Mỹ đã có những thay đổi đáng kể trong chính sách thương mại, với mục đích rõ ràng là đưa sản xuất về lại nước Mỹ. Tuy nhiên, ngay khi các chính sách này bắt đầu có tác dụng, nhập khẩu vào Mỹ từ 14 quốc gia chi phí thấp đã tăng trưởng với tốc độ lịch sử.
Giờ đây, khi số liệu chính thức của Mỹ trong năm 2018 đã được công bố, Chỉ số Reshoring (tức chỉ số các hãng xưởng Mỹ quay trở lại sản xuất trong nước) hàng năm lần thứ 6 của hãng tư vấn AT Kearney xác nhận rằng tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ từ 14 đối tác thương mại chi phí thấp (LCC) lớn nhất ở châu Á đã tăng 66 tỷ đô la hoặc 9% trong năm, mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ khi bắt đầu phục hồi kinh tế. Trong khi đó, tổng sản lượng sản xuất của Hoa Kỳ chỉ tăng 6% so với năm 2018.
Do đó, Chỉ số Reshoring giảm trong năm thứ ba liên tiếp, với mức giảm là 32 điểm cơ bản. Điều này cho thấy các hãng xưởng Mỹ tiếp tục xem LCC là một địa điểm họ mong muốn đặt nhà máy sản xuất hoặc mua nhiều loại hàng hóa hơn là Mỹ, bất chấp các biện pháp thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump, hãng tư vấn AT Kearney viết trong một bài phân tích về Chỉ số Reshoring này.
Gậy ông đập lưng ông?
Trong vòng 12 tháng qua, Mỹ đã có căng thẳng thương mại với tất cả các đối tác hàng đầu của nước này, không chỉ Trung Quốc mà còn với các nước láng giềng Canada, Mexico, các nước đồng minh như châu Âu và Nhật Bản.
Đồng thời, năm 2018 là năm đầu tiên Mỹ thực hiện khấu trừ thuế thu nhập vô hình có nguồn gốc nước ngoài (FDII), một chính sách thuế khuyến khích các công ty Mỹ trở lại. FDII cho phép các công ty yêu cầu khấu trừ cho bất kỳ thu nhập nào có được từ hàng hóa sản xuất tại Mỹ và bán ra nước ngoài. Thuế suất đối với thu nhập này giảm từ 21% xuống còn 13% từ nay đến năm 2025.
Vậy tại sao các chính sách thương mại và thuế mới của Mỹ không kéo các hãng xưởng Mỹ quay trở lại? Trước hết, theo phúc trình, lợi ích kinh tế cơ bản của việc sản xuất ở các nước có chi phí thấp so với Mỹ không thay đổi đáng kể và lợi ích thuế FDII không lớn hơn chi phí sản xuất tính theo đơn vị. Chi phí này vẫn thấp hơn đáng kể nếu sản xuất ở các nước LCC.
Đúng là sản xuất ở Trung Quốc đang trở nên đắt đỏ hơn do thuế quan, nhưng trước đó nó đã như vậy vì chi phí lao động đã tiếp tục tăng lên trong nhiều năm qua. Điều đó đã dẫn đến các hãng xưởng đã có chiến lược chuyển hoạt động sang các nước LCC khác như Việt Nam và Ấn Độ trong thập kỷ qua. Vì vậy, thay vì khuyến khích các hãng xưởng quay lại Mỹ, chiến tranh thương mại với Trung Quốc chỉ càng đẩy nhanh quá trình các hãng xưởng này chuyển sang các nước LCC khác.
Nếu các hãng xưởng Mỹ thật sự cân nhắc đưa sản xuất trở lại Bắc Mỹ thì họ lại chọn những nước gần Mỹ, nhất là Mexico. Xu hướng này đã đạt được động lực đáng kể trong năm qua, phần lớn là do căng thẳng giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc, cũng như tiến triển trong Thỏa thuận thương mại Mỹ-Canada-Mexico (USMCA). Nhưng ở đây xu hướng này cũng chỉ là sự tiếp tục hoặc tăng nhẹ của những gì đã xảy ra trước đó.
Nhiều hãng xưởng cũng đang chờ xem liệu FDII trụ được được thách thức pháp lý hay không trước khi WTO tuyên bố rằng khoản khấu trừ đó cấu thành một khoản trợ cấp cửa sau của nhà nước và do đó nó vi phạm Thỏa thuận về Trợ cấp và Biện pháp đối kháng. Thiếu sự rõ ràng về tương lai, hầu hết các hãng xưởng đang do dự trong việc bỏ ra các khoản đầu tư lớn để đưa sản xuất trở lại Mỹ.
