Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng và Trợ lý phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Quang Linh vừa bị đề nghị kỷ luật Đảng vì liên quan đến vụ án đưa và nhận hối lộ khi tổ chức các chuyến bay cho người Việt hồi hương trong đại dịch.
Truyền thông Việt Nam hôm 26/9 đưa tin rằng Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) đã đề nghị Ban Bí thư xem xét kỷ luật ông Dũng và ông Linh trong vụ chuyến bay giải cứu, trong đó hàng chục lãnh đạo và nhân viên của nhiều bộ đã bị khởi tố và bắt tạm giam vì bị cáo buộc nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng và hàng trăm nghìn đô la Mỹ.
Đề nghị của UBKTTƯ được đưa ra trong cuộc họp của Ủy ban này nhằm xem xét báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật một số đảng viên liên quan đến vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bộ Ngoại giao ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố, theo Zing News và Tuổi Trẻ.
Đánh giá của UBKTTƯ được các báo này trích dẫn cho thấy rằng ông Dũng, ủy viên Ban cán sự Đảng, và ông Linh, trợ lý Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, đã “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
UBKTTƯ còn cho rằng hai quan chức này đã “vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm” cũng như làm “sai lệch chủ trương đúng đắn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước trong việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước khi đại dịch COVID-19 bùng phát”.
Những việc làm này, theo UBKTTƯ, đã gây hậu quả nghiêm trọng, khiến dư luận bức xúc và làm giảm uy tín của tổ chức Đảng.
Trước đó hôm 20/9, Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Nguyễn Thanh Hải, là quan chức mới nhất bị bắt giam trong vụ án được Bộ Công an khởi tố từ cuối tháng 1.
Trong số gần 20 người – từ các bộ Ngoại giao, Y tế, Giao thông Vận tải và Công an – bị khởi tố và bắt tạm giam, ông Dũng là quan chức cao cấp nhất. Ông Dũng bị bắt giữ từ tháng 4 và bị điều tra về tội nhận hối lộ.
Theo Bộ Công an, có gần 2.000 chuyến bay “giải cứu” người Việt từ nước ngoài được thực hiện trong thời gian đại dịch và mỗi chuyến bay có lợi nhuận vài tỷ đồng. Điều tra ban đầu của Bộ Công an cho biết các bị cáo đã lợi dụng việc xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân bị kẹt ở nước ngoài về nước, trong thời gian các hãng hàng không quốc tế không được phép vào Việt Nam, nhằm trục lợi cá nhân.
Trước đây, nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền Việt Nam, gồm có cựu Ủy viên Bộ Chính trị và bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, sau khi bị khởi tố, bắt tạm giam và kỷ luật Đảng đã bị đưa ra xét xử trong các phiên tòa.
Vụ án đưa, nhận hối lộ khi tổ chức các “chuyến bay giải cứu” và vụ nâng khống giá kit xét nghiệm COVID của công ty Việt Á hợp tác với Bộ Y tế nhằm ăn chia hàng chục tỷ đồng tiền hoa hồng là hai vụ tham nhũng lớn nhất trong thời gian đại dịch, khiến công luận Việt Nam phẫn nộ. Các vụ án này được xem là một phần trong chiến dịch chống tham nhũng, được dư luận và báo chí Việt Nam gọi là “đốt lò”, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động kể từ khi giành được nhiệm kỳ lãnh đạo Đảng Cộng sản lần thứ 2 vào năm 2016.