Không phải một bản án nhẹ mà mình thấy đựơc sự công mình, mà qua bản án ấy càng thấy được sự nhố nhăng, vô pháp luật, thích thì bắt, thích thì thả, thích thì xử nặng, thích thì xử nhẹ, không dựa theo một chứng cứ gì cả. Tôi thấy như họ bắt con dân mình làm con tin để mặc cả, đổi chác với quốc tế chứ họ chả quan tâm gì đến luật pháp
Trước đó 3 tháng, Uyên và Kha bị tuyên án lần lượt là 6 và 8 năm tù về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ vì rải truyền đơn, dán biểu ngữ chống Trung Quốc và phản đối tham nhũng, độc tài.
Sau phiên phúc thẩm ở Long An, Nguyễn Phương Uyên còn 3 năm tù treo và Đinh Nguyên Kha còn 4 năm tù giam.
Chuyện hiếm thấy này đã gây xôn xao công luận và làm hao tốn giấy mực của giới truyền thông, các blogger, và giới cổ võ dân chủ trong và ngoài nước.
Bản án của Uyên nói lên điều gì? Ý nghĩa bản án lịch sử này đối với người trẻ và với nhà cầm quyền Việt Nam ra sao?
Tạp chí Thanh Niên VOA hôm nay ghi nhận ý kiến giới trẻ trong nước qua bản án của Phương Uyên và Nguyên Kha, với sự tham gia của Quốc Quyết từ Nghệ An, Nam Nhi ở Sài Gòn, và Duy Hải tại An Giang.
Your browser doesn’t support HTML5
Trà Mi: Từ sơ thẩm sang phúc thẩm được giảm án đáng kể là điều rất hy hữu tại Việt Nam. Bị can ‘không nhận tội’ vẫn được giảm án như trường hợp của Phương Uyên quả là điều chưa từng thấy trước nay ở các phiên tòa trong nước. Là những người quan tâm theo dõi vụ việc này, theo đánh giá và ghi nhận của các bạn, vì sao Phương Uyên không ‘nhận tội’ vẫn được giảm án?
Nam Nhi: Vụ này có liên quan đến chuyến đi Mỹ của ông Trương Tấn Sang. Qua đó, vấn đề nhân quyền được Mỹ đặt cao, yêu cầu Việt Nam phải có những bước tích cực thì Mỹ mới có thể có những ưu tiên cho Việt Nam hơn, vấn đề nhân quyền Việt Nam và Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương. Tôi nghĩ vụ Uyên có liên quan đến cái này.
Trà Mi: Nhi cho rằng nguyên do chủ yếu do áp lực ngoại giao. Còn anh ghi nhận của anh Hải ra sao?
Duy Hải: Tôi nghĩ 80% là do áp lực bên ngoài. 20% còn lại là do áp lực từ gia đình Uyên và trong nước. Vả lại, thái độ của Uyên rất cứng rắn.
Quốc Quyết: Thật ra tôi hết sức sững sờ về bản án này. Tôi cũng là một ngừơi quan sát và quen biết nhiều người bị xử về tội chính trị. Hầu hết các vụ án chính trị, người ta không dựa vào chứng cứ, sự tranh luận, hay lý lẽ ở phiên tòa, mà chủ yếu dựa vào thái độ. Một người bị tội ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’ bảo vệ quan điểm của mình mà được giảm từ 6 năm tù giam xuống còn 3 năm tù treo như trường hợp Uyên là lần đầu tiên, khiến tôi rất ngạc nhiên. Còn về lý do, rất khó nói được vì cách hành xử của chính quyền thường chả có logic gì cả. Có thể do vào thời điểm đấy, các quan điểm thân phương Tây và áp lực từ phương Tây có hiệu quả.
Trà Mi: Nếu nói do áp lực, vì sao áp lực này chỉ có hiệu quả trong riêng trường hợp của Phương Uyên?
