Việt Nam vừa tuyên án tù đối với 36 cựu viên chức, trong đó có cả cựu chủ tịch, Ngân hàng Xây dựng (VNCB) về tội đánh cắp 9.000 tỷ đồng (hơn 400 triệu đôla), số tiền đánh cắp được cho là lớn nhất trong các vụ bê bối gần đây trong ngành ngân hàng tại Việt Nam.
Theo AFP, các cựu viên chức ngân hàng của công ty cổ phần Ngân hàng Xây dựng Việt Nam đã bí mật rút tiền từ tài khoản tiết kiệm của các khách hàng, sử dụng số tiền này để cho vay hoặc gửi vào tài khoản cá nhân.
Cụ thể, cựu Chủ tịch VNCB Phạm Công Danh trong thời gian tại chức đã chỉ đạo cấp dưới chuyển 900 tỷ đồng để mua 900 trái phiếu do Tập đoàn Thiên Thanh phát hành, sau đó chuyển sang sử dụng cá nhân, theo VnExpress.
Sau đó, giới chức ngân hàng này tiếp tục chỉ đạo cấp dưới ký các hợp đồng khống thuê mặt bằng các công ty riêng của mình để lấy hơn 600 tỷ đồng. Ngoài ra, cựu Chủ tịch VNCB còn rút hơn 5.000 tỷ đồng qua các hợp đồng vay thế chấp nhưng không có sự đồng ý của chủ tài khoản. Tổng cộng, cựu giới chức ngân hàng cùng với hơn 30 viên chức cùng ngành đã chiếm đoạt, gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng.
VnExpress dẫn tin từ Tòa án cho biết vì lý do số tiền có khả năng thu hồi là cao (khoảng 6.000 tỷ đồng) cùng với sự thành khẩn khai báo của bị cáo nên Hội đồng xét xử đã xem xét giảm nhẹ mức án cho ông Danh còn 30 năm tù. 35 bị cáo khác chịu mức án từ 3 tháng đến 20 năm tù giam.
Lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam gần đây bị tai tiếng bởi một loạt các vụ bê bối, cùng với việc bắt giữ nhiều nhân vật cao cấp trong giới doanh nhân giàu có và các quan chức điều hành về các cáo buộc tham nhũng, tham ô và thiếu năng lực.
Hồi đầu năm nay, 3 cựu quan chức ngân hàng và 6 quan chức chứng khoán của Việt Nam đã bị bắt giữ trong một vụ gian lận trị giá lên đến hàng triệu đôla tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB).
Tháng Bảy năm ngoái, cựu Chủ tịch của tập đoàn dầu khí nhà nước PetroVietnam cũng bị bắt giữ vì cáo buộc sai phạm dẫn đến thất thoát 38 triệu đôla tiền đầu tư của Ngân hàng Ocean Bank.