Vụ kháng cáo bảy năm hệ thống 'lao cải' của Trung Quốc thành công

Một trại lao động cải tạo ở tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc. (Ảnh minh họa)

Tòa án Trung Quốc tuần này đã đưa ra phán quyết hiếm hoi là bồi thường cho bà Ðường Huệ vì khiếu kiện đòi công lý cho con gái mà bà đã bị đưa vào trại lao động cải tạo.

Bà Ðường, 39 tuổi, người tỉnh Hồ Nam, đã kháng cáo thành công việc cơ quan cảnh sát kết án bà 18 tháng lao động cải tạo.

Vụ việc diễn ra vài tháng sau khi các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc cam kết cải cách hệ thống trại lao động cải tạo có từ nhiều chục năm nay và gây nhiều tranh cãi trước cuối năm nay. Nhưng các nhà phân tích pháp lý nói rằng phán quyết cho bà Ðường Huệ có thể có ít tác động đến những vấn đề chính với những trại được gọi là "lao cải."

Luật sư của bà Ðường, ông Phổ Chí Cường, nói: "Ðây là sự bồi thường hành chính, và dựa trên cơ sở đó mà bà Ðường thắng kiện. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là tại sao bà Ðường vẫn cứ khiếu kiện để rồi bị đưa vào trại lao cải vẫn còn chưa được giải quyết."

Ròng rã bảy năm kiện cáo

Bảy năm trước, người con gái chưa đầy 11 tuổi của bà Ðường bị bắt cóc và bị nhốt trong một nhà chứa. Cô bé bị buộc phải bán dâm và mấy tháng sau bà Ðường và người thân mới có thể giải thoát.

Khi bà Ðường báo cảnh sát về vụ việc thì bị đáp lại bằng sự thờ ơ của nhà chức trách.

"Có một nữ công an họ Giang mà tôi nghĩ là phó công an đồn. Cô ta lấy lời khai của con gái tôi," bà Ðường kể lại trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên trang mạng tin tức Wangyi. "Cô ta nói với con gái tôi rằng con bé nhìn chẳng giống 11 tuổi gì cả và không có vẻ gì là bị ép bán dâm."

Bà Ðường nói nữ cảnh sát, cũng như nhiều giới chức địa phương khác mà bà đã nói chuyện, bảo bà đừng báo cáo. Nhưng bà vẫn kiên trì, và hai năm sau đó tòa án ở tỉnh Hồ Nam bắt đầu khởi tố vụ án.

Năm ngoái, tòa án địa phương đã kết án tử hình hai người đàn ông có dính líu đến vụ bắt cóc. Bốn người khác lĩnh án tù chung thân và một người bị kết án 15 năm tù giam.

Nhưng đối với bà Ðường phán quyết hãy còn quá nhẹ.

Bà bắt đầu ăn dầm nằm dề bên ngoài văn phòng chính phủ đòi hình phạt khắc nghiệt hơn đối với những thủ phạm và đòi giới chức địa phương phải chịu trách nhiệm vì không làm gì cả.

Hoạt động của bà khiến chính quyền địa phương khó chịu và tống bà vào trại lao cải. Tuy nhiên, bản án của bà gây nên công phẫn và dưới áp lực, chức trách đã phải trả tự do cho bà chỉ sau chín ngày.

Áp lực đòi bỏ ‘lao cải’ gia tăng

Hệ thống giáo dục cải tạo thông qua lao động, tiếng Trung gọi là ‘lao cải’, lúc đầu được tạo ra sau khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chủ yếu nhắm mục tiêu vào những đối thủ chính trị của Đảng Cộng sản.

Hệ thống này không bắt buộc phải qua xét xử và được điều hành bởi Bộ Công an Trung Quốc.

Ước tính khoảng 19.000 người đang bị giam giữ vì những tội vặt hay vì bất kỳ hành vi nào bị xem là gây hại cho trật tự xã hội, và có thể giam tới bốn năm.

Trong những năm qua, những vụ việc như của bà Ðường Huệ đã làm dấy lên sự phản đối của công chúng đối với quyền bắt giữ tùy tiện của công an, và khơi lên hy vọng cải cách hoặc bãi bỏ lề thói này.

