Bình luận với Hoàn Cầu Thời Báo về vụ 39 thi thể di dân chết trong xe tải đông lạnh ở Anh, một số chuyên gia Trung Quốc nói rằng tình trạng người dân đi làm lậu ở nước ngoài của Việt Nam tương tự như ở Trung Quốc, nhưng bày tỏ lạc quan rằng tình trạng này sẽ biến mất khi kinh tế Việt Nam “cất cánh” trong thời gian tới.
“Việt Nam bắt đầu cải cách muộn hơn Trung Quốc, nhưng hiệu quả đã rõ ràng. Hãy cho đất nước này một thời gian, tôi tin rằng tình trạng người nhập cư bất hợp pháp từ các làng như Yên Thành cuối cùng sẽ biến mất”, chuyên gia Gu Xiaoson nghiên cứu về Đông Nam Á tại Học viện Khoa học Xã hội Quảng Tây, nói với tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Giữa lúc công tác nhận dạng nạn nhân đang diễn ra, hàng chục gia đình ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã ra trình báo với chính quyền về việc mất liên lạc với người thân đang trên đường sang Anh vào cùng thời điểm các thi thể được phát hiện.
Rất nhiều gia đình trong số này cư ngụ tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Nhận định về “truyền thống di cư” ở Yên Thành, chuyên gia Gu Xiaoson nói rằng tình trạng ở đây tương tự với ở tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc, nơi có rất nhiều người đã theo con đường buôn người để đi nước ngoài vào những năm 1970.
Ông Gu nói sau khi nền kinh tế Phúc Kiến khởi sắc, mức sống người dân được cải thiện, thì số lượng người đi nước ngoài cũng giảm đi.
Từ đó, chuyên gia này cho rằng tình trạng di cư lậu ở Việt Nam cũng sẽ không còn nữa khi nền kinh tế Việt Nam “cất cánh”.
Đồng tình với nhận định của ông Gu, Ge Hongliang, một nhà nghiên cứu ASEAN của Đại học Dân tộc Quảng Tây, nói với Hoàn Cầu Thời Báo rằng Việt Nam gần đây đã làm cộng đồng quốc tế “loá mắt” với tốc độ tăng trưởng GDP cao và đầu tư nước ngoài lớn. Nhưng lý do đã khiến cho nhiều người dân ở vùng quê tây bắc Việt Nam chọn di cư đi nơi khác hoặc đi nước ngoài là do khoảng cách kinh tế giữa vùng này với các khu vực khác.
Các chuyên Trung Quốc cũng cho rằng báo chí phương Tây đã sử dụng “chuẩn mực kép” và “thiên kiến” với các nước phát triển khi tường thuật và bình luận về thảm kịch 39 di dân chết ở Essex.
“Khi truyền thông tưởng các nạn nhân là công dân Trung Quốc, họ bắt đầu sử dụng vụ này để chỉ trích những vấn đề trong quá trình phát triển kinh tế của Trung Quốc như sự bất bình đẳng”, Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời các chuyên gia nói và cho rằng mũi dùi này đã được chuyển sang phía Việt Nam.
“Bất kể nạn nhân đến từ quốc gia nào, đó là một thảm họa nhân sinh lớn”, ông Ge nói với tờ báo Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Trung Quốc, truyền thông phương Tây đã sử dụng cách tường thuật khác nhau về cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu, mà ông gọi đó là “tiêu chuẩn kép” và “thiên kiến” đối với các nước đang phát triển.
“Những cáo buộc chống lại chính phủ của các nước đang phát triển vì đã để cho người dân của mình bị buôn lậu sang các nước khác là vô nghĩa”, Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời ông Gu.
Trong khi đó, chuyên gia Ge cho rằng “Đây là trách nhiệm không thể bỏ qua của các quốc gia châu Âu” khi họ hoàn toàn có thể trấn áp các mạng lưới buôn người và trục xuất người di cư lậu.