Vụ Indonesia hoãn hành quyết một tử tù nêu bật vấn đề buôn lậu

  • Simone Orendain

Cô Mary Jane Fiesta Veloso và người thông dịch tại một phiên toà ở Yogyakarta, Indonesia, 4/3/15

Tuần này, Indonesia đã ra quyết định hoãn thi hành án vào “giờ thứ 11” đối với một phụ nữ quốc tịch Philippines lẽ ra bị tử hình vì tội buôn lậu ma túy vào nước này. Từ Manila, thông tín viên Simone Orendain tường trình về trường hợp của cô Mary Jane Veloso, người mà những người ủng hộ nói là nạn nhân của việc buôn người, bị cưỡng ép làm việc dưới dạng vận chuyển thuốc.

Bây giờ thì Mary Jane Veloso đã được tạm tha xử bắn, cô dự kiến sẽ làm chứng chống lại một người tuyển dụng việc làm mà cô cáo buộc là đã đưa cô vào đường dây buôn lậu ma túy vào Indonesia. Thế nhưng con đường đã dẫn cô đến đoạn đời này đầy dẫy những khó khăn.

Các luật sư của Công đoàn Luật sư Nhân dân Quốc gia cho biết cô Veloso lần đầu làm việc ở nước ngoài là vào năm 2009 dưới dạng người giúp việc ở Trung Đông. Nhưng cô đã không hoàn thành hợp đồng vì chủ nhân đã cố cưỡng hiếp và hành hạ thể lý của cô.

Với hợp đồng chưa hoàn thành, cô quay trở về nhà của em dâu ở thành phố Cabanatuan tại tỉnh Nueva Ecija miền Bắc. Trong một năm, Veloso, người chỉ mới học hết năm đầu cấp hai, đã cố gắng kiếm tiền bằng việc bán các hộp nhựa ở các khu dân cư lân cận. Công việc thất bại.

Luật sư Edre Olalia cho biết trong sự tuyệt vọng của cô Veloso để tìm việc làm để nuôi hai con trai, cô đã chấp nhận một đề nghị từ người chị đỡ đầu để đi làm người ở tại Kualar Lumpur. Nhưng ông cho biết, với sự thúc giục của người chị đỡ đầu, cô Veloso cuối cùng lại đến Yogyakarta với một chiếc va-li mà một người bạn của người chị đỡ đầu đưa cho cô, trong đó chứa 2,6 kg heroin được giấu bên dưới lớp lót. Các giới chức Indonesia đã bắt cô vào tháng 4 năm 2010 và 6 tháng sau kết tội và tuyên án tử hình cô.

Ông Olalia cho biết khoảng một tháng trước khi cô bị đưa ra xử tử vào ngày 28 tháng 4, ông đã không ngủ được:

“Tôi đã tưởng tượng ra cô ấy có thể cảm thấy đơn độc như thế nào và ở một nơi xa nhà như thế, bị chính quyền của mình bỏ rơi và sắp bị bắn chết vì một điều mà cô đã không làm”.

Ông Olalia đề nghị giúp đỡ cho nhóm vận động quốc tế Migrante của công nhân làm việc tại hải ngoại có trụ sở ở Manila, vốn đã nhận vụ của cô Veloso, 30 tuổi.

Cô Veloso, con gái của một công nhân hợp đồng cho đồn điền làm đường, vẫn một mực nói rằng cô vô tội. Cô cứ liên tục khẳng định là bị bà chị đỡ đầu Maria Kristina Sergio đã lừa cô.

Phó Tổng thư ký của tổ chức di trú quốc tế Migrante International, ông Mic Catuira, gọi trường hợp của cô Veloso là buôn người và “khá đặc biệt” khi so sánh với những người khác bị tuyên án tử hình mà tổ chức đã vận động cho. Ông nói:

“Vì từ những báo cáo và điều tra của chúng tôi, chúng tôi thấy rằng cô ấy thực sự vô tội đối với tất cả những cáo buộc chống lại cô. Vì vậy, cô ấy không đáng phải bị tử hình”.

