Vụ án thầy giáo Tĩnh: Luật sư không được sao chụp hồ sơ vì ‘là tài liệu mật’?

Nhà đấu tranh Nguyễn Năng Tĩnh (quê Nghệ An), ảnh chụp khi chưa bị bắt.

Thầy giáo - nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Năng Tĩnh xuất hiện tại một phiên tòa sơ thẩm ở Nghệ An hôm 17/10, nhưng phiên tòa đã bị hoãn lại do các luật sư bào chữa chưa được tiếp cận chi tiết và không được phép sao chụp hồ sơ vụ án vì phía tòa cho rằng đó là “tài liệu mật,” theo tin từ gia đình và luật sư.

Từ thành phố Vinh, bà Nguyễn Thị Tình, vợ của ông Nguyễn Năng Tĩnh, cho VOA biết:

“Ngày 11/10, có hai luật sư ra đây để chuẩn bị cho phiên tòa ngày 17/10. Luật sư yêu cầu được sao chụp hồ sơ của bị cáo nhưng phía tòa án nói đây là hồ sơ bảo mật quốc gia nên không được sao chụp và chỉ cho luật sư đọc vào sáng hôm ấy. Vì lý do không được sao chụp nên các luật sư đã yêu cầu hoãn phiên tòa.”

Luật sư yêu cầu được sao chụp hồ sơ của bị cáo nhưng phía tòa án nói đây là hồ sơ bảo mật quốc gia.
Bà Nguyễn Thị Tình, vợ của nhà hoạt động Nguyễn Năng Tĩnh


Từ thành phố Hồ Chí Minh, luật sư Nguyễn Văn Miếng, một trong ba luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Năng Tĩnh, nói với VOA:

“Thẩm phán Nguyễn Đăng Phồn nói rằng đó là hồ sơ mật, thuộc về nhóm an ninh quốc gia cho nên chúng tôi chỉ được đọc, xem qua, và ghi chép chứ không được sao chụp.

“Đó là một bộ hồ sơ với 1.000 bút lục thì làm sao chúng tôi có thể đọc, chép.

“Thư ký tòa mang bộ hồ sơ này ra trong khoảng từ 10 giờ 30 đến 11 giờ 30 nên chúng tôi không thể nào ghi chép được.

“Trong khoảng thời gian đó, các chi tiết từng lời khai, từng bản giám định tư tưởng của Sở Văn hóa, Thông tin và Truyền thông chúng tôi không thể xem xét kỹ.”

Thẩm phán Nguyễn Đăng Phồn nói rằng đó là hồ sơ mật, thuộc về nhóm an ninh quốc gia cho nên chúng tôi chỉ được đọc, xem qua, và ghi chép chứ không được sao chụp
Luật sư Nguyễn Văn Miếng


VOA chưa liên lạc được với Thẩm phán và Tòa án tỉnh Nghệ An để tìm hiểu về việc gây cản trở này.

XEM THÊM: Nhà đấu tranh Nguyễn Năng Tĩnh bị bắt ở Nghệ An


Công an Nghệ An hôm 17/9/2019 cho biết cơ quan này đã kết thúc quá trình điều tra hình sự đối với ông Nguyễn Năng Tĩnh sau hơn 3 tháng ông này bị bắt tạm giam.

Khoản 1, Điều 82 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam 2015 nêu: “Sau khi kết thúc điều tra, nếu có yêu cầu đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm bố trí thời gian, địa điểm để người bào chữa đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án.”

Bà Nguyễn Thị Tình, lên tiếng phản đối việc nhà chức trách ngăn cản luật sư bào chữa tiếp cận đầy đủ hồ sơ vụ án của chồng bà.

“Tôi nghĩ bên tòa án làm như thế là hoàn toàn sai pháp luật. Luật sư bào chữa phải được xem và nghiên cứu kỹ để biết được người ta buộc tội thân chủ của mình bằng chứng cứ gì thì mới có thể đưa ra lý luận và bào chữa.

“Phía tòa còn nói rằng lần sau mà thiếu vắng luật sư thì phiên tòa vẫn diễn ra bình thường.

“Tôi hoàn toàn không đồng ý với yêu cầu và lý do mà tòa án đưa ra.”

Ông Nguyễn Năng Tĩnh, giảng viên của trường Cao đẳng Văn hoá-Nghệ thuật Nghệ An, bị công an tỉnh bắt vào ngày 29/5/2019 và sau đó bị khởi tố về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.”

Chính quyền Việt Nam cáo buộc nhà giáo dạy nhạc “đã đăng tải, chia sẻ các bài viết, video, hình ảnh có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của đảng và nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân; xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ, xâm phạm chính quyền nhân dân và chế độ chủ nghĩa xã hội, nhằm mục đích chống nhà nước…” trên Facebook cá nhân mang tên Nguyễn Năng Tĩnh.

Your browser doesn’t support HTML5

Nhà hoạt động Nguyễn Năng Tĩnh bị bắt

Sau khi ông Tĩnh bị bắt, mạng xã hội lan truyền video ông Tĩnh dạy học sinh hát bài “Trả lại cho dân,” một trong những bài hát của nhạc sỹ bất đồng chính kiến Việt Khang, từng bị giam 4 năm tù ở Việt Nam.

Hôm 14/10, trang Asia News cho biết ông Tĩnh là một người hoạt động dân chủ và nhân quyền, thành viên của Nhóm Bảo vệ Sự sống, Quỹ Phát triển con Người và Truyền thông Công giáo.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 07/10 nhận định rằng việc bắt giam ông Nguyễn Năng Tĩnh, cũng như các nhà hoạt động nhân quyền khác nhằm vào bất cứ ai lên tiếng chỉ trích chính phủ. “Đây là một phần của cuộc đàn áp đối với những người ủng hộ dân chủ và chính trị đa đảng.”