Chính trường Việt Nam chưa bao giờ xáo trộn dữ dội như bây giờ. Chỉ sau hơn 1 năm, hai chủ tịch nước, hai phó thủ tướng và một chủ tịch quốc hội buộc phải từ chức.
Có rất nhiều đồn đoán xung quanh sự việc nhưng dân chỉ biết đến thông báo của Uỷ ban kiểm tra Trung ương với nội dung gần như giống nhau cho tất cả những người vi phạm. Con người là khác nhau về xuất thân, tính cách, vị trí công tác và hành vi vi phạm… nhưng đảng chỉ dùng một “form” để đưa ra cho công chúng.
Tính đồng phục trong quản lý báo chí đã quay trở lại một cách đầy khiên cưỡng giữa một thế giới đang số hoá và tràn ngập thông tin. Bởi vậy tin đồn và báo chí phi chính thống tha hồ bình luận, dẫn dắt và suy đoán… Và rồi, mọi nỗ lực tìm hiểu đều dẫn đến “Các quy định của đảng”.
Các quy định của đảng?
Chưa bao giờ các quy định nội bộ của Đảng cộng sản được các đảng viên lo lắng tìm hiểu và học thuộc như bây giờ. Chưa bao giờ Đảng công khai sử dụng các công cụ “nội bộ” để “hạ bệ” hàng loạt nhân vật cao cấp của Nhà nước một cách chóng vánh trước đôi mắt tròn xoe của nhân dân như bây giờ. Có lẽ cũng chưa bao giờ, sự chuyên chính tung ra những cú “phản công” dứt điểm và nảy lửa vào khái niệm “Nhà nước pháp quyền” và sự độc lập của nền tư pháp như hiện nay?.
Trong những năm gần đây, càng bị bế tắc về lý luận soi đường, Đảng cộng sản Việt Nam càng cực đoan chui sâu vào lý luận, đồng thời xây dựng hệ thống văn bản cho riêng mình, song hành cùng một hệ thống “Quy phạm pháp luật” của Nhà nước.
Theo Quy định số 66/QĐ-TW về Thể loại, thẩm quyền và thể thức ban hành văn bản của Đảng thì Đảng cộng sản Việt nam hiện nay đang có 25 thể loại văn bản và 8 loại văn bản, giấy tờ hành chính. Một hệ thống cơ quan của Đảng vẫn trải dài từ Trung ương đến địa phương, từ thành thị đến tận các bản làng xa xôi, lũng đoạn và can thiệp vào mọi công việc của chính quyền.
Song song với hàng loạt quy định của Đảng được ban hành, thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn kịp hoàn thiện được một số tác phẩm dày cộm của mình, trở thành “nền tảng lý luận cho công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn mới”.
Ba vũ khí quan trọng để hạ bệ nhau
Từ năm 1980, Đảng cộng sản Việt Nam đã học theo mô hình Liên Xô, đưa Điều 4 vào Hiến pháp, cho phép Đảng cộng sản “lãnh đạo Nhà nước và Xã hội”. Dựa vào đó, Đảng bắt đầu đưa ra các quy định của riêng mình, để len lỏi điều hành toàn bộ cả quốc gia.
Trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng đã “nấp mình trong dân” và lãnh đạo một cách khéo léo qua các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước nhưng gần đây, khi xung đột càng cao lên, số lượng đảng viên lớn và khả năng quản trị khó khăn hơn giữa một thế giới “phẳng hơn”, Đảng đã đưa ra các loại văn bản của mình để quản lý, điều hành và “kỷ luật” lẫn nhau một cách công khai và bài bản hơn.
Bộ ba “đao kiếm” được tung ra gần đây nhất để hạ bệ nhau là:
- Quy định số 08/QĐ/TW ngày 25/10/2018 về Trách nhiệm nêu gương của Đảng viên
- Quy định số 37/QĐ-TW ngày 25/10/ 2021 về những Điều đảng viên không được làm;
- Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.
Tất cả các Quy định này đều khá ngắn, vừa mơ hồ vừa cụ thể, như những vũ khí vô cùng ảo diệu trong đánh nhau, có khả năng phình to, thu nhỏ; lúc cần thì tạo độ bao phủ lớn, sức công phá mạnh nhưng cũng có thể khoanh vùng, đánh nhẹ và sâu, chỉ cần trúng một mục tiêu nhỏ.
Trong 19 Điều đảng viên không được làm theo Quy định 37/QĐ-TW thì có những mục rất cụ thể, đọc giống như các Điều khoản trong Chương XXIII về “Các tội phạm về tham nhũng” của Bộ luật hình sự như: “Tham ô, hối lộ, nhận tiền, chạy chức, chạy quyền, đánh bạc….” (Điều 14,15); nhưng cũng có những điều rất mơ hồ đọc như một văn bản tôn giáo như: “chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức..” hoặc “thờ ơ, vô cảm với những hành vi sai trái trong xã hội, mê tín, thực hành mê tín, tổ chức tiệc cưới, việc tang xa hoa…” (Điều 18)
Quy trình đánh một “mục tiêu” là Đảng sử dụng Quy định 37/QĐ-TW dựa vào 19 Điều đảng viên không được làm để xác định hành vi vi phạm. Tiếp đến, Đảng sử dụng Quy định số 08/QĐ-TW về Trách nhiệm nêu gương của Đảng viên để quy trách nhiệm “gây dư luận xấu và ảnh hưởng đến uy tín của đảng” rồi cuối cùng rút ra Quy định số 41/QĐ-TW, buộc phải từ chức hoặc đối mặt với Pháp luật của Nhà nước.
