VN thử vắc xin Covid: Lãnh đạo đảng, nhà nước, Bộ Y tế nên làm gương?

Các nhà chuyên môn nghiên cứu để chế tạo vắc xin Covid-19 tại công ty NANOGEN ở Việt Nam; tháng 12/2020

Chương trình thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19 của Việt Nam chính thức bắt đầu vào ngày 10/12, chuyên trang của Bộ Y tế về phòng chống Covid-19 thông báo hôm 5/12.

Theo chuyên trang của bộ, đến thời điểm hiện tại, có 3 nhà sản xuất vắc xin Covid-19 đóng tại Việt Nam là IVAC, VABIOTECH, NANOGEN đã hoàn thiện quy trình sản xuất quy mô phòng thí nghiệm. IVAC và VABIOTECH hiện đang đánh giá tính an toàn, tính miễn dịch của vắc xin trên động vật. Riêng NANOGEN đã hoàn thành giai đoạn đó và chuẩn bị sẵn sàng để tiến tới thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1.

Tại cuộc họp báo hôm 5/12 về tình hình nghiên cứu, sản xuất vắc xin Covid-19 trong nước, giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế Việt Nam, cho biết rằng vào ngày 10/12 sắp tới, công ty NANOGEN phối hợp với Học viện Quân y sẽ chính thức tuyển tình nguyện viên tham gia vào giai đoạn 1 thử nghiệm vắc xin.

Hãy thử nghiệm ngay ở lãnh đạo chủ chốt của Bộ Y tế, bao gồm từ Bộ trưởng, Thứ trưởng và lãnh đạo vài ba Cục có liên quan.
Nhà văn-nhà báo Nguyễn Như Phong


Trong một cuộc phỏng vấn với báo Tuổi Trẻ hôm 6/12, ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, cho hay công nghệ sản xuất vắcxin của NANOGEN đang làm dựa trên protein tái tổ hợp, sau đó can thiệp vào bộ gien để sản sinh ra kháng thể. “Do đó, ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước và các nhà khoa học đánh giá là rất an toàn, không có vấn đề gì”, ông Quang nói với Tuổi Trẻ.

Vẫn vị phó cục trưởng ngay sau đó nói tiếp rằng đối chiếu với 3 chỉ tiêu để đánh giá một vắcxin là tính an toàn, tính sinh miễn dịch và hiệu lực bảo vệ, vắcxin của NANOGEN bước đầu được cơ quan chuyên môn đánh giá “có thể an toàn, có thể có tính sinh miễn dịch sau sản sinh kháng thể”, nhưng hiệu lực bảo vệ kéo dài bao lâu là điều “cần phải có thời gian để cơ quan chuyên môn nghiên cứu, chưa thể khẳng định ngay được”.

Theo cuộc phỏng vấn của ông Quang với Tuổi Trẻ, không chỉ vắcxin của NANOGEN mà ngay cả vắcxin của hãng Mỹ Pfizer cũng “vẫn chưa thể trả lời được tính hiệu lực này”.

“Bởi trong tình trạng đại dịch khẩn cấp, chúng ta không thể có đủ thời gian dài để theo dõi, nghiên cứu”, vị phó cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, nói.

Các báo trong nước như Tuổi Trẻ, Thanh Niên đưa tin rằng NANOGEN và Học viện Quân Y ước tính ở giai đoạn 1 thử nghiệm vắc xin sẽ cần tuyển lựa 20-60 tình nguyện viên là người khỏe mạnh trong độ tuổi 18-50. Khi bước vào giai đoạn 2 con số này có thể tăng lên khoảng 600 người, Phó Cục trưởng Nguyễn Ngô Quang thuộc Bộ Y tế cho biết thêm.

Người dân ở Hà Nội đeo khẩu trang để ngăn Covid-19 lây lan (ảnh chụp hôm 6/8/2020)

Đón nhận tin Việt Nam sắp thử nghiệm vắc xin quốc nội ngừa Covid-19, theo quan sát của VOA, một số người đưa ra ý kiến trên mạng xã hội rằng các lãnh đạo đảng, nhà nước và Bộ Y tế nên là những người đầu tiên tiêm thử nghiệm để “làm gương”, cũng như để tạo sự yên tâm trong dân chúng về tính an toàn của vắc xin.

Một trong những người nêu đề xuất như vậy là nhà văn-nhà báo kỳ cựu Nguyễn Như Phong, người cũng từng công tác trong ngành công an và nghỉ hưu ở cấp bậc đại tá.

Trên trang Facebook cá nhân có tổng cộng gần 63.000 người theo dõi, ông Phong, từng là Tổng Biên tập báo mạng PetroTimes và Phó Tổng Biên tập báo Công An Nhân Dân, viết: “Thứ nhất, hãy thử nghiệm ngay ở lãnh đạo chủ chốt của Bộ Y tế, bao gồm từ Bộ trưởng, Thứ trưởng và lãnh đạo vài ba Cục có liên quan. Thứ hai, tuyển chọn ngay trong số những ai tham gia ứng cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ tới, với ba độ tuổi: cao tuổi, trung tuổi và trẻ nhất”.

Các nhà lãnh đạo không nên tham gia. Đây là nghiên cứu khoa học chứ có phải là chính trị đâu. Vắc xin là vấn đề khoa học, cho nên là những người đủ tiêu chuẩn mới tham gia và là tình nguyện.
PGS-TS Nguyễn Viết Nhung


Trong phần cuối bài viết nhận được gần 2.000 phản ứng yêu, thích và được hơn 100 người lan truyền tiếp qua chức năng “share” (chia sẻ) của Facebook, ông Phong bày tỏ: “Vì việc thử nghiệm là cực kỳ quan trọng, cho nên, hơn lúc nào hết, đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải phát huy cao độ ý thức trách nhiệm, và tính gương mẫu”.

Tuy nhiên, phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viên Phổi Trung ương, có quan điểm khác về vấn đề này. Ông nói với VOA:

“Các nhà lãnh đạo không nên tham gia. Đây là nghiên cứu khoa học chứ có phải là chính trị đâu. Vắc xin là vấn đề khoa học, cho nên là những người đủ tiêu chuẩn mới tham gia và là tình nguyện. Cái này không phải vấn đề chính trị. Quan điểm của tôi là đủ tiêu chuẩn, theo đúng tiêu chí của nghiên cứu thôi. Thử nghiệm vắc xin là vấn đề khoa học”.

Một bản tin hôm 7/12 của báo Thanh Niên trích lời ông Hồ Nhân, nhà sáng lập và cũng là Tổng giám đốc công ty NANOGEN, cho biết sẽ mất khoảng 6 tháng để thử nghiệm lâm sàng vắc xin và dự kiến đến tháng 5/2021 có thể đưa vào tiêm chủng.

Vẫn ông Nhân nói thêm với Thanh Niên rằng không loại trừ trường hợp dịch bùng phát dẫn đến việc thủ tướng Việt Nam có thể cho kích hoạch tiêm sớm hơn.

“Trước mắt, công suất nhà máy có thể làm 30 triệu liều vắc xin Covid-19 tiêm mỗi năm và giá thành ước khoảng 200.000 đồng/2 liều tiêm cách nhau nửa tháng”, ông Nhân cho biết.

Việt Nam được ghi nhận là nước kiểm soát dịch Covid-19 rất hiệu quả. Theo chuyên trang về đại dịch của Bộ Y tế, tính đến sáng 8/12, tổng số ca nhiễm từ đầu dịch đến nay ở trong nước là 1.367, trong đó 105 người đang được điều trị và 35 người đã tử vong.