Cuối cùng cũng có một cơ quan truyền thông chính thức chỉ trích VTV (Đài Truyền hình Quốc gia tại Việt Nam) vì cổ xúy những hành vi xúc phạm thuần phong mỹ tục.
Suốt tuần vừa qua, nhiều người sử dụng mạng xã hội đã chỉ trích kịch liệt việc VTV phát đi phát lại quảng cáo cho một loại nước tăng lực và một game show.
Quảng cáo loại nước tăng lực bị chỉ trích, giới thiệu một cặp vợ chồng người thiểu số với cô vợ liên tục thắc mắc: Mình đi đâu đấy? Bất kể anh chồng đi đâu (lên núi, lên mái nhà hay… lên giường), cô cũng khuyến khích chồng uống loại nước tăng lực được quảng cáo cho… khỏe (1)!
Sau khi nhiều người sử dụng mạng xã hội bày tỏ sự bất bình về quảng cáo loại nước tăng lực vừa kể, tờ Tuổi Trẻ đã phỏng vấn và giới thiệu ý kiến của ba người. Ông Nguyễn Quang Minh (Giảng viên Đại học Xây dựng Hà Nội), nhận định, quảng cáo nước tăng lực đã đề cập là “đáng khinh”, đồng thời là bằng chứng cho thấy VTV “thiếu tôn trọng khán giả” khi liên tục phát tán những hình ảnh, nội dung “phản văn hóa” như thế. Bà Hoàng Thu Thùy (nghiên cứu văn hóa của các sắc tộc thiểu số), nhấn mạnh, quảng cáo đó “miệt thị các sắc tộc thiểu số”. Còn ông Vũ Quang Minh (viên chức ngoại giao) thì cho rằng VTV nên ngưng phát quảng cáo để giữ thể diện của Đài Truyền hình Quốc gia (2)...
Cần lưu ý, trong tuần vừa qua, VTV không chỉ khuấy động dư luận bằng quảng cáo nước tăng lực đã kể. Game show “Kèo này ai thắng” phát vào tối 12 tháng 3, tiếp tục làm công chúng sôi sùng sục khi chứng kiến một nữ người mẫu dùng miệng ngậm một củ cải trắng, sau đó dùng tay giữ củ cải này cho một nghệ sĩ xiếc phóng dao vào củ cải trắng. Xem tiết mục ấy, ai cũng thấy đạo diễn cố tình khai thác các góc quay để người xem phải liên tưởng đến những tình huống vốn chỉ xảy ra trên giường! Tuy đã xin lỗi khán giả vì tiết mục dễ gây ngộ nhận nhưng một trong hai MC của game show vẫn mạnh miệng đề nghị khán giả ủng hộ cho các nghệ sĩ… tỏa sáng (3)!
***
Dẫu nhiều người băn khoăn trước hàng loạt dấu hiệu phản văn hóa mà nhiều người dựa vào đó để cho rằng VTV càng ngày càng đốn mạt song đó chưa phải là điểm chính yếu. Điểm chính yếu nằm ở chỗ, nhiều năm nay, không chỉ VTV mà rất nhiều cơ quan truyền thông chính thức thi nhau khai thác rất tận tình những yếu tố dung tục, rẻ tiền.
Chẳng riêng hệ thống truyền thông chính thức, các tổ chức chính trị đảm nhận vai trò tập họp, hướng dẫn thanh niên tại Việt Nam như: Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (TNCS HCM), Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam,… cũng thế. Chẳng riêng công chúng thể hiên sự âu lo, bất bình của họ trên mạng xã hội, một số cơ quan truyền thông chính thức cũng phải… nhả tăm để lên tiếng, khi “đoàn, hội” sử dụng vô số “trò chơi tập thể”: Các thiếu nữ cặp bình sữa vào nách cho các chàng trai bú! Các chàng trai kẹp dưa leo vào hạ bộ cho các thiếu nữ ăn! Hoặc đặt một trái bong bóng lên hạ bộ cho các thiếu nữ ngồi lên, cố gắng nhún nhảy sao cho bóng bể,… để “tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ” (4)!
