Bữa đó chúng tôi bàn nhau phải “dọn nhà,” dù đồ đạc chưa sẵn sàng. Vì cuốn lịch tử vi Tam Tông Miếu bảo nên “Nhập Trạch” và “An Môn,” thay đổi chỗ ở rất tốt. Đó là ngôi nhà đầu tiên tôi mua ở nước Mỹ.
Tôi sang nhà mới ngủ, mang theo đủ đồ dùng cá nhân, cái ấm đun nước để lúc thức dậy pha bình trà. Sáng sớm, có người bấm chuông. Mở cửa ra, một người đàn ông tươi cười tự giới thiệu: Tôi là John, hàng xóm của ông. Tôi biết ông mới đến đây ở.
John rất tốt. Có bữa trong phòng ngủ tự nhiên mất điện, loay hoay mãi không làm gì được, tôi chạy sang kêu cứu, John qua liền. Quan sát một hồi, anh kêu tôi tới gần, chỉ cho tôi một cái nút, bấm vào đó tự nhiên có điện! John bảo “Tôi là thợ điện.”
Trong xóm có 10 căn nhà, mọi người đều rất dễ thương. Nghe tôi tự giới thiệu mình là người Việt Nam, bà hàng xóm giới thiệu tôi với người Á châu khác: Đây là ông Ô (Oh) ở bên trái nhà tôi, đây là ông Đô, nhà bên phải, mới đến. Tôi hỏi ông Oh: “Ông từ đâu tới?” Ông người Đại Hàn.
Trước đây, tôi hỏi câu đó, “Where are you from?” Không ai thắc mắc gì cả. “Where are you from?” Thời mới qua Montréal tị nạn năm 1975, tôi vẫn thường hỏi rất nhiều người như vậy. Hỏi họ xong mới biết có người cùng ở “trại tị nạn” với mình từ Chile tới. Hai người tị nạn gặp nhau, mình chạy trốn cộng sản, bà kia chạy trốn chế độ độc tài chống cộng của Pinochet. Ông hàng xóm đầu tiên mang cho tôi bao nhiêu món đồ dùng đầu tiên trong nhà, hai cái ghế, một cái đèn, cái tủ có ngăn kéo, vân vân. Ông cũng chạy tị nạn, từ Hungary, năm 1956.
Bốn năm trước đây, khi đổi qua địa chỉ mới, gặp một ông hàng xóm vui vẻ, tôi vẫn hỏi, “Where are you from?” Ông gốc người Ecuador. Trong khu này, hàng trăm gia đình, có cả người Trung Quốc, người Ấn Độ, người Hàn Quốc, nhưng 90 phần trăm da trắng. Ai cũng rất thân thiện, đi qua cửa thấy nhau là vẫy tay chào. Đi bộ ngoài đường, gặp ai cũng cười cười, “Hello!”
Nhưng bây giờ nghĩ lại, tôi mới nhớ ra một điều: Hai chục năm qua, không một người nào hỏi chúng tôi từ xứ nào tới đây. Có lẽ họ kiêng, không hỏi. Hình như họ đã học được một điều, rằng câu “Where are you from?” đem hỏi ai là có ý phân biệt. Là ngụ ý rằng người kia là di dân, không phải dân Mỹ “chính gốc” như mình.
Có những “người Mỹ” không biết điều đó. Một độc giả báo L.A. Times viết cho tòa báo nói như thế. Ông Kendall W. ở Encino thú nhận bao nhiêu năm nay ông vẫn hỏi những người gốc Á châu “Where are you from?” Vì tò mò. Vì ông đã đi qua các nước Á châu nhiều lần và rất thích nếu được gặp những người từ các xứ đó. Bây giờ ông nghĩ lại: “Câu hỏi của tôi xúc phạm người ta, bây giờ tôi mới “mở mắt ra.” Tôi sẽ cố gắng không xúc phạm họ nữa.”
Chính tôi cũng “mở mắt ra!” Té ra mình đã hỏi những câu có thể vô tình xúc phạm người khác! Lạ thật. Ông từ đâu tới? Bà từ đâu tới? Một câu hỏi giản dị như thế mà cũng xúc phạm sao? Tôi muốn nói với ông Kendall: Tôi không bao giờ cảm thấy bị xúc phạm nếu có ai hỏi mình từ đâu tới. Ngược lại, tôi rất vui khi cho người khác biết mình là người Việt Nam.
Nhưng tôi thông cảm với những người Á châu thấy mình bị xúc phạm khi bị hỏi câu đó. Bởi vì nhiều người đã phải nghe những hỏi câu sỗ sàng, thù ghét, gây hấn. Có người Việt đã bị hỏi: “Sao “You” không cút về Tàu đi?” Một người bạn tôi có đứa cháu trai 20 tuổi đến một tiệm lấy món ăn đã gọi đặt, một thanh niên da trắng đứng bên hỏi cháu: “You” có hợp pháp hay không? Tôi viết nguyên những chữ “you” vì có thể dịch ra nhiều cách. Nói thân thiện thì dịch là “anh,” không thì dịch là “mày” cũng được. Cậu cháu sinh ra và lớn lên ở Mỹ, ngẩn người ra, cứng họng, không thể phản ứng gì được! Cháu chưa bao giờ tưởng tượng có ngày mình bị hỏi một câu như thế!
Nhiều người không hỏi những câu sỗ sàng thô bỉ như vậy. Họ biết cách nói tế nhị hơn: “You” từ xứ nào tới đây?
