Xây dựng ‘thành phố chánh niệm’ Gelephu theo thế giới quan Mạn Đà La (Phần 2)

Cầu Vajrayana ở Gelephu nhìn từ bên ngoài

Bhutan xây dựng đặc khu hành chính Gelephu là bước đi đúng hướng và việc tập trung phát triển kinh tế không những không làm mất đi, mà còn phát huy, bản sắc và các giá trị tâm linh của quốc gia này, một số chuyên gia tham gia vào dự án nói với VOA.

“Xây dựng thành phố chánh niệm Gelephu sẽ đem lại các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng như cầu, đường, sân bay. Khi đầu tư nước ngoài đổ vào, văn phòng, nhà ở, trường học, bệnh viện sẽ được xây dựng và các doanh nghiệp như cửa hàng, nhà hàng và khách sạn sẽ được mở cửa,” Quốc vương Bhutan, Jigme Khesar Namgyel Wangchuck, cho biết khi loan báo thành lập đặc khu hành chính Gelephu vào ngày 17 tháng 12, 2023 nhân dịp Quốc khánh Bhutan.

“Sẽ có nhiều việc làm hơn cho thanh niên, với mức lương theo kịp quốc tế và cơ hội tiếp cận công nghệ và kỹ năng nhiều hơn. Kinh tế phát triển có nghĩa là người dân chúng ta không cần phải lúc nào cũng nghĩ đến việc ra nước ngoài và chính phủ sẽ có ngân khố tốt hơn để phân phối phúc lợi đồng đều hơn cho người dân,” ông nói thêm.

Tuy nhiên, Quốc vương khẳng định rằng tầm nhìn lớn hơn của Gelephu là ‘giữ gìn ba bảo vật: đất nước Bhutan, di sản tâm linh và tương lai con em chúng ta’.
Ông cho biết Bhutan sẽ có cơ chế thiết thực giúp sàng lọc các công ty và con người đến với Gelephu để đảm bảo rằng họ ‘ý thức được nền văn hóa và truyền thống của Bhutan, tôn trọng bản sắc Bhutan và chia sẻ những giá trị của Bhutan’.

Thiết kế theo Mạn đà la

Quốc vương Bhutan Jigme Khesar Namgyel Wangchuck là người đưa ra ý tưởng thành phố chánh niệm Gelephu

Quốc vương nhấn mạnh, cũng trong diễn văn nhân lễ quốc khánh, rằng ba ưu tiên của dự án thành phố chánh niệm Gelephu là năng lượng, kết nối và kỹ năng. Theo đó, mọi nguồn lực năng lượng tái tạo, nhất là thủy điện, sẽ được khai thác; cơ sở hạ tầng hiệu quả và chắc chắn sẽ được xây dựng để kết nối Gelephu với bên ngoài, gồm cả kết nối viễn thông, internet và vệ tinh; và người dân sẽ được đào tạo những kỹ năng để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế.

Đặc khu hành chính Gelephu nằm ở miền nam Bhutan, sát với bang Assam của Ấn Độ và cách thủ đô Thimphu khoảng 40 phút bay.

Thành phố chánh niệm là nơi thiên nhiên được đề cao, nông nghiệp được tích hợp và hơi thở của truyền thống hiển hiện – nó không những được bảo tồn mà còn phát triển.
Bjarke Ingels, chủ tịch và nhà sáng lập Tập đoàn Bjarke Ingels Group

Theo quy hoạch tổng thể Gelephu mà VOA tìm hiểu thì thành phố này sẽ được xây dựng dựa trên 9 yếu tố của Tổng Hạnh phúc Quốc gia (GNH) đặc trưng của Bhutan, bao gồm phúc lợi tinh thần, sức khoẻ, giáo dục, tiêu chuẩn sống, sử dụng thời gian, đa dạng và sức chống chịu sinh thái, quản trị tốt, đa dạng và sức chống chịu văn hóa và sức sống cộng đồng.