Duy Hải: Vì thực tế Phương Uyên rải truyền đơn chống Trung cộng khi họ đang lấn lướt Việt Nam. Mình là người dân mình phải lên tiếng. Uyên làm vậy dân chúng rất ủng hộ. Hôm phúc thẩm, tôi ở ngoài tòa án chứng kiến người dân rất ủng hộ Uyên, chẳng hạn như cuộc biểu tình bên ngoài tòa án.
Trà Mi: Anh Hải cho rằng áp lực có hiệu quả với trường hợp của Uyên vì hành động của cô được nhiều người ủng hộ. Nhưng cùng chung hành động với Uyên mà Đinh Nguyên Kha dù nhận tội vẫn tiếp tục bị giam 4 năm trong khi Uyên được hưởng án treo. Các bạn hiểu điều này thế nào?
Quốc Quyết: Chị đặt câu hỏi rất hay. Thật ra chúng ta phải thừa nhận hành vi của cả hai em Uyên, Kha không cấu thành tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’ vì về mọi mặt lý lẽ cho thấy họ chống đảng. Chống đảng là chống cơ quan, tổ chức, chứ không phải chống nhà nước. Không có luật nào gọi chống đảng là chống phà nhà nước cả. Rõ ràng về chứng cớ, cả hai em đều phải vô tội. Uyên bị xử án treo vẫn là có tội chứ không phải vô tội. Uyên kháng cáo kêu oan, không nhận mình có tội. Kha kháng cáo xin giảm nhẹ. Trong trường hợp của Uyên, theo tôi, có một tác động mang tính tâm linh. Trước phiên xử một ngày, tôi có đi thăm Uyên. Tôi nhìn thấy nét mặt Uyên sáng ngời. Tôi nghĩ có lẽ thời khắc của Uyên đã đến mà sức cản của những người thân Tàu cũng không thể cản nổi.
Trà Mi: Anh Quyết không thể giải thích bằng logic, khoa học với vụ án có nhiều tình tiết tréo ngoe này nên cho rằng có một quyền lực siêu nhiên. Còn anh Nhi, theo anh điều gì đã giúp sức cho chiến thắng của Phương Uyên?
Nam Nhi: Tôi cũng thấy rất bất ngờ. Trong các tù nhân chính trị, Uyên khá trẻ và là con gái. Không hiểu các yếu tố này có liên quan đến bản án treo hay không.
Trà Mi: Nếu nói tới các vụ án đựơc đặc biệt lưu ý, được thế giới quan tâm, có nhiều nhân vật có tiếng tăm được chú ý hơn Uyên, như blogger Điếu Cày chẳng hạn. Nhưng vì sao vụ án của Uyên là một điểm nhấn? Tại sao Phương Uyên được đặc biệt chiếu cố?
Các bạn trẻ mình phải dành rất nhiều thời gian quan tâm đến cuộc tranh đấu của những ngừơi tù lương tâm, những blogger, quan tâm đến đất nước để thấy được hiện trạng của đất nứơc, thấy được chế độ này như thế nào.
Trà Mi: Bản án của Phương Uyên nói lên điều gì trong mắt giới trẻ Việt Nam? Nó cho các bạn cái nhìn thế nào về pháp luật, công lý, công bằng tại Việt Nam?
Nam Nhi: Nhà nước đã có động thái khá lạ lùng, thể hiện áp lực của phương Tây, của người Việt trong và ngòai nước đã có thế để nhà nước buộc phải nghe theo. Đây là một bứơc ngoặt trong việc phản đối các hành vi của nhà nước về vấn đề nhân quyền. Đây là một dấu hiệu tích cực.
Duy Hải: Bản án này muốn chứng tỏ với thế giới rằng ở đây nó quan tâm đến nhân quyền, nhưng hiện tại ở Việt Nam này có biết bao nhiêu tù nhân lương tâm và tù nhân tôn giáo. Giới trẻ như tụi em không tin những gì mấy ông này nói ra. Luật pháp mấy ông này đưa ra cũng tự mấy ổng tự vạch lưng cho người ta xem thôi. Em nản chế độ này lắm, không còn lời lẽ gì để nói hết. Đụng chuyện thì cứ làm tới thôi chứ không còn gì để nói nữa hết.
