dư tiền tiêu thụ và đầu tư, khi kinh tế bình thường trở lại, có thể vào cuối năm 2021. Khi kinh tế phát triển tốt như vậy, dân Mỹ có thể chấp nhận một cách dễ dàng hơn khi quốc hội và chính phủ làm các đạo luật san sẻ lợi tức quốc gia cho cân bằng.