Phản hồi của giới trẻ trước việc 15 thanh niên Công giáo bị bắt giữ

15 người bị bắt từ cuối tháng 7/2011

15 thanh niên Công giáo đa số thuộc giáo phận Vinh bị chính quyền bắt từ cuối tháng 7 vẫn chưa được tiếp xúc với luật sư. Họ là những người trẻ năng nổ hoạt động, nhiệt tình trong các sinh hoạt xã hội và từ thiện. Họ là thành viên của nhóm Bảo vệ Sự sống, nhóm Doanh nhân Trí thức tại Hà Nội, Câu lạc bộ Giáo dục Vinh, hay Cộng đoàn Công giáo Vinh. Họ là những blogger, những người đi đầu trong các hội đoàn của sinh viên-thanh niên Công giáo. Họ tham gia các cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc, ký đơn đòi thả tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, và phản đối dự án bauxite Tây Nguyên. Họ là những nhà hoạt động cổ võ cho công lý-hòa bình-sự thật. 10 người trong nhóm bị bắt đã chính thức bị cáo buộc tội ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ vì tham gia đảng Việt Tân dù đảng Việt Tân khẳng định không liên quan tới những thanh niên này. Trong chương trình Tạp chí Thanh Niên hôm nay, chúng ta sẽ nghe 3 người bạn thuộc giáo phận Vinh từng tham gia nhiều sinh hoạt phục vụ xã hội với các thanh niên bị bắt nói về những trái tim trẻ đầy nhiệt huyết.

Linh: Em là Linh, trưởng cộng đoàn Vinh tại Hà Nội.

Dũng: Em tên Dũng, Ban Truyền thông Sinh viên Công giáo tại Vinh.

Chắc: Tôi là Chắc, đang điều hành Trung tâm Bảo vệ Sự sống gồm 7 nhóm tại 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, và Quảng Bình.

Trà Mi: Các anh biết gì về những thanh niên Công giáo đang bị bắt giữ?

Chắc: Tôi biết ít nhất 7 trong số những người đang bị bắt. Tôi biết rõ vì đây là những cộng tác viên của tôi. Các anh này hoàn toàn là những người rất tốt. Thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay về hoài bão và lý tưởng hình như bị thui chột, bị xói mòn, nhưng những người này hoàn toàn sống vì người khác và cho người khác. Chưa bao giờ họ nghĩ gì đến bản thân họ.

Linh: Em biết rõ anh Nguyễn Văn Duyệt, Trưởng Cộng đoàn của Cộng đoàn Vinh. Em nhận thấy ở anh ấy là một con người hy sinh và nhiệt thành. Anh dấn thân vì công tác chung. Đặc biệt trong công tác mục vụ, anh rất hăng say.

Dũng: Anh Đức, anh Dương, và anh Sơn là em biết cụ thể qua sinh hoạt sinh viên Công giáo tại thành phố Vinh. Anh Đức là Trưởng Nhóm Cao đẳng Sư phạm. Dương là Trưởng Nhóm Cửa Lò. Anh Sơn là thành viên trong Nhóm Kỹ thuật. Anh em cùng làm trong Ban Điều hành nên cũng thường xuyên liên lạc với nhau. Những việc làm của các anh, tôi rất tán dương. Mặc dù các anh bận công việc học hành, nhưng vẫn tham gia công tác ở Trung tâm Bảo vệ Sự sống, các hoạt động sinh viên, giúp đỡ các trung tâm mồ côi, khuyết tật.

Trà Mi: Theo nhận xét của các bạn, những người đang bị bắt có những hoạt động cống hiến cho cộng đồng, xã hội và rất nhiệt tâm hướng tới lợi ích chung. Thế nhưng ngược lại, nhiều người trong nhóm bị bắt bị chính quyền cáo buộc vi phạm điều 79 Bộ Luật Hình sự, tức ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’, tham gia đảng Việt Tân và các khóa huấn luyện đấu tranh bất bạo động, vốn là điều chính quyền không hoan nghênh và xem là nhạy cảm. Các bạn nghĩ sao về những cáo buộc đó? Với những gì các anh biết về họ và những cáo buộc của nhà nước đối với họ, anh Chắc có suy nghĩ thế nào?