Trà Mi: Một bản án đã giảm nhẹ so với mức sơ thẩm ban đầu mà anh Hải vẫn không có niềm tin vào công lý từ bản án này. Còn anh Quyết nghĩ sao về ý nghĩa của bản án lịch sử này đối với người dân?
Tôi nghĩ vấn đề đấu tranh sẽ còn khó khăn và còn dài, dài lắm. Để góp sức, giới trẻ cụ thể có thể chia sẻ thông tin, cần phát triển hơn những blogger của Việt Nam.
Trà Mi: Đối với nhà cầm quyền, theo các bạn, bản án này có ý nghĩa thế nào đối với những người cầm cân nảy mực tại Việt Nam?
Duy Hải: Đối với giới hữu trách đó là một bài học. Uyên là người Việt Nam, thể hiện tinh thần yêu nước của người Việt Nam mà bị mấy ông bắt. Mấy ông cũng là người Việt Nam. Nói thật mấy ông có cảm thấy tự xấu hổ hay không khi xử một người yêu nước. Uyên đâu có tội gì đâu ngòai thể hiện lòng yêu nước, tinh thần chống Trung Quốc. Đáng lý việc này mấy ổng phải làm trứơc, chứ không phải đợi dân làm rồi bắt đem nhốt, rồi muốn kêu án mấy năm thì kêu, rồi muốn thả thì thả.
Trà Mi: Các bạn đọc được ý nghĩ gì từ nhà cầm quyền qua bản án Uyên-Kha?
Quốc Quyết: Có thể nhà cầm quyền nghĩ họ sẽ thành công trong việc dùng cách này, khi bắt một ai đó xử thật nặng, rồi nương tay tỏ ra cho quốc tế thấy đã cải thiện nhân quyền. Tôi hy vọng quốc tế phải nhìn rất tinh rằng không phải những thứ đấy là cải thiện nhân quyền. Chừng nào Việt Nam còn tù nhân lương tâm vì bày tỏ quan điểm chính kiến một cách ôn hòa mà lại bị bắt, thì chừng đó Việt Nam chưa thể gọi là cải thiện nhân quyền. Tôi nghĩ họ vẫn tiếp tục dùng bài kịch này, dùng con dân để mặc cả với phương Tây để đạt được mong muốn.
Trà Mi: Chiến thắng của Phương Uyên được nhiều người cho là chiến thắng của người yêu nước. Chiến thắng này có ý nghĩa thế nào trong mắt người trẻ trong nước?
Nam Nhi: Với tôi, hành động thả Uyên coi như nhà nước đã nhận, đã chịu nhượng bộ, đã chấp nhận mình sai.
Trà Mi: Câu hỏi đặt ra liệu bản án Phương Uyên có trở thành một tiền lệ hay chỉ là một bản án có một không hai trong một thời điểm ngoại giao-chính trị nhất định mà thôi. Ý kiến các bạn thế nào?
Duy Hải: Chiến thắng của Uyên là một thời khắc quan trọng. Mấy chục năm cộng sản cầm quyền, đây là lần đầu tiên mà họ giảm rất nhẹ cho một người yêu nước. Cách đây chừng 10 năm, bản án này phải từ 10-15 năm. Bản án này không làm giới trẻ tụi em sợ đi mà còn làm tăng lòng tin chống lại chính sách của nhà nước về nhân quyền, biên giới lãnh thổ, và tôn giáo. Không phải áp đặt lên bản án như vầy mà giới trẻ người ta sợ đâu.