Câu hỏi “Where are you from?” vốn không có ý xúc phạm. Nếu ông Kendall gặp một người Á châu, trò chuyện đôi câu, rồi mỉm cười, nhướng mắt tò mò hỏi “Where are you from?” thì chắc không ai cảm thấy bị xúc phạm. Giống như bà hàng xóm của tôi, đã giới thiệu ông Ô với ông Đô. Bà bật cười sau khi phát âm hai cái tên Á Châu. Tôi không cảm thấy bị xúc phạm, ông Oh nghe cũng cười theo. Nghe hai cái tên ngộ nghĩnh như vậy, ai chẳng bật cười? Cười xong rồi, ba người cảm thấy thân với nhau hơn. Sau đó bà đã nhiều lần mời ông Đô và ông Ô qua dự tiệc Giáng Sinh với những người cùng xóm.
Đó là chuyện 20 năm trước. Bây giờ có lẽ bà Donna, hàng xóm cũ của tôi, sẽ không dám cười khi nói hai cái tên xa lạ nữa. Cười lên, bà có thể lo chúng tôi bị xúc phạm. Chúng tôi có thể nghĩ bà này đang chế nhạo cái tên của mình, kỳ quặc, không giống ai. Bây giờ, hàng xóm đối xử với nhau cũng phải cẩn thận, giữ ý tứ.
Tội nghiệp thật. Giữ gìn cẩn thận đến nỗi không dám hỏi nhau “Where are you from?”
Nước Mỹ đã thay đổi. Mọi người nhìn nhau bằng con mắt khác. Đối xử với nhau cách khác. Không những giữa những người lạ mà cả giữa bạn bè, trong gia đình. Tôi quen một gia đình người Mỹ gốc Âu châu mà tổ tiên đã qua đây từ hai, ba thế kỷ. Hai vợ chồng trước tới giờ vẫn bỏ phiếu cho hai đảng khác nhau. Nhưng họ vẫn sống hòa hợp, vui vẻ. Đến những năm bỏ phiếu, các con chỉ cười nói nhỏ, kín đáo kể nhau nghe cảnh bố mẹ tránh né không nói chuyện bỏ phiếu. Bây giờ, nhiều gia đình người Mỹ đã chia rẽ vì chính trị. Tất cả bị con virus chính trị xâm nhập. Có cô con gái công khai từ bỏ bà mẹ vì chọn ứng cử viên tổng thống khác mình. Căn bệnh này lan tràn không phân biệt màu da hay sắc tộc. Báo The Atlantic kể một phụ nữ họ Nguyễn, 41 tuổi, ở San Jose than rằng ông bố ở cùng nhà đã không thèm nói với con một câu nào trong hai tháng vừa qua.
Nạn chia rẽ vì chính trị cũng như nạn tấn công người Á châu cùng do một loài vi khuẩn gây ra. Nó mới bột phát gần đây thôi. Có thể tin rằng sẽ sớm tới ngày loài vi rút này không còn hoành hành tác hại nữa, giống như loài Coronavirus cũng sẽ rút lui. Có một thứ vaccine, thuốc chủng ngừa chống bệnh chia rẽ, bệnh kỳ thị, mà ai cũng mang sẵn trong mình. Đó là tánh thiện. Có mấy ngàn người gốc Á châu đã bị tấn công, nghĩa là chỉ mới có mấy ngàn thủ phạm. Có thể đoán hàng triệu người Mỹ khác hoan nghênh bọn cực đoan này. Nhưng họ là thiểu số. Họ bị các nhà chính trị bơm vi rút chia rẽ vào đầu. Còn hàng trăm triệu người, người da trắng, trong hơn 300 triệu dân Mỹ, không ai chứa tâm địa nhỏ nhen, ganh tị, thù ghét vô lý đó.
Tôi đã nghiệm thấy trong những lần đi dạo trong khu mình ở. Từ khi bệnh dịch Covid bắt phải cấm cung, mỗi ngày tôi vẫn đi dạo mấy lần để giữ sức khỏe. Tôi thường đeo mạng che miệng, còn 90 phần trăm lối xóm thì không. Rất nhiều người, hầu như ai cũng da trắng, cũng đi dạo với nhau hoặc dắt theo con chó. Có hai ông bà gốc Hoa lớn tuổi hồi xưa vẫn thường dẫn ba con chó đi bộ. Gần đây, sau khi nghe nhiều tin tức về người gốc Á châu bị tấn công, tôi thấy hai người này bớt ra khỏi nhà. Tôi vẫn tiếp tục đi bộ nhưng cũng lo giữ mình cẩn thận hơn. Khi ra đường là nhìn trước nhìn sau.
Nhưng tôi cũng nhận thấy một hiện tượng lạ. Trong một tháng qua, sau khi ti vi loan tin những vụ đánh người Á châu, nhất là sau vụ 6 phụ nữ Hàn Quốc ở Atlanta bị giết, những người tôi gặp đi dạo trên đường đều mỉm cười trước và đưa tay lên chào. Tất cả đều là người da trắng. Trước đây họ chỉ cười đáp lễ, rồi đi thẳng. Bây giờ họ cười tươi hơn và nhìn lâu hơn trước khi đi! Tôi nghĩ những ông bà hàng xóm này, ai cũng coi tivi, họ có thể cũng đoán tôi đang lo lắng không biết mình sắp bị “đánh” hay không! Cho nên họ cố ý bày tỏ tình thân thiện trước! Để chứng tỏ họ không thuộc loại người kỳ thị chủng tộc.
Và, như từ đầu tới giờ, trong xóm không ai hỏi tôi “Where are you from?” Tôi vẫn tiếp tục đi bộ ngày mấy lần. Để giữ sức khỏe, mà cũng để giữ lòng tin vào Tính Thiện của loài người. Nếu mai mốt tôi có bị tấn công, sẽ xin báo cáo. Nhưng lòng tin vào Tính Thiện vẫn không đổi!