Chắc: Trong một đất nước pháp quyền, dân chủ, người dân là chủ, cán bộ là nô bộc. Dân trả lương cho chính quyền giữ an ninh-trật tự xã hội. Thứ nhất, tôi không thể chấp nhận cách hành xử của chính quyền. Chính quyền đã phụ lòng tin tưởng của tôi và làm nhục quốc thể vì đã bắt giữ những người này một cách rất phi pháp, không hợp pháp. Theo Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, khi bắt người phải có lệnh bắt của Viện Kiểm Sát, phải đọc lệnh bắt đàng hoàng. Thế nhưng, đằng này họ lại hành xử theo cách như thổ phỉ: bắt cóc, và thậm chí là lừa. Ví dụ như trường hợp của Hoàng Phong. Họ mời em đi uống cà phê, ăn sáng, rồi họ bắt cóc em trên đường. Đó là cách của băng nhóm xã hội đen. Chúng tôi rất thất vọng trước cách hành xử này. Các em này làm gì, phạm tội gì, nhà chức trách phải có trách nhiệm điều tra và công bố cho chúng tôi biết. Tôi hoàn toàn tin tưởng ở những người anh em này. Họ rất trưởng thành trong tư tưởng, trong nhân cách. Cho nên, giả sử họ có theo một tổ chức nào đó, tôi tin với suy nghĩ và sự trưởng thành của họ, họ dư biết rằng cái đó có giá trị tốt hơn nên mới tiếp nhận như vậy. Tôi ở với các em, tôi biết. Thế nên, một tổ chức nào mà các em chọn lựa thì có lẽ nó sẽ có ý nghĩa và tốt hơn cái tổ chức hiện tại. Họ bỏ một giá trị thấp để lựa chọn một cái có giá trị cao hơn. Như chúng tôi chấp nhận đi theo Chúa Giê-su, chúng tôi biết trước những điều sẽ xảy đến cho chúng tôi. Như Chúa đã nói: “Nếu ai muốn đi theo Thầy, phải bỏ mình vác Thập Giá. Còn ai yêu bản thân mình hơn, thì hãy quay về đi.” Tôi biết các em đã biết rõ điều đó và họ đã chọn lựa.

Linh: Chính quyền nói họ tham gia đảng Việt Tân, nhưng Tổng Thư ký đảng Việt Tân đã khẳng định họ không phải là người của đảng Việt Tân.

Trà Mi: Có thể đảng Việt Tân từ chối công nhận là vì một lý do nào đó có lợi cho lúc này, đó cũng có thể là một lập luận chính quyền có thể đưa ra..

Chắc: Nhà nước chúng ta rất tài tình trong việc ảo thuật có thành không và không thành có. Cho nên, chúng ta không lạ gì chuyện người ta không thuộc đảng Việt Tân lại bị cho là người của đảng Việt Tân. Chuyện đó chả có lạ.

Trà Mi: Anh Linh và anh Dũng có ý kiến nào khác muốn bổ sung thêm với điều anh Chắc vừa chia sẻ không?

Linh: Em muốn nói cách hành xử của nhà nước không minh bạch.

Trà Mi: Nghĩa là chuyện những người này bị bắt đúng sai thế nào chưa ngã ngũ, nhưng ngay từ cách hành xử của chính quyền đã khiến các bạn cảm thấy thiếu minh bạch và không tin tưởng.

Chắc: Ngay chuyện họ bắt đã có cái gì đó khiến chúng tôi phải suy nghĩ là thiếu minh bạch.

Trà Mi: Các bạn nói những người bị bắt hoàn toàn là những người có cống hiến cho xã hội. Như vậy, theo các bạn, nguyên nhân sâu xa của những vụ bắt giữ này là gì?

Dũng
: Thời gian gần đây ở thành phố Vinh, các phong trào và các hoạt động của sinh viên rất mạnh mẽ. Ví dụ như hoạt động của Trung tâm Bảo vệ Sự sống hay của các sinh viên Công giáo, làm dấy lên tinh thần của anh em trẻ rất mạnh. Họ dám nói lên những điều người khác không dám, họ dám đấu tranh. Có thể chính quyền lo sợ trước những người điều hành sinh viên, những người trưởng các nhóm như các anh này nên tiến hành bắt giữ.

Trà Mi: Các bạn có suy nghĩ như thế nào trước những gì đang xảy ra, trước việc những anh em Công giáo này đang bị bắt?

Linh: Em phản đối việc bắt bớ một cách mờ ám.

Chắc: Chiếu theo điều 80, Bộ Luật Tố tụng Hình sự, chính quyền hoàn toàn làm sai. Họ làm vậy là nhục mạ quốc thể trước quốc tế, phụ lòng tin của nhân dân. Cho nên, tôi lên tiếng để xây dựng đất nước, để làm sao cho đất nước này trở thành một đất nước pháp quyền. Chúng tôi cầu nguyện cho các em, chứ chúng tôi không ‘nghe thế lực thù địch xui khiến’ như cáo buộc của nhà nước. Chúng tôi làm không phải vì nghe thế lực nào cả, mà chỉ để ngoi lên mà thở thôi. Nhà chức trách không được phép làm nhục quốc thể bằng cách ngồi xổm lên pháp luật. Đó là điều chúng tôi mong muốn.

Trà Mi: Nếu một số người trong nhóm bị bắt bị kết án về một tội danh nào đó xâm phạm đến lợi ích nhà nước như ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’ hay ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’, chẳng hạn. Bản án đó có thông điệp, tác động, và ý nghĩa thế nào đối với các bạn? Tiếng nói phản hồi của các bạn với giới hữu trách ra sao?