Quốc Quyết: Tôi trực tiếp chứng kiến không khí bên ngoài phiên tòa đấy và là một trong những người đầu tiên biết tin Uyên được án treo, được trả tự do tại tòa. Lúc đấy, xúc cảm tôi dâng trào, không phải là như giải phóng một con người mà như giải phóng cả dân tộc. Tôi biết khí phách của Uyên trứơc tòa bảo vệ quan điểm đến cùng. Bên ngòai phiên tòa, bố mẹ Uyên tỏ rõ cương quyết đấu tranh đến cùng, bảo vệ quan điểm của con mình. Rất chi là vui nhưng mình thấy rằng cuộc chiến đấu này còn rất dài. Đây chỉ là một chiến thắng rất nhỏ trong cuộc chiến dai dẳng. Sau phiên tòa lại thấy nghị định 72 bắt đầu tấn công những người yêu nứơc khác, những người đi tham dự phiên tòa của Uyên tiếp tục bị gây khó dễ. Chúng ta lại tiếp tục cuộc chiến mới còn trường kỳ.
Trà Mi: Để chuyện hiếm thấy này có thể trở thành một tiền lệ, cần những yếu tố, điều kiện nào? Giới trẻ có thể góp phần ra sao?
Nam Nhi: Sau vụ này, chắc chắn người trẻ trong nước sẽ có lòng tin hơn, bớt đi áp lực, bớt đi sợ hãi, đấu tranh sẽ nhiều hơn nữa. Bây giờ nhiều người trẻ chẳng hiểu tình hình đất nứơc này đi tới đâu. Nhiều bạn học đại học với tôi khi hỏi đến họ cũng chẳng biết gì hết. Tôi nghĩ vấn đề đấu tranh sẽ còn khó khăn và còn dài, dài lắm. Để góp sức, giới trẻ cụ thể có thể chia sẻ thông tin, cần phát triển hơn những blogger của Việt Nam.
Duy Hải: Giới trẻ cần những việc làm như Phương Uyên, cần nhiều cuộc xuống đường biểu tình, phải làm mạnh tay hơn nữa đối với chế độ này.
Trà Mi: Nhiều người mừng vui trứơc kết quả phúc thẩm của Uyên vừa rồi. Đây có phải là một tín hiệu vui, một sự tiến bộ trong nền dân chủ tại Việt Nam?
Nam Nhi: Cái đó chưa thể nói trứơc được.
Quốc Quyết: Thấy rằng sự vận động một phần cũng có hiệu quả trong thời điểm này. Tôi chưa nghĩ đó là tín hiệu tốt cho tòan nền dân chủ Việt Nam. Tôi nghĩ giới trẻ bây giờ cần làm những chuyện cụ thể hơn ngoài chuyện chia sẻ thông tin trên Facebook. Phải trực tiếp đến chứng kiến, trực tiếp dấn thân hơn nữa. Chúng ta phải hiểu rằng không có kẻ cầm quyền nào tự buông quyền lực của mình trong khi quyền lợi trong tay. Cần phải có càng đông người đòi hỏi một cơ chế dân chủ hơn. Khi có cơ chế dân chủ, những người độc tài muốn độc tài cũng không được nữa.
Trà Mi: Từ bản án của Uyên, một lời gửi tới giới trẻ Việt Nam, các bạn sẽ nói gì?
Nam Nhi: Tôi khuyên các bạn trẻ hãy chịu khó đọc báo nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn đến vấn đề của quốc gia.
Duy Hải: Các bạn trẻ mình phải dành rất nhiều thời gian quan tâm đến cuộc tranh đấu của những ngừơi tù lương tâm, những blogger, quan tâm đến đất nước để thấy được hiện trạng của đất nứơc, thấy được chế độ này như thế nào. Hãy làm xuất phát từ lương tâm của một người Việt Nam sống trong đất nước này, đang bị chế độ này đè đầu cỡi cổ.
Trà Mi: Cảm ơn các bạn rất nhiều đã dành thời gian cho cuộc trao đổi nói về bản án của Phương Uyên-Nguyên Kha.