Mặc dù có thể còn quá sớm để đánh giá liệu việc quay lại Mỹ trên quy mô lớn có xuất phát từ những thay đổi chính sách gần đây hay không, ngành chế tạo của Mỹ đã bắt đầu chịu những tác động tiêu cực. Chẳng hạn, thuế thép và nhôm đã làm tăng chi phí đầu vào và giảm lợi nhuận. Thuế trả đũa do Trung Quốc và các đối tác thương mại hàng đầu khác áp đặt khiến nhiều lãnh đạo các tập đoàn phải đánh giá khả năng chuyển sản xuất ra khỏi Mỹ để tránh bị thuế quan của các nước này.
Bất chấp chính sách thương mại và thuế năm 2018, nhập khẩu từ các nước LCC đã tăng trưởng so với sản lượng nội địa của Mỹ. Liệu xu hướng này có tiếp tục trong năm 2019 hay không sẽ phụ thuộc phần lớn vào cuộc chiến thương mại đa mặt trận của nước Mỹ. Kết quả quý 1 năm 2019 cho đến nay cho thấy sự sụt giảm trong tổng lượng nhập khẩu từ các đối tác LCC của Mỹ, đặc biệt là Trung Quốc.
Ai mới là người được lợi?
Chắc chắn có những người chiến thắng bước ra từ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc của Mỹ. Khi Trung Quốc bị thiệt hại, các LCC khác ở châu Á và Mexico lại hưởng lợi.
Chỉ số Đa dạng hóa Trung Quốc (CDI) của AT Kearney vốn đánh giá về thị phần nhập khẩu của Trung Quốc vào Hoa Kỳ trong tổng số nhập khẩu từ nhóm 14 nước LCC châu Á đang có sự thay đổi. CDI cho thấy vai trò của Trung Quốc với tư cách là công xưởng của thế giới đang thay đổi nhanh hơn dự đoán.
Mặc dù Trung Quốc vẫn là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Mỹ, chiếm gần 2/3 trong tổng số 816 tỷ USD từ các nước LCC, thì 5 quý vừa qua đã cho thấy sự sụt giảm đáng kể trong thị phần của Trung Quốc trong chiếc bánh của LCC. Năm năm trước, Trung Quốc nắm giữ thị phần là 69%. Tính đến quý 4 năm 2018, thị phần của nó đã xuống còn 65%.
Thị phần bị mất của Trung Quốc tương đương với mất 72 tỷ đô la giá trị nhập khẩu, tức lớn hơn tổng giá trị nhập khẩu năm 2018 từ Ấn Độ (51 tỷ đô la), nước nắm giữ thị phần nhập khẩu lớn thứ hai vào Mỹ trong nhóm LCC.
Sự sụt giảm nhanh chóng trong thị phần nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ trong quý 1 năm nay một phần là do Mỹ đã tăng cường tích trữ hàng nhập khẩu của Trung Quốc trong quý 3 năm 2018 để đón đầu mức thuế quan sẽ tăng như lời đe dọa của Tổng thống Trump và một phần là do những thay đổi mang tính hệ thống trong chiến lược tìm nguồn cung ứng của các nhà sản xuất.
Các nhà sản xuất đang đa dạng hóa khỏi Trung Quốc và hướng tới các nước có chi phí thấp hơn, với Việt Nam đang dẫn đầu. Việt Nam đã chiếm được thêm 36 tỷ đô la giá trị nhập khẩu, tức là một nửa trong số 72 tỷ đô la bị mất của Trung Quốc.
Các hãng giày Nike và Adidas là những ví dụ về các công ty đã tăng tỷ lệ sản xuất tại Việt Nam từ khoảng 30% lên khoảng 45% trong 10 năm qua mà người gánh thiệt hại là Trung Quốc. Các công ty khác như H1 Corp, nhà sản xuất xe đạp điện, đã chuyển sang Việt Nam vào năm ngoái do hậu quả trực tiếp của căng thẳng thương mại, với mục tiêu rõ ràng là né thuế đối với xuất khẩu vào Mỹ.
Trong khoảng thời gian 5 năm từ 2013-2018, nhập khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng hơn gấp đôi, tăng vọt từ 21,7 tỷ đô la lên 47,7 tỷ đô la. Mức tăng trưởng này vượt xa mức tăng trưởng của tất cả các nước LCC châu Á khác, vốn ở mức trung bình chỉ 5%.