“Thành phố chánh niệm là nơi thiên nhiên được đề cao, nông nghiệp được tích hợp và hơi thở của truyền thống hiển hiện – nó không những được bảo tồn mà còn phát triển,” ông Bjarke Ingels, nhà sáng lập và là giám đốc sáng tạo Tập đoàn Bjarke Ingels Group (BIG) của Đan Mạch vốn được chính phủ Bhutan mời để quy hoạch và thiết kế Gelephu, cho biết trong thông cáo báo chí gửi đến VOA.

Thiết kế của tập đoàn này cho thấy các khu dân cư ở Gelephu sẽ được thiết kế theo thế giới quan Mạn đà la trong Phật giáo, tức là bao gồm các mô típ lặp đi lặp lại đối xứng xung quanh không gian chung ở trung tâm với mật độ tăng dần từ ngoài vào trong. Nhà cửa sẽ được xây bằng vật liệu tại chỗ như tre, gỗ, đá trong khi các con đường sẽ được lát bằng gạch thấm nước. Các khu dân cư được phân cách bằng các dòng sông và được kết nối bằng những công trình dân sự và văn hóa bao gồm một sân bay quốc tế, trung tâm tâm linh nơi tăng, ni thực hành chánh niệm, trung tâm y khoa, trường đại học, trung tâm bảo tồn văn hóa Bhutan. Nổi bật nhất là công trình Chùa-Đập Sankosh – đập thủy điện với ngôi chùa nép mình trên vách với những bậc thang trên tường đập để thiền hành và nhìn ra cảnh quan xung quanh.

Quy hoạch tổng thể Gelephu ‘thấm đẫm tinh thần chánh niệm’, cựu Thủ tướng Bhutan, Tiến sỹ Lotay Tshering, thành viên của nhóm công tác về dự án thành phố chánh niệm Gelephu, trao đổi với VOA qua email.

Chùa-Đập Sankosh – đập thủy điện với ngôi chùa nép mình trên vách với những bậc thang trên tường đập để thiền hành và nhìn ra cảnh quan xung quanh.

Ông dẫn chứng cộng đồng mật độ dân cư thấp nhưng gắn kết, hành lang động vật hoang dã được đảm bảo, đất đai nông nghiệp được bảo vệ, vận hành bằng năng lượng bền vững, thành phố xen lẫn với thiên nhiên. Chỉ những công ty và cá nhân chia sẻ những giá trị của Bhutan mới được cho phép hoạt động ở đây, ông cho biết.

Cơ sở thành công

Mặc dù là nước nhỏ, không có biển, lọt thỏm giữa hai nước lớn, dân số ít, xuất phát điểm thấp, nhưng Bhutan có những cơ sở để đạt được thành tựu với dự án thành phố chánh niệm, ông Trịnh Hội, luật sư nhân quyền và là cựu giám đốc điều hành cơ quan cứu trợ người tị nạn VOICE, nhận định với VOA.

Ông Trịnh Hội là bằng hữu lâu năm với Quốc vương Jigme Khesar Namgyel Wangchuck, được Quốc vương chia sẻ về dự án Gelephu và hiện đang vận động bạn hữu tham gia hỗ trợ cho dự án.

Theo phân tích của ông Trịnh Hội, ‘thành phố chánh niệm’ là ý tưởng mới mẻ ‘hài hòa giữa triết lý phương Tây về phát triển kinh tế và triết lý phương đông về sự an lạc thân tâm’, là nơi mà mọi người ‘chánh niệm về mọi thứ xung quanh’.

“Nó rõ ràng rất có sức hút đối với bản thân tôi, nó đi thẳng vào lòng tôi,” ông nói. “Mọi người đều phải đi làm kiếm tiền nuôi bản thân và gia đình nhưng mặt khác cũng không muốn chạy theo đồng tiền mà đánh mất phương hướng và giá trị tinh thần.”

