Sáng 23/8/2015, lãnh đạo TP.HCM đã dành hơn 4 giờ để nghe và phản biện công trình nghiên cứu của một nhóm chuyên gia kinh tế về vấn đề TP.HCM sẽ chọn tầm nhìn, mục tiêu nào để hướng đến trong chặng đường phát triển 30 năm tới (nguồn: từ bài “Xác định tầm nhìn cho TP.HCM”, báo in Tuổi Trẻ số 227/2015 (8052), ngày 24/8/2015, trang 6).
Đề tài của công trình nghiên cứu là: “Đánh giá sức mạnh cạnh tranh của TP.HCM và gợi ý định hướng chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn 2045” do nhóm tác giả Huyền Thế Du, Nguyễn Xuân Thành, Đỗ Thiên Anh Tuấn, Huỳnh Trung Dũng thực hiện và trình bày (nguồn: như trên).
Bài viết này xin được thảo luận về các phát biểu của bốn khuôn mặt nổi bật trong buổi phản biện.
A) Ông Huỳnh Thế Du cho rằng: “Cạnh tranh đang lấn át hợp tác” khiến “vấn đề liên kết trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam còn thấp”. Người viết đồng ý với nhận định này, và đồng ý rằng tính chất này là một trở lực lớn cho sự phát triển. Việt Nam không phải là một nước rộng, miền Nam càng không rộng. Vậy mà tính cạnh tranh nhau, mà trong nhiều trường hợp, có thể hiểu là “giành giựt” nhau những mối lợi nhỏ nhặt và ngắn hạn chứ không hợp tác tạo lợi ích lớn hơn, lâu dài hơn và cho một tập thể rộng hơn. Các thí dụ rõ rệt được tìm thấy trong cách qui hoạch hệ thống trường đại học các tỉnh miền Nam và qui hoạch các khu công nghiệp và khu công nghiệp kỹ thuật (Công nghệ) cao. Tính cạnh tranh làm sụt giảm, và thậm chí trong nhiều trường hợp, triệt tiêu tính hợp tác giữa các tỉnh, các khu công nghiệp. Phóng tầm mắt ra khỏi miền Nam, chúng ta nghĩ gì về sự hợp tác giữa các miền? giữa trung ương và địa phương? có chăng hiện tượng vùng này “giành giựt”, cản trở vùng kia?
Nhận xét khác của ông Du rằng “Dường như đang thiếu vắng sự tham gia hồ hởi và coi đó là một phần việc hay niềm tự hào đối với quá trình phát triển của TP trong người dân” cho thấy tình trạng người dân thờ ơ với sự phát triển của cộng đồng. Điều này phải chăng có cùng ý nghĩa với nhận định rằng dân chúng đã ngoảnh mặt với chính quyền? Sau bao góp sức, bao góp ý, bao hi vọng vơi chính quyền để rồi đa phần nhận lại sự thờ ơ; sau bao chân thành cộng tác với chính quyền để rồi đa phần chỉ nhận lại sự vô cảm, thất hứa, giả dối… phải chăng lòng dân không còn tin tưởng và đã quay lưng với chính quyền?
B) Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt câu hỏi: “Có hay không việc người làm khoa học không vì khoa học thật sự mà làm cho đẹp lòng người lãnh đạo? Nếu đúng là có điều đó thì sẽ là cản trở rất lớn trong quá trình phát triển”.
Chắc ai cũng biết, người dân Hoa Kỳ, trong khi kính trọng vị Tổng thống do dân bầu của họ, không sợ cá nhân Tổng thống đó. Bởi vì nhiều lí do, trong đó những lí do quan trọng nhất là a) chính họ, dân chúng, là người thực sự chọn người họ thấy xứng đáng vào vị trí Tổng thống; b) họ có báo chí tư nhân, có thể đưa sự việc ra công luận. Báo chí tư nhân là phương tiện tự vệ hữu hiệu của người yếu thế, khiến kẻ cầm quyền phải chùn tay khi muốn lạm quyền hay xâm phạm một giá trị sống của dân tộc; và c) nếu sự việc cần thiết, họ có thể kiện. Người xử kiện độc lập với Tổng thống, do đó họ có thể tin vào công lý.