Các học giả đã lên án những sự ngược đãi của hệ thống này và thậm chí truyền thông nhà nước còn đưa tin về việc giới chức địa phương lợi dụng các trại lao cải này để trả thù sau những vụ tranh chấp.

Luật sư Lý Phương Bình cho biết "những nhà lãnh đạo cấp cao ở cấp trung ương đã nói về sự cần thiết phải cải cách hệ thống này." Ông Lý là người đã viết thư hối thúc chính phủ công bố những tài liệu về bản án và mở những cuộc điều trần xem lại những trại lao cải.

Nhưng ông nói vẫn chưa có gì xảy ra liên quan đến việc liệu những trại này có bị bãi bỏ hay không.



Có bước tích cực, nhưng vẫn nhiều kháng cự

Mặc dù nhiều người ở Trung Quốc hy vọng rằng vụ bà Ðường sẽ giúp xóa bỏ hệ thống lao cải, nhưng đến giờ có rất ít dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc thậm chí đang xem xét cải cách.

Ông Phổ Chí Cường nói từ đầu năm nay, nhà chức trách đã tránh không trừng phạt những người khiếu kiện bằng những bản án lao cải, nhưng vẫn tiếp tục sử dụng những biện pháp khác để đe dọa họ.

"Họ vẫn còn bị buộc tội gây rối trật tự xã hội, bị bỏ tù, tự do cá nhân bị giới hạn theo nhiều cách khác nhau," ông cho biết. "Những hạn chế này là bất hợp pháp, bởi vì việc khiếu kiện ở Trung Quốc là hành động được công nhận về mặt pháp lý."

Kiện tới Bắc Kinh

Trung Quốc xử lý những đơn khiếu kiện thông qua Cục thư tín và thăm gặp Quốc gia, có nhiệm vụ làm "kênh trao đổi tự do" giữa người khiếu kiện và các cơ quan chính phủ có liên quan, và chịu trách nhiệm điều tra hàng chục ngàn đơn khiếu kiện của người dân hàng năm.

Cục có văn phòng ở tất cả các cấp chính quyền. Trên nguyên tắc, nếu đơn không được giải quyết ở cấp địa phương, người dân có thể khiếu kiện lên chi nhánh tỉnh, hoặc tới văn phòng cao nhất của Cục ở Bắc Kinh.

Nhưng giới chức địa phương thường ngăn không để người khiếu kiện lên tới thủ đô vì sợ danh tiếng của họ trong mắt cấp trên bị ảnh hưởng xấu, và giảm cơ hội thăng quan tiến chức.

Ông Phổ nói: “Một mặt họ nói cánh cửa rộng mở ra, nhưng mặt khác ngay khi bạn vừa bước qua là họ bắt bạn.”

Một cuộc khảo cứu gần đây của giáo sư Vu Kiến Vanh thuộc Viện nghiên cứu Khoa học Xã hội cho thấy chỉ có 0,2 phần trăm người khiếu kiện là được giải quyết thành công vấn đề của mình thông qua sự hỗ trợ của hệ thống này.

Tác động lớn hơn từ vụ bà Ðường Huệ có thể là ở cách nó ảnh hưởng đến dư luận về những người khiếu kiện và về hệ thống trại lao cải. Kể từ khi báo cáo vụ việc xảy ra với con gái, bà Ðường được truyền thông Trung Quốc gọi là "mẹ dân oan" và nhận được ủng hộ rộng khắp của công chúng Trung Quốc cũng như trong giới làm chính sách.

Trong bài xã luận hồi gần đây trên đăng trên tạp chí Tin tức Tài chính, giáo sư luật Phạm Trung Tín thuộc đại học Hàn Châu cho biết, bà Ðường đã hành xử theo cách tương xứng với những tổn hại mà con bà phải hứng chịu.

"Bà ấy nỗ lực khẳng định lại những tiêu chuẩn đạo đức," ông Phạm viết, "và nhờ đó mà xã hội tốt đẹp hơn."