Linh: Tôi luôn cầu nguyện cho những anh em đang bị bắt. Cho dù bản án chính quyền dành cho họ thế nào đi chăng nữa, tôi cũng rất tán dương các anh em này. Họ là những người hoạt động, làm việc tốt, đi giúp đỡ mọi người mà cuối cùng lại bị bắt vô cớ.

Chắc: Cộng đoàn Vinh vẫn luôn cầu nguyện cho các anh được bình an.

Dũng: Một chính quyền muốn kết án ai phải đưa ra lý lẽ hợp lý. Tất nhiên, em không tin tưởng báo đài Việt Nam. Kết luận có lẽ phải nhờ quốc tế đánh giá công khai, chứ em thấy đây là những người nhiệt thành. Họ là những người mẫu mực, đang bị bắt bớ một cách mờ ám. Em nghĩ việc này sẽ có những ảnh hưởng, tác động rất tiêu cực đến thành phần giáo dân như bọn em.

Chắc: Nếu có một bản án ghép tội những anh em này, các cụ ngày xưa có dạy một câu rất chí lý rằng: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Nếu họ kết án, chúng tôi không lo về cá nhân những người bị bắt, nhưng uy tín của một quốc gia, một chính thể mà làm như vậy thì tự nhiên chính quyền tự bôi nhọ mình thôi, làm giảm uy tín với quốc tế và với quốc dân đồng bào trong nước. Cái chúng tôi lo là lo chỗ đó, đau là đau chỗ đó. Dân tộc Việt Nam 4 ngàn năm văn hiến, nhân ái-yêu thương-huynh đệ mà bây giờ chẳng lẽ lại nhiễu loạn đến mức độ này? Quả thật, là người Việt Nam, sinh ra trong đất nước Việt Nam, đặc biệt là người Công giáo Việt Nam, chúng tôi rất đau đớn.

Trà Mi: Với những nỗi bức xúc, những tâm tình mà các bạn vừa chia sẻ đó, các bạn sẽ làm gì để góp phần bảo vệ cho những người mà các bạn tin là chính nghĩa? Làm thế nào để các bạn có thể bảo vệ công lý, bảo vệ sự thật?

Chắc: Chúa Giê-su nói: ‘Nếu anh em ở trong sự thật, và sự thật ở trong anh em, sự thật sẽ giải phóng anh em.” Có những sự thật được vùi kín sâu lắm, nhưng lịch sử không bao giờ bị vùi lấp, bị che đậy. Hôm nay có thể nó bị che đậy, nhưng một lúc nào đó, nó sẽ được phanh phui. Ngày xưa họ đóng đinh sự thật lên Thập Gía. Họ ném sự thật vào nấm mồ, lấp chặt lại. Họ tưởng hết. Nhưng rồi sự thật bước ra khỏi nấm mồ. Chúng tôi vẫn tin rằng sự thật sẽ không bao giờ nằm trong nấm mồ. Còn chúng tôi làm gì? Tôi xin đọc vài câu thế này:

“Là người Công giáo Việt Nam, con yêu Tổ quốc gấp bội,
Vì Chúa dạy con và Hội Thánh bảo con,
Con sẽ bảo vệ bằng xương máu, con sẽ xây dựng bằng tim óc.”


Cho nên, chúng tôi vẫn dấn thân theo con đường của chúng tôi lựa chọn, theo giáo huấn xã hội học của Hội Thánh Công giáo. Chúng tôi cứ tiếp tục như vậy, và cứ yên trí đi, Chúa Giê-su đã phục sinh thì sự thật sẽ không bao giờ nằm trong nấm mồ.

Trà Mi:
Vừa rồi là cuộc trao đổi với 3 người bạn Công giáo ở Vinh về các thanh niên Công giáo đang bị bắt giữ vì các hoạt động cổ võ cho công lý và sự thật. Trường hợp của các bạn trẻ này đã khiến công luận trong và ngoài nước quan tâm, kể cả giới trẻ người Việt tại nhiều nơi trên thế giới. Trong buổi tái ngộ trên Tạp chí Thanh Niên tuần sau, chúng ta sẽ cùng gặp gỡ một số bạn trẻ từ Australia, Singapore, cũng như ngay từ trong nước đã ký tên vào chiến dịch vận động toàn cầu đòi trả tự do cho các thanh niên Công giáo bị bắt. Mời quý vị và các bạn đón nghe.

Để xem lại các câu chuyện hằng tuần trên Tạp chí Thanh Niên của đài VOA và bình luận với độc giả khắp nơi, xin quý vị truy cập vào chuyên mục Tạp chí Thanh Niên trên trang voatiengviet.com. Tạp chí Thanh Niên nằm trong phần ‘Chuyên mục đặc biệt’ giữa trang chính. Xin quý vị bấm 2 lần vào mũi tên bên phải của 3 khung hình ở giữa trang. Tạp chí Thanh Niên hẹn gặp lại quý vị và các bạn vào giờ này, tuần sau.