Bên ngoài một cây cầu ở Gelephu

Ông cũng chỉ ra những thương hiệu của Bhutan như chiều sâu tâm linh hay chỉ số Tổng Hạnh phúc Quốc gia sẽ giúp Gelephu có sức hút đối với thế giới bên ngoài. “Khi nói đến Bhutan người ta sẽ nghĩ đến đó là nơi khai sáng về tâm linh, một đất nước hiền hòa áp dụng triết lý Phật giáo vào đời sống,” ông nói.

Việc nằm giữa hai nước đông dân nhất thế giới chắc chắn ‘sẽ tạo ra nhu cầu lớn’ để giúp phát triển kinh tế, ông Hội nói thêm.

Ở Bhutan đã có sẵn nhiều đền, chùa, tu viện, các trung tâm thực tập thiền, các trung tâm an lạc rồi, giờ chỉ cần mở rộng thêm nữa thôi nên cũng khá là dễ.
Trịnh Hội – Luật sư


Không những thế, ông Hội nói ông còn nhận thấy ‘ý chí quyết tâm’ ở bản thân Quốc vương và toàn thể người dân Bhutan đối với dự án. “Từ những gì tôi chứng kiến, tất cả mọi người đều rất háo hức,” ông cho biết.

“Ở Bhutan đã có sẵn nhiều đền, chùa, tu viện, các trung tâm thực tập thiền, các trung tâm an lạc rồi, giờ chỉ cần mở rộng thêm nữa thôi nên cũng khá là dễ,” ông nói và cho biết du khách đến với Bhutan ‘đa phần là để khai sáng tâm linh chứ không phải để vui chơi’.

Trong quy hoạch tổng thể thành phố chánh niệm, luật sư Trịnh Hội nhấn mạnh công trình Chùa-Đập Sankosh vốn vừa là đập thủy điện vừa là nơi mọi người tham dự những khóa tu thiền.

Về sự đón nhận của người dân Bhutan đối với thành phố chánh niệm, Tiến sỹ Lotay Tshering cho biết ‘họ đồng lòng ủng hộ tầm nhìn của Quốc vương’.

“Khi Quốc vương công bố chi tiết của dự án, người dân Bhutan ở trong nước và hải ngoại nhận thức được rằng dự án này là dành cho họ,” Tiến sỹ Lotay Tshering cho biết. “Dự án cũng có sự ủng hộ rộng rãi của các nghị sỹ Quốc hội.”

“Quốc vương Jigme Khesar Namgyel Wangchuck đã nhận ra rằng trong thế giới hậu COVID-19, các công ty, nhà đầu tư và các cá nhân đang ngày càng mong muốn cả thành công trong kinh doanh và cuộc sống có ý nghĩa. Gelephu hoàn toàn ở vị trí tốt để đáp ứng nhu cầu này,” ông nói.

Có đánh mất mình?

Bên trong một trường đại học ở Gelephu

Trước câu hỏi một khi bị cuốn vào guồng máy tăng trưởng kinh tế, liệu Bhutan có đánh mất bản sắc hay không, Tiến sỹ Lotay Tshering nói rằng không chỉ được ghi thành luật, tính bền vững còn ‘thấm đẫm trong mọi mặt của thành phố chánh niệm cũng như trong mọi mặt văn hóa và kinh tế Bhutan’.

Từ Quận Cam, bang California, bà Lan Cao, giáo sư về luật doanh nghiệp và luật hợp đồng tại Đại học Chapman và hiện đang tư vấn cho dự án Gelephu về mặt pháp lý, cho biết luật pháp của Bhutan ‘rất khắt khe về khí hậu’, chẳng hạn như phải luôn giữ mức độ che phủ rừng của đất nước ở mức ít nhất là 70%, và có những đạo luật chặt chẽ về bảo vệ môi trường sống của động vật.