Chính vì vậy, trong khi dân chúng Hoa Kỳ có thể khiến Tổng thống Nixon từ chức vì sự kiện Watergate, thì Bí thư thứ nhất của đảng CSVN, ông Lê Duẩn, vẫn nắm quyền tối thượng và toàn diện tại Việt Nam sau các gian dối sửa đổi di chúc của ông Hồ Chí Minh. Bao giờ cũng vậy, cho tới trước khi bị lật đổ, một nhà lãnh đạo trong chế độ độc tài luôn khiến cấp dưới và dân chúng sợ hãi, do đó có rất nhiều cấp dưới là “người làm khoa học không vì khoa học thật sự mà làm cho đẹp lòng người lãnh đạo”. Quả thật, điều đó “là cản trở rất lớn trong quá trình phát triển”. Chính vì thế, trên con đường phát triển của nhân loại, đa số các quốc gia trên thế giới đã từ bỏ chính thể độc tài, xây dựng đất nước theo chính thể Tự do - Dân chủ, và ở các nước thành công nhất thì dân chúng có đời sống giàu mạnh, ấm no.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm là một trong vài người lãnh đạo cao nhất của thành phố HCM, là đảng viên cao cấp của đảng Cộng sản Việt Nam, đảng đang nắm quyền lãnh đạo độc tài và cai trị đất nước theo cách thức toàn trị, không có tam quyền phân lập. Ở vị trí đó, có thể nào bà ngây thơ tới mức không biết “có hay không việc người làm khoa học không vì khoa học thật sự mà làm cho đẹp lòng người lãnh đạo?”
C) Ông Phan Thanh Bình, ủy viên Trung ương đảng CSVN, giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM nhấn mạnh: “Tầm nhìn là điều quan trọng nhất. Phải xác định và theo đuổi đến cùng tầm nhìn của mình”. Ông cho rằng “chính quyền phải chia sẻ được tầm nhìn với người dân TP, để mỗi người đều cảm thấy được dự phần vào mục tiêu chung của TP”. Ông cũng cho rằng để đạt tầm nhìn đang đặt ra, “TP.HCM cần thay đổi tư duy tuyển dụng. Không nên chọn người ‘an toàn’ mà phải là người có ý tưởng”.
Tôi hiểu ý ông Bình nói là nên chọn người có tư tưởng đột phá, có tư tưởng ra ngoài “cái hộp” thông thường (out of the box) chứ không chọn người làm theo cấp trên, theo ý đảng. Nếu tôi hiểu đúng ý ông Bình thì tôi đồng ý và đồng tình với ông. Vấn đề ở chỗ: trong cái hệ thống đảng lãnh đạo toàn diện và quản lí toàn trị này mong muốn “không chọn người ‘an toàn’ mà phải là người có ý tưởng” là không khả thi. Thực tế cho thấy để một người “có thể bố trí được” thì người đó phải là có ít nhất hai tiêu chuẩn sau:
1) có lí lịch đỏ, nghĩa là thuộc gia đình “đi theo đảng”, và trong quá trình thăng tiến đã nhờ vào thế lực quen biết trong hệ thống đảng mà leo cao, và,
2) là đảng viên.
Tuyệt đại đa số những người như vậy là người “an toàn”. Hệ thống cai trị hiện tại đã loại bỏ người có ý tưởng đột phá từ những cấp bậc rất thấp.
Người có “ý tưởng đột phá” để có tầm nhìn vừa đủ xa và rộng để dẫn dắt đất nước vào tương lai, vừa trong tầm khả năng để có thể xác định tiếp theo các mục tiêu có thể với tới, người đó chỉ có thể được tuyển chọn bởi một tập thể rộng và lớn. Tập thể đó là Nhân dân. Đảng không thể chọn được một con người như vậy, bởi vì đảng chỉ là một tập hợp nhỏ trong lòng Nhân dân rộng lớn hơn nhiều.
D) Ông Võ Văn Thưởng, ủy viên Trung ương đảng CSVN, phó bí thư thường trực Thành ủy, chia sẻ: “Việc xác định tầm nhìn dài hạn và triết lý phát triển của TP phải tạo ra cảm xúc xã hội, giải phóng được năng lượng, khơi thông sức dân”. Tôi cũng đồng ý với ông Thưởng.
Cảm xúc của dân chúng được nâng lên, năng lượng của dân chúng được giải phóng chỉ khi nào dân chúng cảm nhận rằng họ thực sự là chủ xã hội này. Thực tế hiện nay, trái lại, khiến dân chúng cảm nhận người chủ thực sự của xã hội chính là đảng Cộng sản Việt Nam và dân chúng là kẻ bị trị, bị trị lâu dài và toàn diện. Lập luận “nhân dân làm chủ, đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý” đã từ lâu trở nên khôi hài một cách lố bịch.
