Trong một chừng mực và ý nghĩa nào đó, bài chòi là loại hình nghệ thuật, là trò chơi dân gian mà ở đó, mối giao hòa giữa người chơi và người hô hát bài chòi tạo ra hiệu ứng tâm lý cận giải thoát. Bởi người chơi thả hết tâm hồn vào làn điệu dân ca cũng như thú vui bất vụ lợi, không nhuốm màu đỏ đen và người hô hát đã ký thác tâm hồn, tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu thiên nhiên và con người qua làn điệu, qua những ca từ sáng tạo bất chợt, mang đậm chất ngẫu hứng. Đầu xuân, đến xứ lụa Duy Xuyên, Quảng Nam, ghé trung tâm văn hóa Duy Xuyên, có một hội hô hát bài chòi như thế.
Chị Tuyết Hoa, nghệ nhân hô hát bài chòi ở Duy Xuyên (Quảng Nam), chia sẻ: “Bài chòi còn gọi là bài tới cho những người già, ở những đình làng. Nhưng bây giờ, bài chòi thu hút giới trẻ rất nhiều, như sinh viên, những cặp vợ chồng…”
Bài chòi là môn nghệ thuật dân gian dựa theo quy luật âm dương ngũ hành, trong đó, một người nam và một người nữ đóng vai trò xướng thẻ, tức hô hát bài chòi. Chòi trung tâm ở giữa sân đóng vai trò trung hòa cho tám chòi chung quanh tượng trưng cho bát quái, Kiền, Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn. Tiếng cười vui và nhịp điệu rộn rã của bài chòi mang tính chất xua tan mọi thứ tà khí và đón nhận làn gió mới mùa Xuân. Những ai thắng hội bài chòi cảm thấy hạnh phúc, bình an. Món quà sau mỗi hội bài chòi không mang giá trị vật chất đáng kể, nhưng in đậm dấu ấn tâm linh về vận may cho một năm, về niềm tin vào một năm tốt đẹp đang tới.
Anh Ngọc Dũng, nghệ nhân hô hát bài chòi Duy Xuyên (Quảng Nam), cho biết: “Đây là một loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa của vùng miền. Người dân nơi đây có thể nói là ai cũng biết đến những làn điệu dân ca bài chòi. Bài chòi là những làn điệu dân ca đi vào lòng người, nó cũng phó thác được những làn điệu dân ca, và nó cũng tùy thuộc vào sự đam mê của mỗi người.”
Ngoài các chòi, nghệ nhân hô hát, trò chơi bài chòi hiện đại sẽ trở nên tẻ nhạt và thiếu sinh khí nếu như không có dàn âm thanh, ánh sáng và các nhạc công. Một sự biến ngẫu rất đặc biệt trong nghệ thuật hô hát bài chòi xứ Quảng: một cây keyboard theo qui tắc thất âm phương Tây đứng cạnh và hòa tấu với cây đàn nhị theo nguyên tắc ngũ âm phương Đông. Hai nhạc cụ này làm nền cho các nghệ nhân hô hát bài chòi. Ngoài ra, tiếng vỗ tay và vỗ thẻ bài theo nhịp đàn cũng tạo ra không khí rất riêng trong hô hát bài chòi hiện đại. Mỗi khúc nhạc nền bài chòi là một khúc biến tấu giao thoa giữa âm nhạc phương Đông và phương Tây, kim và cổ, dân gian và bác học. Và ngay trong bài xướng của nghệ nhân, yếu tố giao thoa giữa bác học và dân gian luôn là sức mạnh đặc trưng.
Anh Ngọc Dũng cho biết thêm: “Phòng văn hóa thể thao Duy Xuyên hằng năm tổ chức chương trình, từ các đêm ngày mồng một đến khoảng ngày mồng bảy hoặc mồng tám gì đó. Rất vui, được gặp gỡ những người con quê hương xa xứ về tham gia chương trình, và các em nhỏ rất vui, rất hứng thú. Hiện phòng văn hóa Duy Xuyên đang cố gắng đưa chương trình hô hát bài chòi vào học đường để các em có các kiến thức cơ bản về bài chòi.”
Mùa Xuân còn dài, tiếng hô bài chòi mãi miết trong gió xuân gieo vào tâm hồn trẻ thơ đám mạ non chiều êm cánh cò, vi vút sáo diều, thổi vào tâm hồn người lớn giai điệu tình quê mà ở đó, mỗi khi đi xa, bôn tẩu xứ người, tiếng hô hát bài chòi như níu gọi trở về sau một năm dài đất khách.