Ông Catuira cũng nói rằng chính phủ đã gây thất vọng cho cô vì đã không chịu hành động cho tới sau khi tổ chức Migrante International mở cuộc điều tra vào hai tháng trước.

Chính phủ Philippines nói họ đã làm hết sức có thể cho cô Veloso. Qua nhiều năm cô Veloso bị giam giữ, Philippines đã yêu cầu tha tội chết cho cô trong những lá thư gửi tới chính phủ Indonesia và trong các buổi họp với các giới chức Indonesia.

Chính phủ đã đệ đơn kháng cáo lần đầu vào tháng Ba, nói rằng cô Veloso có những phiên dịch đáng nghi ngờ trong các quá trình tố tụng. Các nhà vận động cho cô nói cô không biết nói tiếng Anh và cần phải có người dịch tiếng Bahasa của Indonesia sang ngôn ngữ địa phương Tagalog của cô. Tòa án tối cao của Indonesia đã bác bỏ kháng cáo. Tuần rồi, Indonesia bác bỏ kháng cáo thứ hai với lập luận là chỉ được phép có một kháng cáo mà thôi.

Các nhà điều tra thuộc ngành công lực của Philippines xem tờ khai hữu thệ của cô Veloso, ghi tên bà Maria Kristina Sergio là người tuyển dụng cô bất hợp pháp và trong tuần này đã nạp hồ sơ khởi tố về việc tuyển dụng bất hợp pháp, buôn người và lừa đảo. Vào ngày cuộc hành quyết được dự kiến thi hành, Sergio đã tự nộp mình cho giới hữu trách, tìm cách tránh mối đe dọa bị án tử hình, nhưng lại chối bỏ có bất kỳ hành vi sai trái nào.

Thư ký nội các Jose Renee Almendras cho biết việc này đã khiến Tổng thống Benigno Aquino nói chuyện một lần nữa với Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ông Aquino đã chuyển đạt cáo trạng và việc tự giao nộp mình của bà Sergio và nói rằng cô Veloso cần thiết phải làm nhân chứng trong vụ chống lại cô. Các giới chức Indonesia cho biết bộ trưởng tư pháp của họ đã hoãn việc tử hình theo yêu cầu của ông Aquino. Ông Almendras nói chính phủ Philippines biết ơn về biện pháp đã được thực hiện:

“Tất cả chúng ta đều biết thực tế là trường hợp của cô Mary Jane rất khác bởi vì cô là một nạn nhân của hoàn cảnh, kinh nghiệm của cô ở Saudi và tất cả điều này. Sự tuyệt vọng mà cô đã có là rất khác”.

Philippines là một trong 5 nước đứng đầu gửi công nhân ra nước ngoài làm việc. Thống kê của chính phủ cho thấy 10% dân số sống ở nước ngoài và khoảng một nửa là công nhân hợp đồng.

Tổ chức Migrante International cho biết những con số trên thấp hơn so với ước tính của họ và không kể những công nhân bất hợp pháp mà họ nói chiếm 20% số người ở hải ngoại.

Ông Catuira của Migrante International nói rằng viễn cảnh tìm được công việc ở nước ngoài nhanh chóng bằng cách bỏ qua các lớp thủ tục quan liêu đã thu hút những người đang rất cần việc. Điều này cũng khiến cho họ trở thành mục tiêu của buôn người.

Ban Quản lý Việc làm Hải ngoại của Philippines thường xuyên cảnh báo chống lại những nhà tuyển dụng bất hợp pháp và thúc giục các công nhân trong tương lai, chỉ nên giao dịch với các cơ quan đã đăng ký với chính phủ. Cảnh báo mới nhất vào ngày 27/4 là một lời báo động để không trở thành một nạn nhân bất đắc dĩ của nạn buôn bán ma túy.