Báo chí Việt Nam đưa tin Hội đồng bầu cử quốc gia đã họp hôm 15/7 để biểu quyết về tư cách đại biểu Quốc hội của 496 người trúng cử trong kỳ bầu cử hồi tháng 5. Hội đồng đã không công nhận ông Trịnh Xuân Thanh đủ tư cách là đại biểu Quốc hội khóa 14. Ông Thanh, nguyên Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, là người duy nhất bị hủy tư cách đại biểu Quốc hội.
Trong cuộc bầu cử vừa qua, ông Trịnh Xuân Thanh đạt tỷ lệ 75,28% số phiếu hợp lệ và trở thành người trúng cử tại tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, trong hơn một tháng trở lại đây, dư luận xã hội và báo chí đã phanh phui ra nhiều sai phạm của ông khi ông nắm các vị trí khác nhau trong hệ thống nhà nước, tạo ra sức ép dẫn đến việc ông phải chủ động không tái ứng cử chức phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang và nay là bị hủy tư cách đại biểu Quốc hội.
Theo thể lệ Quốc hội và Luật bầu cử Việt Nam, người ứng cử phải qua một quy trình sàng lọc nhiều tầng nấc trước khi trở thành ứng cử viên chính thức. Việc ông Trịnh Xuân Thanh là người có nhiều vấn đề như gây thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng khi còn điều hành doanh nghiệp nhà nước, hay có những biểu hiện xấu về tư cách song vẫn lọt qua đã làm nhiều người đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của quy trình.
Đại biểu Quốc hội khóa 13 Dương Trung Quốc giải thích với VOA về vấn đề này:
“Bởi vì thực ra người dân được tham dự đến đâu trong quy trình đó. Chủ yếu là bộ máy, trong đó có bộ máy của Đảng, của chính quyền, của Quốc hội, v.v… Cho nên quan điểm của tôi là qua việc này có bộc lộ rất nhiều kẽ hở. Thậm chí còn có vấn đề quan trọng hơn thế nữa. Ví dụ như là ông ấy vốn là một quan chức ở một bộ ở trung ương được giới thiệu để tham gia vào lãnh đạo địa phương như một sự luân chuyển cán bộ. Thì đến lúc này người ta mới phát hiện ra, khi các cơ quan của đảng vào cuộc, mới phát hiện ra ông này không nằm trong diện luân chuyển”.
Vụ ông Trịnh Xuân Thanh cũng làm nhiều người nêu ra chất vấn trên mạng xã hội rằng tại sao một nhân vật như ông đã được công nhận là ứng cử viên hồi tháng 5, trong khi những người tự ứng cử độc lập có tư cách và thành tích công việc tốt hơn lại không lọt qua các vòng của quy trình. Đại biểu Dương Trung Quốc đưa ra cái nhìn của người trong cuộc như sau:
“Tôi đã phát biểu trên nhiều diễn đàn rằng cái điều đó nó thể hiện sự cứng nhắc trong thể lệ bầu cử. Bởi vì Quốc hội cứ muốn xây dựng một cái cơ cấu được gọi là hợp lý và cơ cấu quá cứng. […] Thì có lẽ thông qua sự việc này chắc là trong thời gian tới cũng phải nhìn nhận lại cái thể lệ bầu cử cho nó bảo đảm tính dân chủ, hay nói cách khác là bảo đảm chất lượng trong sự lựa chọn của cử tri”.
Sự kiện Hội đồng bầu cử quốc gia không công nhận tư cách đại biểu của ông Trịnh Xuân Thanh cũng được dư luận xã hội nhìn nhận như một kết quả quan trọng của sức ép mạnh mẽ từ dư luận và mạng xã hội.
Your browser doesn’t support HTML5