WHO: Thiếu lãnh đạo toàn cầu là ‘đe dọa lớn nhất’ trong cuộc chiến COVID

Tổng giám đốcTổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Abhanom Ghebreyesus

Thiếu sự lãnh đạo và đoàn kết toàn cầu để chống virus corona là mối đe dọa lớn hơn so với mối đe doạ của đại dịch, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố hôm 22/6 và nói thêm rằng chính trị hóa đại dịch đã làm cho dịch bệnh càng tệ hại.

Ông không nêu chi tiết nhưng WHO đã bị một số nước thành viên chỉ trích, đặc biệt là Mỹ, cho rằng tổ chức này quá yếu, quá chậm và “quá nghiêng về Trung Quốc” trong việc ngăn chặn dịch bệnh.

Các nước thành viên khác kêu gọi điều tra đại dịch. Úc thúc đẩy WHO có nhiều quyền lực hơn để tổ chức này có thể đáp ứng nhanh chóng hơn với cuộc khủng hoảng về sức khỏe.

“Thế giới đang khẩn thiết cần sự thống nhất và đoàn kết toàn cầu. Chính trị hóa đại dịch đã làm tình hình tồi tệ hơn,” Tổng giám đốc WHO Tedros Abhanom Ghebreyesus nói tại một diễn đàn y tế trên mạng do Hội nghị Thượng đỉnh Chính phủ Thế giới tổ chức.

“…Đe dọa lớn nhất chúng ta phải đối diện hiện nay không phải là virus, nhưng là thiếu đoàn kết trên thế giới và thiếu lãnh đạo toàn cầu.”

Ông nói một số phần của qui định y tế thế giới cần phải được củng cố để “thích ứng hơn với mục đích.”

Ông không nói phần nào, chỉ nói rằng cần sự tài trợ phối hợp, minh bạch, rộng rãi và linh hoạt để thực thi hoàn toàn.

Ông cũng kêu gọi tất cả các nước phải ưu tiên cho bảo hiểm y tế toàn dân và lưu ý rằng thế giới đã học được một bài học lớn là hệ thống y tế vững mạnh là “nền tảng của an ninh y tế toàn cầu và của phát triển kinh tế xã hội”.

Hôm 19/6, WHO cảnh báo đại dịch đang gia tăng, vào lúc các ca lậy nhiễm toàn cầu tăng trên 8,3 triệu người, với 453.834 ca tử vong.

Bộ trưởng Y tế Na Uy, Bent Hoeie, khuyến cáo dịch bệnh COVID “còn lâu mới hết”.