Để làm được điều đó, Bộ Công an luôn theo dõi và khởi tố, bắt tạm giam các lãnh đạo công ty sân sau, thu thập bằng chứng để sẵn và tiến hành mặc cả. Cần “nhẹ” thì bỏ qua, nếu “cương” thì thọc lên khai trừ, bắt, xét xử, kết án tù theo Luật hình sự.
Áp dụng cho tất cả cán bộ
Lẽ ra, các văn bản này chỉ là công cụ nội bộ của Đảng cộng sản để giám sát và kỷ luật lẫn nhau trong đảng, nhưng Điều 1 Quy định số 41-QĐ/TW ghi rõ “Áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị” nghĩa là áp dụng cho toàn bộ đất nước, trên mọi vị trí mà đảng viên đang nắm giữ, dù là vị trí dân sự được dân bầu.
Điều 3 của Quy Định 41/QĐ-TW minh định “Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ”, nghĩa là từ một nhân viên cấp thấp nhất cho đến vị trí lãnh đạo nhà nước cao nhất đều bị đảng “lãnh đạo và quản lý”.
Thời gian trước, Quốc hội đã từng bàn về việc dân được trực tiếp bầu ra trưởng thôn, nhưng không lâu sau đó Nghị quyết liên tịch (số 09/2008/NQLT-CP-UBMTTQVN) đã khoá trái điều này bằng cách Quy định mọi ứng viên phải được báo cáo với Chi uỷ Chi bộ thôn, tổ dân phố để thống nhất danh sách người ra ứng cử (từ 1-2 người).
Như vậy, bằng Quy định nội bộ của mình, Đảng cộng sản đã tước lấy quyền lực trong tay nhân dân, tự chọn cho nhân dân những người lãnh đạo, từ cấp thôn cho đến chủ tịch nước. Đảng đã công nhiên đứng trên pháp luật Việt Nam, cao hơn ý chí và nguyện vọng của nhân dân, tự chọn rồi lại tự phế truất.
Nhân dân chỉ biết đứng nhìn như xem Tivi mà không được biết lý do. Rõ ràng nhân dân không thể không hoang mang khi chỉ cách đây hơn 2 năm, vào ngày 31/3/2021, ông Vương Đình Huệ đã được 100% Đại biểu quốc hội có mặt bầu làm Chủ tịch quốc hội. Các cơ quan truyền thông khi đó đều đồng loạt ca ngợi ông Huệ như một niềm hy vọng cho đất nước, dẫn dắt “cơ quan quyền lực cao nhất” đến những cải tổ pháp lý quan trọng.
Nhưng rồi, cũng chính ông, nếu không từ chức chắc chắn sẽ đối mặt với những hậu quả nặng nề hơn và báo chí có thể bắt đầu viết về ông như những tên tội phạm. Hàng loạt câu hỏi nhức buốt cứ vương vấn trong đầu những người còn suy tư về đất nước rằng thực tế ông đã phạm vào điều gì?
Rút súng bắn vào chân mình
Đã một thời chúng ta nói rất nhiều về xây dựng Nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp nhưng nó thực sự đã bị quy định của đảng và cả các tác phẩm của ông Nguyễn Phú Trọng chặn đứng lại. Ông Trọng đã kiên quyết gắn cái đuôi “xã hội chủ nghĩa” và “đảng lãnh đạo Nhà nước pháp quyền” trong các tác phẩm của mình, sáng tạo và làm lây lan một loại vi rút “nội quy” trong toàn bộ đảng viên đang giữ chức vụ.
Việc “sản xuất vũ khí” là công tác quan trọng nhưng cũng nguy hiểm. Trong khi say sưa đưa ra các quy định nội bộ của riêng mình tưởng như để làm “trong sạch” và vững mạnh đảng của mình, Ông Nguyễn Phú Trọng đã đặt toàn đảng trước một nguy cơ vô tiền khoáng hậu khi các “vũ khí pháp quy” đang vượt khỏi tầm kiểm soát và được sử dụng lung tung.
Với tư cách là đảng trưởng, ông đã tự rút súng bắn vào chân mình khi nhóm lửa, Ông không thể ngờ được rằng hàng loạt Uỷ viên Bộ chính trị có thể ra đi và toàn bộ bộ máy cán bộ công chức như “đóng băng” vì sợ như bây giờ.
Nghiêm trọng hơn, Nhân dân và doanh nghiệp sẽ luôn tự hỏi “điều gì đang xảy ra” trong “Hội kín đó” và tương lai thực sự sẽ ra sao?