Trân Văn
Tuần này, “bốc thăm” là một trong những chủ đề được bàn tán sôi nổi nhất trên mạng xã hội và cả hai sự kiện nâng tầm của... “bốc thăm” đều xảy ra tại Hà Nội: Sự kiện thứ nhất, chính quyền thủ đô quyết định tổ chức “bốc thăm” để kiểm tra sự trung thực của những viên chức có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập ở 12 đơn vị trực thuộc, bao gồm ba sở, ba quận – huyện, hai ban quản lý dự án, hai doanh nghiệp nhà nước, một viện, một trường (1). Và sự kiện thứ hai, phụ huynh của những đứa trẻ đến tuổi vào mẫu giáo đang ngụ tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai phải dự hai đợt “bốc thăm” để xem con, cháu họ có chỗ trong mẫu giáo công lập hay không (2)...
***
Khi nghe tin chính quyền thành phố Hà Nội chọn “bốc thăm” để kiểm tra sự trung thực của những viên chức có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập chỉ của 12 trong số những đơn vị trực thuộc, Van Vinh - độc giả của tờ Thanh Niên bày tỏ sự ngạc nhiên trên trang facebook của Thanh Niên: Trời! Có vụ “bốc thăm” nữa (3)! Cũng qua trang facebook của Thanh Niên, Huỳnh Tấn Vĩnh nêu thắc mắc như rất nhiều người khác đã nêu trên mạng xã hội: Sao không kiểm tra toàn bộ mà “bốc thăm”? Tương tự, Nguyễn Thế Hưng chất vấn: Tại sao không phải là công bố tờ khai của tất cả các quan chức thuộc diện phải kê khai tài sản? Phải chăng kê khai tài sản là loại việc khó khăn đến mức phải tổ chức như trò chơi cho bớt nặng nề?
Có thể để giảm bớt sự nặng nề trong tâm trạng khi thấy hoạt động phòng - chống tham nhũng chẳng khác gì tổ chức... trò chơi lớn, ở một số diễn đàn trên facebook, thiên hạ thi nhau đóng góp... sáng kiến, chẳng hạn như trên “Hà Nội tri thức”, Mai Quang Hiền đề nghị thay “bốc thăm” bằng... tổ chức đánh “phỏm”, “đồng chí” nào thua thì bị kiểm tra. Nguyễn Trung Kiên giới thiệu một phương thức lựa chọn ngẫu nhiên khác nếu số lượng thua “phỏm” quá đông: Tổ chức đá gà, chọi cá (4) - nhóm thua... “độ” sẽ bị kiểm tra mức độ trung thực.
Cũng có những người như Nguyễn Tấn Thọ phân tích về phương thức “bốc thăm” được chọn – sử dụng cả trong kiểm tra mức độ trung thực của viên chức thuộc diện phải kê khai tài sản lẫn trao chỗ trong mẫu giáo công lập cho những đứa trẻ đã đến lúc phải tới trường: 1.700 đứa bé mà chỉ chưa tới 50% có chỗ học. Ai cũng nghĩ, bốc thăm - may rủi, không ưu tiên ai, là quá công bằng (?) nhưng có ai nghĩ cho những người nghèo, rủi cầm lá thăm xấu, không có tiền cho con học trường tư, đành cho chúng nghỉ học? Người giàu thì quá OK, chuyện nhỏ như con thỏ. Hậu quả khác nhau rành rành, công bằng chỗ nào?
Do vậy, Nguyễn Tấn Thọ thắc mắc: Bốc thăm - công bằng là khi nhiều người cùng trình độ, cùng cảnh ngộ mà chỗ học không đủ, ai xui rủi, trời kêu phải dạ, cùng hoàn cảnh phải chịu như nhau. Nước mình xưa giờ, có đủ chỗ công lập cho bọn trẻ vào học mầm non là bình thường, nay không hiểu sao đến nỗi phải bốc thăm nhưng lại "xử" ra vụ công bằng kiểu cào bằng này thật đắng cay quá. Chớp mắt một cái, vớ phải lá thăm xui, bọn trẻ nghèo đành nghỉ học, chờ ít lâu nữa ra đường đi bán vé số? Theo mẹ đi mua ve chai? Quản lý xã hội, phải biết tính chứ, chúng tội tình gì?