Là một nước nhỏ, Bhutan không cần thu hút rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong khi không ít các công ty trên thế giới cũng chia sẻ những giá trị của Bhutan.
Lan Cao – Giáo Sư Luật đại học Chapman


Thêm nữa, vì là một nước nhỏ, Bhutan không cần thu hút rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong khi ‘không ít các công ty trên thế giới cũng chia sẻ những giá trị của Bhutan,’ bà Lan Cao nói, chẳng hạn như các giá trị DEI, tức đa dạng, bình đẳng và không loại trừ, và dẫn chứng hãng trang phục dã ngoại Patagonia là một trong những hãng ‘có ý thức về trách nhiệm doanh nghiệp, muốn đóng góp cho phúc lợi thế giới’.

Ông An Võ, người Úc gốc Việt hiện đang làm việc ở Los Angeles và tham gia tư vấn thực hiện dự án cho chính phủ Bhutan, nói với VOA việc giữ độ che phủ rừng ở mức 70% giúp cho Bhutan luôn có mức phát thải carbon âm, và việc Bhutan có tiềm năng thủy điện thặng dư sẽ giúp nước này không cần nhiều năng lượng hóa thạch hay điện than cho phát triển kinh tế.

“Nếu họ cần sản xuất thêm năng lượng thì họ sẽ mở rộng năng lực thủy điện mà họ đang có, và thủy điện sẽ có tác động tối thiểu đối với môi trường,” ông giải thích. “Và trên hết, họ sẽ có cân nhắc đối với ngành nghề nào họ muốn tiếp nhận vào Gelephu mà tôi không nghĩ sẽ là công nghiệp nặng. Công nghiệp nhẹ và công nghệ cao sẽ có tác động tối thiểu đến môi trường.”

Theo lời ông An Võ thì việc gắn kết với môi trường, đất đai là một phần của chánh niệm nên chính quyền Bhutan ‘đã đưa nó vào trong chính sách’.

“Bhutan có rất nhiều tu viện Phật giáo, và triết lý, cách sống Phật giáo đã ăn sâu vào xã hội và nền văn hóa Bhutan, cho nên tôi không nghĩ sẽ có nguy cơ nền văn hóa và bản sắc Bhutan sẽ thay đổi triệt để khi họ mở cửa phát triển kinh tế,” ông nói.

Về phần mình, luật sư Trịnh Hội cho rằng phát triển kinh tế và thực hành chánh niệm ‘không loại trừ nhau’ mà là ‘hỗ trợ nhau’ và Gelephu có thể đạt được cả hai mục tiêu.

“Ở Gelephu, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có những trải nghiệm mà họ không thể có ở nơi khác,” ông giải thích. “Họ không chỉ tìm kiếm lợi nhuận mà còn ý thức về vị trí của họ trên thế giới, ý thức về môi trường và ý thức về cách mà họ có thể đóng góp để làm cho thế giới bền vững hơn.”

“Quốc vương đã nói rõ là Gelephu chỉ chào đón những công ty không gây ô nhiễm,” ông Trịnh Hội lưu ý và cho biết một trung tâm thực tập thiền ở New York đã bày tỏ mong muốn đầu tư vào Gelephu để xây dựng một trung tâm tu tập để họ có thể tổ chức các chuyến hành hương hàng năm đến đó.

Bên trong sân bay quốc tế ở Gelephu

Thế giới đang đi về hướng phát triển bền vững, và Bhutan đã đi theo hướng này trong hàng thập kỷ để đảm bảo phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và đem lại hạnh phúc cho người dân, ông David Liu, nhà sáng lập và là CEO của quỹ đầu tư Mithera ở Seattle hiện đang tư vấn cho dự án Gelephu về thu hút đầu tư, nói với VOA.

“Do đó, Bhutan có khả năng dẫn đầu thế giới về phát triển bền vững,” ông Liu nói.

Kỳ cuối: Một số người Việt hải ngoại từng trải nghiệm cuộc sống ở Bhutan chia sẻ với VOA rằng họ cảm thấy ‘an lạc’, được lan tỏa ‘nguồn năng lượng tích cực’ từ người dân nơi đây và bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ học hỏi Bhutan ở chỉ số Tổng Hạnh phúc Quốc gia.