Vắc-xin Sputnik V của Nga được công nhận đạt hiệu quả 92%

Vắc-xin Sputnik V của Nga đã được phê duyệt ở 15 quốc gia.

Các nhà khoa học vừa bật đèn xanh cho vắc-xin Sputnik V của Nga hôm 2/2, nói rằng nó có hiệu quả gần như 92% trong việc chống lại COVID-19 dựa trên kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối được công bố trên tập san y khoa quốc tế The Lancet, theo Reuters.

Các chuyên gia cho biết kết quả thử nghiệm Giai đoạn III có nghĩa là thế giới có một vũ khí hiệu quả khác để chống lại đại dịch chết người và ở một mức độ nào đó, công nhận quyết định của Moscow trong việc triển khai vắc-xin trước khi dữ liệu cuối cùng được công bố.

Các kết quả được đối chiếu bởi Viện Gamaleya ở Moscow, nơi phát triển và thử nghiệm vắc-xin, phù hợp với dữ liệu hiệu quả được báo cáo ở các giai đoạn trước của cuộc thử nghiệm, vốn đã được thực hiện ở Moscow từ tháng 9.

Ian Jones, giáo sư tại Đại học Reading, và giáo sư Polly Roy của Trường Vệ sinh & Y học Nhiệt đới London, nói: “Việc phát triển vắc-xin Sputnik V đã bị chỉ trích vì quá vội vàng, đốt giai đoạn và thiếu tính minh bạch”.

“Nhưng kết quả được báo cáo ở đây thì rõ ràng và nguyên tắc khoa học về tiêm chủng đã được chứng minh”, các nhà khoa học không tham gia vào nghiên cứu nói trong một bình luận được chia sẻ bởi The Lancet. “Một loại vắc-xin khác giờ có thể tham gia vào cuộc chiến để giảm tỷ lệ mắc COVID-19.”

Các nhà nghiên cứu, dẫn đầu bởi ông Denis Logunov của Viện Gamaleya, cho biết trên tập san The Lancet rằng kết quả dựa trên dữ liệu từ 19.866 tình nguyện viên, trong đó 1/4 số người được dùng giả dược.

Các nhà khoa học cho biết kể từ khi thử nghiệm bắt đầu ở Moscow, đã có 16 trường hợp ghi nhận có triệu chứng COVID-19 ở những người được tiêm vắc-xin và 62 trường hợp ở nhóm dùng giả dược.

Điều này cho thấy chế độ hai liều vắc-xin được tiêm cách nhau 21 ngày có hiệu quả 91,6% đối với COVID-19 có triệu chứng.

NGA ĐÃ ĐÚNG

Vắc-xin Sputnik V là vắc-xin thứ tư trên toàn thế giới có kết quả Giai đoạn III được công bố trên các tạp san y khoa hàng đầu thế giới, sau các loại vắc-xin do Pfizer và BioNTech, Moderna và AstraZeneca phát triển.

Vắc-xin của Pfizer có tỷ lệ hiệu quả cao nhất là 95%, theo sau là vắc-xin Moderna và Sputnik V, trong khi vắc-xin của AstraZeneca có hiệu quả trung bình là 70%.

Hôm 2/2, các nhà khoa học Gamaleya cũng cho biết Sputnik V đã được phê duyệt để lưu trữ trong tủ lạnh thông thường, giúp cho việc vận chuyển và phân phối dễ dàng hơn.

Nga đã phê duyệt vắc-xin Sputnik V vào tháng 8, trước khi cuộc thử nghiệm quy mô lớn bắt đầu, khiến nước này trở thành quốc gia đầu tiên phê duyện vắc-xin ngừa COVID-19. Vắc-xin được đặt tên Sputnik V để vinh danh vệ tinh đầu tiên trên thế giới do Liên Xô phóng lên quỹ đạo.

Sau một thời gian dành ưu tiên cho các nhân viên y tế, vắc-xin bắt đầu được cung cấp cho tất cả người dân Nga vào tháng 1.

Kirill Dmitriev, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF), chịu trách nhiệm tiếp thị vắc-xin ra nước ngoài, nói với các phóng viên hôm 2/2 rằng “Nga đã đúng”.

Ông nói kết quả đã củng cố cho quyết định của Nga trong việc bắt đầu phân phối Sputnik V cho các nhân viên tuyến đầu trong khi quá trình thử nghiệm vẫn đang được tiến hành, và cho thấy những hoài nghi về động thái này là “có động cơ chính trị”.

“The Lancet đã làm một việc rất khách quan, bất chấp một số áp lực chính trị có thể đã xảy ra”, Reuters dẫn lời ông Dmitriev nói.

Việc công bố dữ liệu được đưa ra trong bối cảnh châu Âu đang tranh giành để đảm bảo đủ số lượng vắc-xin cho 450 triệu công dân. Nguyên nhân là vì AstraZeneca và Pfizer cắt giảm sản lượng. Trong khi đó, việc triển khai vắc-xin của Mỹ cũng bị cản trở bởi yêu cầu phải lưu trữ trong tủ đông cực lạnh và quy hoạch không đồng đều giữa các bang.

Có 2.144 tình nguyện viên trên 60 tuổi tham gia thử nghiệm Sputnik V và vắc-xin đã được chứng minh là có hiệu quả 91,8% khi thử nghiệm trên nhóm lớn tuổi này, không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được ghi nhận có thể liên quan đến vắc-xin, The Lancet cho biết.

Vắc-xin cũng được chứng minh là có hiệu quả 100% đối với COVID-19 ở mức độ trung bình hoặc nặng, vì không có trường hợp nào như vậy trong nhóm 78 người tham gia bị nhiễm bệnh và có triệu chứng ở 21 ngày sau khi tiêm mũi đầu tiên.

The Lancet cho biết có 4 trường hợp tử vong xảy ra trong những người tham gia, nhưng không có trường hợp nào được coi là liên quan đến việc tiêm chủng.

Sputnik V đã được phê duyệt ở 15 quốc gia, bao gồm Argentina, Hungary và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, và con số này sẽ tăng lên 25 vào cuối tuần tới, theo lời ông Dmitriev.