Nguyễn Tấn Thọ còn nêu ra một số ý kiến khác về “bốc thăm” để kiểm tra mức độ trung thực trong kê khai tài sản: Thế giới chắc tròn xoe mắt, kiểm tra tài sản kẻ có chức quyền mà lại xổ số hên xui, trời kêu ai nấy dạ?.. Facebooker này kể đã... Vờ ngu ngu, nghĩ rằng sẽ có bốc thăm thật nghiêm túc, không có ăn gian thu xếp phiếu và hỏi dân xem họ nghĩ gì. Họ hỏi lại, nếu bác là cán bộ lãnh đạo, “đảng viên đi trước làng nước theo sau”, khi kiểm tra sao không nêu gương cho dân tin, dân trọng mà lại chen vào đứng cùng hàng với cán bộ thường để bốc thăm? Đây chính là cơ hội các bác chứng minh mọi điều người ta nói xấu lãnh đạo đều là bậy bạ hết, Nhân dịp này mà đập tan dư luận xấu đó đi chứ nhỡ bốc thăm mà các bác lãnh đạo cao lại “thoát” kiểm tra thì dân chắc chắn lại... nghi ngờ. Bày ra bốc thăm cho có vẻ dân chủ cũng được nhưng là giữa các cán bộ thường với nhau thôi. Còn lãnh đạo thì phải nêu gương. Mình cây ngay sợ gì chết đứng, bác nhể? Cây ngay, không biết chết đứng không, chứ tôi thì cứng họng. Họ hỏi vậy đó. Thực tình, tôi có học xác suất thống kê và phép chọn bất kỳ theo tỷ lệ. Tôi đồng ý với cách nghĩ của dân: Chọn trường công cho trẻ, phải tính đến số phận đám trẻ nghèo kiết xác, không vào trường công thì chúng hết đi học. Cán bộ kiểm tra tài sản cũng đừng xổ số hên xui từ trên xuống dưới, dân họ cười cho. Các bác thử nghĩ lại xem (5)?
Rồi bởi “bốc thăm” được gắn vào... “công bằng”, Chanh Tam than: Chúng ta xây dựng một xã hội bình đẳng từ tấm bé, người lớn bốc thăm để biến 50% trẻ em thành người may mắn và 50% làm kẻ xui rủi (6). Còn Nguyễn Thiện luận về “công bằng” từ một góc khác: Với chính quyền, ở tầm quốc gia và từng tỉnh thành, tôi cho rằng cần thấy, khi mà phụ huynh cấp mầm non, cấp tiểu học muốn bé học trường công nhưng thiếu trường, phải học trường tư như ở Hà Nội thì bất công nghiêm trọng với những đứa trẻ đã nảy sinh. Thấy để có chính sách. Đó là nhà nước phải thay cha mẹ bé trả học phí vì bảo đảm cơ sở vật chất cho giáo dục cấp mầm non, cấp tiểu học là trách nhiệm của chính quyền (7).
***
Xuân Sơn Võ xem viễn cảnh nhiều đứa trẻ không được đến trường do không “trúng thăm” là “trong nhờ, đục chịu” và khuyên đừng phê phán trường hay thầy cô giáo: Hãy hỏi những nhà hoạch định chính sách rằng tại sao không có đủ trường để các cháu vào học. Hay tại sao lại có trường tốt hơn, trường xấu hơn, trường thu nhiều tiền hơn, trường thu ít tiền hơn cho cấp đầu tiên của các cháu khi đến trường. Nhà nước đã làm gì khi đưa ra qui định phổ cập giáo dục? Có cấp đủ ngân sách để xây dựng trường lớp chưa? Có chuẩn bị đủ cơ sở vật chất và nguồn nhân lực chưa? Mà thôi, chuyện quản lý nhà nước của cái xứ nào đó vốn dĩ nó đã là vậy, thắc mắc coi chừng đi tù. Thôi thì chúng ta cứ chịu khó chơi trò xổ số vậy. Từ đời ông đời cha đã chấp nhận trong nhờ đục chịu, mọi việc để cho họ lo thì việc bốc thăm may rủi của các cháu hôm nay có là gì đâu (8).
Chú thích
(4) https://www.facebook.com/groups/373876840199844/permalink/1121954782058709/