Có rất nhiều lý do đằng sau sự tăng trưởng này của Việt Nam, bao gồm chi phí lao động thấp hơn Trung Quốc, gần với chuỗi cung ứng Đông Nam Á và một chính phủ có chính sách rất thuận lợi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng chiến lược của Việt Nam chắc chắn đã góp phần vào sự tăng đột biến này. Chẳng hạn, vào tháng 5 năm 2018, thành phố Hải Phòng đã khai trương cảng nước sâu mới, Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện.
Mặc dù khó có thể định lượng chính xác, một phần lớn của sự tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm quý vừa qua là kết quả của việc các công ty đẩy nhanh kế hoạch chuyển nguồn cung ứng ra khỏi Trung Quốc để tránh tác động của thuế quan Mỹ. Chắc chắn, nếu thuế quan tiếp tục dai dẳng, Việt Nam hy vọng sẽ tiếp tục tăng tốc tăng trưởng xuất khẩu vào Mỹ với sự thiệt hại của của Trung Quốc.
Việt Nam không phải là nước hưởng lợi duy nhất từ những thay đổi trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ. Khi Mỹ và Trung Quốc leo thang căng thẳng, hàng xuất khẩu từ Mexico sang Mỹ đã có thêm động lực đáng kể. Năm 2018, Mexico đã tăng xuất khẩu sang Mỹ thêm 28 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017, mức tăng trưởng nhanh nhất của Mexico trong bảy năm qua.
Các nhà sản xuất của nhiều ngành công nghiệp ngày càng xem Mexico là chỗ trú ẩn để tự bảo vệ mình khỏi các tranh chấp thương mại hiện tại và tương lai. Một số lượng ngày càng tăng các hãng xưởng đã bắt đầu chuyển các hoạt động về phía nam biên giới nước Mỹ để tránh thuế quan đối với hàng hóa xuất đi từ Trung Quốc.
Chẳng hạn như, GoPro, nhà sản xuất máy ảnh của Hoa Kỳ, hồi tháng 5 năm 2019 đã tuyên bố rằng họ sẽ chuyển sản xuất hàng hóa xuất sang thị trường Mỹ từ Trung Quốc sang Guadalajara. Không chỉ các hãng xưởng Mỹ mới có bước đi này: trong cùng tháng đó, Fuling Global Inc., nhà máy giấy và đồ nhựa dùng một lần của Trung Quốc đã chuyển bộ phận sản xuất hướng đến thị trường Mỹ sang Monterrey, Mexico.
Tác động tiêu cực với hãng xưởng Mỹ
Tổng sản lượng sản xuất của Mỹ (MGO) đã cho thấy mức tăng trưởng mạnh hàng năm là 6,1% trong năm 2018, mặc dù nó vẫn thua xa mức tăng trưởng nhập khẩu từ các nước LCC.
Nền tảng kinh tế mạnh trong nước, tỷ lệ thất nghiệp thấp và chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ đã giúp kéo tăng chỉ số MGO trng năm 2018. Tăng trưởng một phần cũng được cho là nhờ vào sự kích thích mà Đạo luật cắt giảm thuế và việc làm năm 2017 (TCJA) đem lại. TCJA cắt giảm mạnh mẽ thuế suất doanh nghiệp, cho phép các nhà sản xuất khấu trừ ngay 100% chi tiêu vốn.
Tuy nhiên, tăng trưởng MGO trong năm 2018 đã xảy ra trong bối cảnh đầy biến động của các chính sách thương mại. Tác động của tất cả các mức thuế này và thuế quan trả đũa đối với sản xuất của Hoa Kỳ là gì? Nếu cuộc chiến thương mại chưa bao giờ xảy ra, liệu MGO của Mỹ có tăng nhanh hơn nữa không?
Một chỉ số rõ ràng về tác động tiêu cực của các chính sách thương mại là sự giảm rõ rệt trong xuất khẩu của Mỹ đối với những hàng hóa bị áp thuế. Khi tranh chấp thương mại Mỹ-Trung bắt đầu vào tháng 7 năm ngoái, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đã quay đầu 180 độ, chuyển từ mức tăng trưởng 9% trong quý 2 năm 2018 sang mức tăng trưởng --9% trong quý 3 năm 2018.
Quý 4 năm 2018 chứng kiến sự sụt giảm thậm chí còn mạnh hơn so với cùng kỳ năm trước với mức giảm 81% tương đương với khoản lỗ trị giá xuất khẩu là 8,6 tỷ USD. Để so sánh, hàng hóa không bị ảnh hưởng đã tăng khoảng 6.500 điểm cơ bản so với hàng hóa bị ảnh hưởng trong quý 3 và quý 4.