Năm 2018, sau khi xem video clip ghi lại cảnh học sinh trường Trung học Thực hành sư phạm thuộc Đại học Cần Thơ chơi “chuyền thẻ”: Nam sinh và nữ sinh nằm đè lên nhau, mặt úp vào nhau, cố giữ cho tấm thẻ đặt giữa miệng của cả hai không rớt khi cùng lăn trên đất để chuyền tấm thẻ ấy cho cặp khác,… nhiều phụ huynh đã yêu cầu Ban Tuyên giáo của BCH TƯ đảng CSVN, Bộ GDĐT, BCH TƯ Đoàn TNCS HCM, chấm dứt việc sử dụng các “trò chơi tập thể này” nhằm khắc phục tình trạng “nhạt đảng, khô đoàn” (5)!
Trong khi các viên chức hữu trách ở Cần Thơ khẳng định, “chuyền thẻ” là một trong những “trò chơi tập thể” được BCH TƯ Đoàn TNCS HCM cho phép (6) thì BCH TƯ Đoàn TNCS HCM vừa phủ nhận, vừa lên án vì “không đúng thuần phong mỹ tục, không phù hợp với văn hóa, truyền thống của người Việt” và chỉ đạo tổ chức Đoàn TNCS ở Cần Thơ phải rà soát lại. Cũng phải đến lúc đó – lúc phụ huynh nổi giận vì trường học trở thành nơi đầu độc, tha hóa con cháu của họ - Bộ GDĐT mới ra lệnh chấn chỉnh (7).
***
Vì sao hệ thống truyền thông chính thức có thể thoải mái khai thác, phát tán những thông tin dung tục, cổ súy sự sùng bái các ngôi sao ca nhạc, điện ảnh, thời trang, ca ngợi chơi ngông… ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam, không bỏ sót bất kỳ chi tiết nào liên quan đến đời tư của những nhân vật thuộc dạng này, tự do đào xới các vụ cướp, hiếp, giết,… song công chúng hỗ trợ nhau hiểu biết tường tận, chính xác về cuộc chiến tranh vệ quốc ở biên giới phía Bắc (1979 – 1989), về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở biển Đông, về nội dung các tuyên ngôn liên quan tới nhân quyền, dân quyền của Liên Hiệp Quốc thì bị xem là “tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động” (8)?
Vì sao có thể dễ dàng khai triển các hoạt động đầu độc nhận thức, tha hóa nhân cách thiếu niên, thanh niên kiểu như “trò chơi tập thể”, biến công chúng trở thành mê muội kiểu như vận động “tu tập hồi hướng nhằm hóa giải dịch do virus corona gây ra” nhưng không được phép thực hiện những cuộc vận động nâng cao nhận thức về môi trường, hay tổ chức tưởng niệm những người Việt đã đền nợ nước ở biên giới phía Bắc, ở Hoàng Sa, Trường Sa, thậm chí ngoài cấm đoán, có những thời điểm, những hoạt động này còn bị đàn áp thẳng tay bởi các cáo buộc kiểu như “lợi dụng bảo vệ môi trường để gây rối” (9), “xuyên tạc, kích động nhằm chống phá” (10)?
Nếu quan sát kỹ những nghịch lý như vừa phác họa và đối chiếu những nghịch lý này với thực trạng xã hội, liệu đã đủ để tự vấn: “Mình” đi đâu đây? Việc tạo ra – gìn giữ và phát triển những nghịch lý này là vô tình hay cố ý và cứ như thế “mình” còn cơ hội vượt lên, hay cả kinh tế - xã hội lẫn đạo đức – nhân cách của nhiều thế hệ cùng lao xuống đáy?
Chú thích
(1) https://www.youtube.com/watch?v=rLnQorFaH4c&ab_channel=WorldofDrinks
(4) http://vannghethainguyen.vn/2018/05/28/nhung-tro-choi-tho-tuc/
(5) https://www.datviet.com/sinh-hoat-tap-the-cua-doan-vien-doan-tncs-dung-tuc-la-chinh/
(9) https://vtv.vn/trong-nuoc/canh-giac-voi-am-muu-loi-dung-moi-truong-de-gay-roi-2019110318331383.htm
(10) http://cand.com.vn/Van-de-hom-nay-thoi-su/Thuc-long-tuong-niem-hay-muon-co-gay-roi-kich-dong-585894/