Tổng thống Volodymyr Zelensky đang phải lo ba mặt trận. Thứ nhất, tiếp tục kháng cự, không cho Nga được nghỉ ngơi chuẩn bị các cuộc tấn công mùa Hè sắp tới. Thứ hai, vận động các nước đồng minh gửi thêm vũ khí mới giúp Ukraine đánh những trận sẽ quyết định cuộc chiến trong mùa Hè năm nay. Thứ ba, làm sạch guồng máy chính quyền để dân và quân đội yên tâm chiến đấu.
Trên chiến trường, quân Ukraine đã thắng lớn từ mùa Thu năm ngoái, khi chiếm lại được các thành phố Kharkiv và Kherson. Từ tháng 11 tới nay quân hai bên không đụng độ một trận nào lớn, cầm cự trên chiến tuyến dài hơn 1,000 cây số. Nga đưa thêm 200,000 binh sĩ qua Ukraine nhưng vai trò chính yếu dựa vào lực lượng lính đánh thuê Wagner, trong đó có những phạm nhân trong nhà tù ở Nga tình nguyện xung trận để được ân xá. Quân Wagner muốn cầm chân quân Ukraine trong cuộc tấn công thị xã Bakhmut. Đây là một địa điểm không có giá trị chiến lược, cho nên Ukraine không đưa quân tới, để bảo vệ lực lượng chờ đến mùa tuyết tan.
Băng tuyết và bùn lầy khiến quân hai bên chỉ lo cầm cự, nhưng quân Ukraine không để cho quân Nga được yên ổn. Ukraine dùng những hỏa tiễn tầm xa HIMARS “tinh khôn” đánh trúng các trại lính và kho vũ khí; quân Nga phải rút lui nhiều cứ điểm ra xa mặt trận để tránh các hỏa tiễn do Mỹ cung cấp. Quân đội Ukraine mở những cuộc xung kích nhắm vào các vùng phía Đông Nam, đe dọa cắt đường tiếp vận của Nga. Nếu đưa được các hỏa tiễn HIMARS tới gần, có thể bắn qua Crimea, Ukraine có thể mở cuộc tấn công tái chiếm bán đảo này, bị Nga chiếm từ năm 2014.
Trong khi Nga lo gia tăng quân số thì Ukraine lo trang bị, xin các nước đồng minh thêm vũ khí. Tháng Giêng 2023, theo tin Reuters, Mỹ đã gửi cho Ukraine những xe quân sự Strykers có gắn súng máy và súng phóng lựu đạn cùng các loại bom cỡ nhỏ “GLSDB” điều khiển bằng GPS có thể bắn vào sâu trong hậu cứ quân địch với những hỏa tiễn Ukraine đang có sẵn.
Nhưng muốn đương đầu trong cuộc tấn công mùa Hè sắp tới, Ukraine cần các vũ khí mạnh hơn. Một thứ mà chính phủ Zelenskyy vẫn yêu cầu là xe thiết giáp. Những thiết giáp quân đội Ukraine đang dùng đều cũ từ thời Xô Viết, khi hư hỏng thiếu phụ tùng thay thế.
Bộ quốc phòng Mỹ không muốn gửi cho Ukraine các thiết giáp M1 Abrams, là loại mạnh nhất thế giới hiện nay, có sức chịu đựng các vũ khí chống chiến xa mạnh nhất; có thể băng qua các địa thế hiểm hóc, lăn trên tuyết hoặc bùn lầy dễ dàng. Nhưng việc điều khiển và bảo trì rất phức tạp, cần huấn luyện mất nhiều tháng. Xe Abrams lại dùng tốn rất nhiều xăng nên luôn luôn phải được tiếp tế. Người Mỹ lo ngại hệ thống tiếp vận của quân Ukraine không thỏa mãn được nhu cầu này. Trong khi đó loại thiết giáp Leopard 2 của Đức dễ sử dụng, dễ bảo trì và thích hợp với địa hình Ukraine hơn.
Dưới áp lực của thủ tướng Đức, cuối tháng Giêng, Tổng thống Mỹ quyết định viện trợ 31 xe M1 Abrams cho Ukraine. Trong cùng ngày, Đức chịu cung cấp ngay cho Ukraine 13 chiếc Leopard 2. Sau đó, Ba Lan gửi tặng 14 chiếc Leopard 2 đã mua của Đức, sẽ gửi thêm 60 xe thiết giáp khác; Pháp, Ý và các nước Bắc Âu theo chân. Bỉ sẽ viện trợ vũ khí trị giá $100 triệu đô la.
Trước đây, các nước Âu châu ngần ngại không cung cấp “xe tăng” cho Ukraine vì không muốn riêng họ phải chịu đựng những phản ứng của Nga. Họ chờ Mỹ đi bước trước rồi mới cùng “leo thang” với những vũ khí mới. Nga không có cách nào “trừng phạt” Mỹ cùng một lúc với Đức, Pháp, Ý, các nước Bắc Âu và vùng Baltic.
Vladimir Putin đã nhiều lần đe dọa nếu Mỹ và các nước Âu châu cung cấp các vũ khí mới cho Ukraine thì Nga cũng sẽ “leo thang,” mở rộng cuộc chiến. Tháng 12 năm ngoái, phát ngôn viên chính phủ Nga Dmitry Peskov đã cảnh cáo các nước Âu Mỹ gửi vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ làm cuộc chiến tàn khốc hơn, Ukraine sẽ lãnh hậu quả trầm trọng.
