Vụ Đồng Tâm: Chính phủ nói công an ‘trấn áp,’ không ‘đàn áp’

Chính phủ Việt Nam nói họ đã sử dụng biện pháp “trấn áp,” chứ không phải “đàn áp” trong vụ đụng độ làm ít nhất 4 người chết hôm 09/01/2020.

Hôm 13/01, Bộ Công an Việt Nam loan báo sẽ tổ chức “trọng thể” lễ tang 3 “liệt sỹ” “hy sinh” ở Đồng Tâm theo nghi thức của lực lượng Công an nhân dân. Cùng lúc, chính phủ Việt Nam nói họ đã sử dụng biện pháp “trấn áp,” chứ không phải “đàn áp” trong vụ đụng độ làm ít nhất 4 người chết hôm 09/01.

Tang lễ của 3 “liệt sỹ” sẽ được Bộ Công an tổ chức trọng thể theo nghi thức của lực lượng Công an nhân dân vào sáng ngày 16/01 tại Nhà Tang lễ Quốc gia ở Hà Nội.

Cổng thông tin Bộ Công an nêu rõ lý do 3 chiến sỹ công an thiệt mạng: “Ngày 9/1, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn tại địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, một số đối tượng chống đối đã sử dụng lựu đạn, bom xăng, tuýp sắt gắn dao nhọn… tấn công lực lượng thi hành nhiệm vụ.”

Trong khi đó, một người dân địa phương không nêu tên, nói với VOA rằng lực lượng công an và các cơ quan chức năng tiến vào xã Đồng Tâm từ bên ngoài và có mặt từ rất sớm:

“Khi mà thấy có quân tiến về Đồng Tâm thì đánh kẻng báo động để tập hợp người dân. Khi vào đến làng thì chúng nổ súng trấn áp người dân.

Khi mà thấy có quân tiến về Đồng Tâm thì đánh kẻng báo động để tập hợp người dân. Khi vào đến làng thì chúng nổ súng trấn áp người dân.
Một nhân chứng nói với VOA Tiếng Việt


“Chúng bắn nhiều hơi cay, đạn cao su các thứ. Khói mù mịt. Các nhà gần đường bị khói bay vào làm trẻ con bị ngạt. Tất cả họ đều xông vào như thế.”

Biện hộ cho hành động trấn áp của lực lượng quân đội, công an trong vụ Đồng Tâm, Cổng Thông tin Chính phủ hôm 13/1, viết: “Về việc trấn áp của lực lượng Công an. Trong các biện pháp thì trấn áp là biện pháp cuối cùng, khi không còn biện pháp nào khác!”

“Việc cơ quan Công an áp dụng biện pháp khống chế, bắt giữ các đối tượng phạm tội là biện pháp tuân theo tố tụng hình sự nhằm điều tra, làm rõ vụ án, xử lý các đối tượng theo quy định pháp luật. Do đó, không thể nói “công an đàn áp dân” mà phải thấy rõ yêu cầu tấn công, trấn áp tội phạm,” Cổng Thông tin Chính phủ cho biết thêm.

Trước đó, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký Quyết định truy tặng Huân chương “Chiến công hạng Nhất”; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”; và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã quyết định thăng cấp bậc hàm “vượt cấp” cho 3 cán bộ công an.

Ba công an này thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Trung đoàn 22, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; và Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy - cứu nạn, cứu hộ, Công an thành phố Hà Nội.

Lễ tang ông Lê Đình Kình ngày 13/01/2020.

Về phía người dân Đồng Tâm, truyền thông Việt Nam cho biết đến này 13/01, ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, được xác định đã tử vong do liên quan đến vụ án chống người thi hành công vụ.

“Việc gây rối tại xã Đồng Tâm đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng từ trước, Lê Đình Kình chính là kẻ chủ mưu, cầm đầu nhóm đối tượng chủ động tấn công lực lượng chức năng,” đài VTV loan tin hôm 13/01.

Chiều 13/1, trang Thanh Niên dẫn lời một lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội cho biết, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 22 đối tượng trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại xã Đồng Tâm vào ngày 9/1, với các tội danh “giết người” và “chống người thi hành công vụ.”

Trong số 20 người bị truy tố hôm 13/1 có ông Lê Đình Chức, con trai ông Kình, người mà hàng xóm nói với VOA rằng đã chết trong vụ đụng độ hôm 9/1. VOA chưa thể xác nhận tình trạng sức khỏe hiện nay của ông Chức.

Ông Lê Đình Công, một người con khác của ông Kình, cũng bị truy tố, xuất hiện trên VTV hôm 13/1, “nhận tội chỉ đạo cuộc tấn công vào lực lượng chức năng.”

Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Trưởng Công an huyện Mỹ Đức, phát biểu trên VTV hôm 13/01: “Ngày 09/01, khi lực lượng chức năng đến cổng làng Hoành, các đối tượng đã chủ động tấn công lực lượng chức năng bằng pháo, gạch đá, bom xăng, và đặc biệt là lựu đạn.”

Ngày 09/01, khi lực lượng chức năng đến cổng làng Hoành, các đối tượng đã chủ động tấn công lực lượng chức năng bằng pháo, gạch đá, bom xăng, và đặc biệt là lựu đạn.
Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Trưởng công an huyện Mỹ Đức.


Các nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam hôm 13/1 cho biết tang lễ của ông Kình diễn ra trong hoàn cảnh bị nhà chức trách “giám sát chặt chẽ,” việc quay phim, chụp ảnh bị “an ninh chìm nổi ngăn chặn.”

Cổng thông tin Chính phủ hôm 13/1 viết “lợi dụng vụ việc [Đồng Tâm], nhiều kẻ xấu đã xuyên tạc, đưa thông tin nhiễu loạn gây hoang mang xã hội.”

“Trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều bài viết quy chụp “chính quyền cướp đất của dân”, cho rằng người dân bị lấy đất canh tác vô cớ, kiện cáo không được giải quyết, từ đó họ bị… đẩy đến đường cùng!,” Cổng thông tin Chính phủ viết.

“Cơ quan điều tra thu giữ được các tài liệu chứng minh rằng, ông Lê Đình Kình giữ vai trò “đầu tàu”, tập hợp những người khác, trong đó có các thành phần bất hảo, nghiện ngập tụ tập về Đồng Tâm, phân chia ra các bè mảng để “thề ăn đủ”!”

Trang Chinhphu viết tiếp: “Số này đã kêu gọi việc đóng góp từ nhiều nơi, trong đó có nguồn tài trợ từ tổ chức phản động hải ngoại, biến việc đòi đất ở Đồng Tâm thành cái cớ để gây sức ép với chính quyền, chống phá Nhà nước.”