Người dân chỉ làm chủ thực sự khi họ thực sự có quyền chọn người tham gia chính quyền, lập chính phủ điều hành đất nước, họ có quyền nhận xét, thảo luận, phê phán, nghiệm thu thành quả của chính quyền, và họ có thực quyền bãi miễn hay truất phế chính quyền nếu thành quả không như ý họ. Điều này có nghĩa là hiện nay người dân Việt Nam không là chủ đất nước bởi vì họ không có quyền tự do ứng cử bầu cử, không có quyền ra báo tư nhân, không có quyền lập hội, lập đảng… Nếu hoàn cảnh này không được thay đổi, làm sao có thể “tạo ra cảm xúc xã hội, giải phóng được năng lượng, khơi thông sức dân”?
Hơn nữa, nước Việt Nam hiện nay đang nằm dưới sự lãnh đạo toàn diện và sự quản lý toàn trị của đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng biết dân chúng không đồng ý thể chế này, đảng biết dân chúng không đồng ý với những chính sách xương sống của đảng như: cương quyết dùng bạo lực giữ độc quyền thống trị lâu dài (giữ điều 4 Hiến pháp), độc đảng, toàn trị (không tam quyền phân lập), liên kết với đảng Cộng sản Trung Quốc, cấm các quyền tự do căn bản của dân chúng (tự do ứng cử bầu cử, tự do ngôn luận, tự do lập hội, lập đảng…), giành quyền sở hữu đất đai… Do ý thức được lòng dân không còn ủng hộ, đảng CS Việt Nam càng ra sức ngăn cấm và đàn áp các biểu hiện thực thi quyền làm chủ của người dân. Mục tiêu của đảng hiện nay là bảo vệ vị trí độc quyền thống trị chứ không phải bảo vệ và phát triển đất nước.
Dưới sự lãnh đạo của một đảng như vậy, thành phố HCM nói riêng và đất nước nói chung có thể “xác định tầm nhìn dài hạn và triết lý phát triển” để “tạo ra cảm xúc xã hội, giải phóng được năng lượng, khơi thông sức dân” như ông Thưởng chia sẻ được không?
Tâm sự cuối bài viết…
Ông Phan Thanh Bình là Phó giáo sư, Tiến sĩ, hiện là Giám Đốc trường Đại học Quốc gia Tp HCM. Ông Võ Văn Thưởng là phó bí thư thường trực Thành ủy, một người trẻ tuổi được “cơ cấu” vào vị trí cao và có thể lên rất cao. Hai ông vào ủy viên trung ương cùng một khóa. Tôi nghĩ và mong rằng hai ông thông cảm với bài viết này. Đất nước, thành phố chỉ có thể có tầm nhìn đủ sức thổi lên hoài bão, rung chuyển lòng dân và dẫn dắt các bước triển khai khi dân chúng thực sự nắm quyền làm chủ xã hội.
Xin chúc hai ông thành đạt hơn nữa trên con đường sự nghiệp chính trị sắp tới. Rất mong hai ông thực lòng lo cho sự phát triển của đất nước, của dân tộc. Rất mong hơn nữa là hai ông, trong tầm ảnh hưởng của mình, dần dần góp phần tách đảng ra khỏi vị trí độc quyền lãnh đạo đất nước một cách không chính đáng này, dần dần trả lại cho nhân dân vị trí làm chủ xã hội, đất nước của họ. Khi nhân dân Việt Nam thực sự làm chủ đất nước Việt Nam, người viết tin rằng họ đủ nghị lực, đủ thông minh, đủ kiến thức phục hưng và xây dựng tổ quốc hùng cường, no ấm. Các ông có đồng ý với niềm tin của người viết không?
Tôi tin rằng ai làm được vậy là tạo công lớn cho đảng. Đưa đảng, từ vị trí lãnh đạo và thống trị một cách không xứng danh một đất nước có nhiều bế tắc, trở thành một chính đảng cạnh tranh bình đẳng trong lòng đất nước tự chủ và giàu mạnh, điều đó chẳng là công lớn hay sao?
Hơn nữa, người đó cũng có công lớn cho dân tộc. Phá thế bế tắc hiện nay, mở ra tầm nhìn và kế hoạch chiến lược dài hạn để phát triển đất nước, vị trí để làm được điều đó đâu dễ mấy người có? Người làm việc này sẽ có chỗ đứng lâu dài trong lòng dân và trong lòng lịch sử.
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.