Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh trong năm 2010

  • Stephanie Ho

Một kinh tế gia tại Viện Công Nghệ Bắc Kinh nói rằng người Tây phương vẽ ra một bức tranh quá lạc quan về Trung Quốc nơi mà công cuộc phát triển không đồng đều

Bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong năm 2010 kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh, qua mặt Nhật Bản trong địa vị kinh tế lớn hàng thứ nhì trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ. Giờ đây giới lãnh đạo Trung quốc đang nhắm tới mục tiêu gia tăng nhu cầu và tiêu thụ nội địa, giúp cho thị trường Trung Quốc trở thành một đầu tầu mới thúc đẩy tăng trưởng cho phần còn lại của thế giới.

Tại một diễn đàn kinh tế cấp vùng tổ chức ở Nhật Bản trong tháng 11, Tổng thống Obama nói rằng giới tiêu thụ Mỹ không còn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu nữa:

“Để tiến tới, các quốc gia với mức thặng dư lớn cần phải chuyển đổi, không nên lệ thuộc một cách thiếu lành mạnh vào xuất khẩu nữa, mà nên có những biện pháp để gia tăng nhu cầu nội địa. Như tôi đã nói, để tiến bộ, không quốc gia nào nên đinh ninh rằng con đường đi tới thịnh vượng chỉ là xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ.”

Tại cùng một diễn đàn, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tỏ ý rằng Trung quốc với dân số 1 tỉ 300 triệu người đang chuẩn bị để tiêu thụ một phần các sản phẩm của thế giới.

Chủ tịch Hồ cho biết Trung Quốc sẽ gia tốc cải tổ kinh tế và chú tâm vào việc nâng cao mức cầu nội địa, nhất là nhu cầu tiêu thụ, qua việc tăng thu nhập và mãi lực của người dân.

Trung Quốc thống lãnh thị trường bán xe hơi và trong năm 2010 đã qua mặt Hoa Kỳ để trở thành thị trường lớn nhất thế giới.

Năm 2009 hơn 13 triệu 600 ngàn xe hơi đã được bán ra tại Trung Quốc. Tại một đại lý bán xe hơi lớn nhất ở Bắc Kinh, ông Zhao Xuzhen và gia đình đi tìm mua một chiếc xe hơi đầu tiên.

Ông nói điều quan trọng là chiếc xe mới của gia đình ông phải an toàn vì tại Bắc Kinh có quá nhiều xe cộ chạy trên đường phố. Ngoài ra, theo ông, nhiều người hiện đang chú ý đến việc bảo vệ môi trường nên chiếc xe cũng phải ít tốn xăng, tiết kiệm được nhiên liệu nữa.

Thế mạnh về kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc có nghĩa là càng ngày quốc gia này càng nhận được thêm đầu tư từ nước ngoài. Lấy ví dụ, Quảng Châu, Trung tâm thương mại ở miền nam Trung Quốc, đã thu hút mọi người, từ khắp Phi châu và từ mọi nơi khác trên thế giới.

Ông Cheng Li, làm việc tại viện Nghiên Cứu Brookings ở Washington, nói rằng nhân dân Trung Quốc cho là nền kinh tế của họ gia tăng là chuyện đương nhiên:

“Họ thấy rằng thời đại của Trung Quốc cuối cùng đã đến, vì giờ đây Trung Quốc không những chỉ là quốc gia đầu tiên hồi phục thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu; trong tư cách một cường quốc kinh tế, nước này đã leo lên đến địa vị quốc gia thứ nhì trên thế giới. Giờ đây có tiền, Trung Quốc tin tiền là điều quan trọng nhất. Có tiền thì họ ở thế mạnh.”

Trong khi các kinh tế gia Trung Quốc công nhận những thành quả của quốc gia, vẫn có một cảm nghĩ cho rằng quốc gia họ còn một con đường dài trước mặt phải đi.

Ông Hu Xingdou, một kinh tế gia tại Viện Công Nghệ Bắc Kinh, nói rằng người Tây phương vẽ ra một bức tranh quá lạc quan về Trung Quốc, là nơi mà công cuộc phát triển không đồng đều.

Kinh tế gia Hu nói rằng một số người cố tình thổi phồng sức mạnh của Trung Quốc và tạo nên một cảm nghĩ Trung Quốc là một thế lực nguy hiểm, vì họ không hiểu biết về quốc gia này.

Ông nói ít người nước ngoài nào lại đi thăm miền quê Trung Quốc hay những nơi ít phát triển hơn thuộc miền tây nước này. Ông cho biết nhiều học giả Trung Quốc cho là các thành thị của Trung Quốc giống như Âu châu, nhưng miền quê thì như Phi châu vậy.

Sự khác biệt đó được phản ánh trong lợi tức đầu người: năm 2009, thu nhập bình quân tại các khu vực thị tứ của Trung Quốc lên tới gần, 2.600 đô la một năm, trong khi cư dân vùng quê, con số này chưa tới 800 đô la.

Trong lúc chính phủ nước này từ nhiều năm nay đã cố gắng cải thiện mức thu nhập cho người dân ở thôn quê và thu hẹp khoảng cách về lợi tức giữa thôn quê và thành thị, họ chỉ đạt được mức tiến bộ khiêm nhường. Và với mức lạm phát theo dự kiến vẫn sẽ cao trong những tháng tới, nhất là giá thực phẩm, người dân nghèo ở thôn quê sẽ còn vất vả hơn nữa.

Giáo sư Hu cho biết mức tổng sản phẩm nội địa bình quân vẫn còn thấp, vì thế, theo ông, phát triển vẫn còn là một công tác lớn nhất cho giới lãnh đạo Trung quốc, nhưng ông nói rằng quốc gia này cũng cần phải cải tổ chính trị và xã hội nếu muốn công cuộc phát triển kinh tế đi tới thành công.