Nhưng Mỹ và các nước Âu châu bỏ qua lời đe dọa đó, vẫn tiếp tục viện trợ. Sau mỗi lần Ukraine nhận được các vũ khí mới, ông Putin không phản ứng mạnh, vì đã sử dụng gần hết toàn lực rồi. Khi Mỹ bắt đầu viện trợ Ukraine các hỏa tiễn Patriot, Nga phản đối mạnh mẽ. Sau khi bị các hỏa tiễn tinh khôn chính xác này bắn hạ, máy bay Nga đã phải ngưng những cuộc không tập. Từ hai tháng nay, máy bay Nga vắng bóng trên bầu trời Ukraine, chỉ còn các hỏa tiễn bắn từ xa tàn phá các thành phố.
Các nước đồng minh không để ông Putin “tháu cáy” vì họ đã thấy sự thật là quân Nga thất bại. Nếu đánh một nước Ukraine không nên thân thì làm sao Vladimir Putin dám đụng tới một nước Âu châu khác, nhất là những thành viên mới của khối NATO, trước đây nằm trong Liên bang Xô Viết hoặc thuộc khối cộng sản Đông Âu?
Mối quan tâm lớn nhất là ông Putin có thể dùng đến các “vũ khí nguyên tử chiến thuật.” Tháng Chín năm ngoái, ông tuyên bố “Nếu sự toàn vẹn lãnh thổ của nước Nga bị đe dọa, chúng tôi sẽ dùng tất cả các phương tiện sãn có để bảo vệ tổ quốc và nhân dân.” Ông nhấn mạnh rằng đây không phải là một lời de dọa suông, chỉ “tháu cáy” mà không dám làm (This is not a bluff!)
Chắc chắn các nước NATO đã báo cho ông Putin biết rằng họ đã chuẩn bị sẵn sàng những phản ứng tương xứng nếu Nga dùng đến vũ khí nguyên tử chiến thuật.
Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đã yên tâm hơn khi thấy các nước đồng minh gia tăng viện trợ vũ khí. Ông có thể lo các vấn đề nội bộ; chứng tỏ quyết tâm chống tham nhũng, một tệ nạn của nước Ukraine đến nay vẫn tồn tại sau thời chế độ cộng sản. Ngày 25 tháng Giêng, 2023 ít nhất 9 viên chức cao cấp đã phải nghỉ việc. Bốn thứ trưởng và năm thống đốc các vùng bị tố tham nhũng.
Phó Biện lý trung ương Oleksiy Symonenko phải từ chức sau khi có tin tiết lộ ông đã đi nghỉ hè ở Tây Ban Nha và sử dụng chiếc xe Mercedes của một doanh nhân giàu có, theo báo The Guardian. Một phát ngôn viên của lực lượng biên phòng nghỉ việc khi bị tố đã đi chơi, dự tiệc tùng ở Paris, theo tin Bloomberg. Thứ Hai vừa qua, ông Zelenskyy đã ra lệnh các quan chức không được xuất ngoại nếu không phải vì công vụ.
Thứ trưởng quốc phòng Vyacheslav Shapovalov từ chức sau khi bị báo ZN UA tố giác đã mua thực phẩm cho quân đội giá $360 triệu đô la, cao gấp đôi, gấp ba giá thị trường. Ông Shapovalov bác bỏ điều này và bộ quốc phòng ủng hộ ông, nhưng ông vẫn từ chức để bảo vệ niềm tin của dân.
Ông Zelenskyy nói rằng nước Ukraine sẽ “không trở lại lối cai trị quen thuộc cũ nữa.” Bước đầu tiên của ông, từ năm ngoái, là cách chức một số tướng lãnh và chỉ huy an ninh vì mối lo họ có thể thông đồng với Nga. Quân đội và ngành an ninh Ukraine còn nhiều người đã làm việc từ thời Liên bang Xô Viết. Phải thanh toán mối lo này trước tiên, để bảo vệ lòng tin và quyết tâm chiến đấu của quân đội. Tướng Valery Zaluzhny, tham mưu trưởng quân đội từ năm 2021, bảy tháng trước khi Ukraine bị xâm lăng, ông 49 tuổi, mới tốt nghiệp trường võ bị năm 1997 sau khi Ukraine độc lập 6 năm cho nên chưa từng tham dự trong quân đội Xô Viết thời cộng sản. Trong 9 tháng từ khi chiến tranh bắt đầu, tướng Zaluzhny đã cách chức 10 vị tướng lãnh, thêm một người khác đã tự tử.
Để cho các tướng lãnh làm sạch hàng ngũ quân đội, Zelenskyy tỏ ra rất khôn ngoan khi chờ đợi 11 tháng mới bắt đầu “thanh lý” trong chính quyền. Một nước đang lâm chiến cần tránh không tạo ra một hình ảnh chia rẽ nội bộ. Zelenskyy chờ tới lúc uy tín của chính ông đã lên cao, sau khi quân Ukraine chiến thắng, tới lúc mặt trận tương đối không chuyển động, mới bắt đầu thanh trừng đám tham nhũng.
Đó là mặt trận thứ ba của ông tổng thống Ukraine, sau khi đã yên tâm được các nước đồng minh hỗ trợ, và quân đội sẵn sàng đối phó với chiến dịch mùa Hè của quân Nga.