Việt Nam tái tục các chuyến bay quốc tế để khuyến khích đầu tư, chưa mở cửa cho du lịch

Tư liệu: Du khách đeo khẩu trang tại phi trường quốc tế Nội Bài, Hà Nội. Ảnh chụp ngày 2/2/2020.

Việt Nam, một trong những nước có ít ca Covid-19 nhất Đông Nam Á, với 1.063 ca nhiễm và 35 ca tử vong, đang dần dà mở cửa lại với thế giới để thúc đẩy các hoạt động kinh tế. Trong tuần này, Việt Nam sẽ tái tục các chuyến bay thương mại nối kết nước này với nhiều điểm đến ở Á Châu, khởi sự từ thứ Sáu 18/9, hãng tin AP và truyền thông khu vực đưa tin hôm 16/9.

Các chuyến bay chở khách sẽ bay tới 6 thành phố ở Châu Á như một bước để tìm cách vực dậy nền kinh tế đang bị ảnh hưởng vì đại dịch Covid-19, theo báo South China Morning Post.

Nhưng các chuyến bay này chưa mở cửa cho khách du lịch, VnExpress cho biết.

Lên tiếng hôm thứ Ba 15/9, chính phủ Việt Nam cho biết người nước ngoài du hành với mục đích kinh doanh hay học vấn, cùng với các công dân Việt Nam và thân nhân của họ, sẽ được phép du hành tới các thành phố ở Châu Á như Quảng Châu ở Trung Quốc, Seoul của Hàn quốc, Tokyo của Nhật Bản, Đài Bắc của Đài Loan, và bắt đầu vào tuần tới, sẽ có thêm các chuyến bay tới thủ đô Pnom Penh của Campuchia và Vientiane của Lào.

Theo nguồn tin này, mỗi tuần ít nhất sẽ có hai chuyến bay khứ hồi tới mỗi điểm đến được công bố.

Tất cả các hành khách phải xét nghiệm âm tính đối với virus Covid-19 trước khi lên máy bay và lúc xuống máy bay. Các hành khách không ở Việt Nam quá 14 ngày sẽ không bị cách ly, nhưng phải được xét nghiệm, phải mang khẩu trang và tránh bắt tay với người khác.

Những người còn lại phải trải qua một thời gian cách ly tại một cơ sở do quân đội điều hành, hoặc tại các khách sạn được nhà nước chỉ định, tuy nhiên nếu kết quả xét nghiệm lần 2 vẫn âm tính, họ chỉ bị cách ly 5 ngày thay vì 14 ngày. Chi phí cách ly và xét nghiệm đều do hành khách tự trả.

South China Morning Post dẫn lời các nhà quan sát nói Việt Nam nóng lòng mở cửa để giao dịch với các ‘đối tác an toàn’ nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 và khuyến khích đầu tư nước ngoài.

Tờ báo dẫn lời ông Shin Jee-hoon, quản trị viên phòng cổ vũ thương mại & đầu tư Hàn quốc tại tp HCM, hoan nghênh động thái này, nói rằng Việt Nam là điểm đến ưa chuộng của giới đầu tư Hàn quốc.

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam, Hàn quốc đã qua mặt Nhật Bản để trở thành nước cung cấp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất của Việt Nam, với 68,3 tỷ USD vốn đầu tư được đăng ký tính cho tới tháng 6/2020.

Ông Shin nói điều đáng tiếc là nhiều dự án đầu tư đã bị đình chỉ vì các nhà đầu tư không được nhập cảnh Việt Nam do những hạn chế để chặn lại đà lây lan của dịch Covid-19.

Ông nói các doanh nhân và nhà đầu tư cần tới hiện trường và thảo luận trực tiếp các đối tác trước khi đưa ra quyết định chung cuộc.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha, giữa, nhận bó hoa từ tay Ngoại trưởng Việt nam Phạm Bình Minh, tại Hà Nội, ngày 9/3/2018. (AP)


Quyết định của Việt Nam nối lại các chuyến bay quốc tế trùng hợp với chuyến thăm của Ngoại trưởng Hàn quốc Kang Kyung-wha, dự kiến tới Việt Nam vào thứ Năm 17/9 để thảo luận về một đáp ứng có phối hợp chống đại dịch Covid-19 và các vấn đề song phương khác.

Theo các giới chức trong nước, không có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng trong 14 ngày liên tiếp, và Việt Nam dường như đã thành công trong việc dập tắt đợt 3 của đại dịch tái bùng phát tại Đà Nẵng vào cuối tháng 7 vừa rồi, nhưng triển vọng kinh tế vẫn không mấy sáng sủa, theo SCMP.

Dự kiến đà tăng trưởng của kinh tế Việt Nam xê dịch từ 2% tới 2,5% trong năm nay, mức thấp nhất tính từ 20 năm qua.

Theo số liệu của Cục Thống kê Việt Nam, trong 8 tháng tính cho tới tháng 8/2020, ước lượng kim ngạch xuất khẩu lên tới 174,11 tỷ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong cùng kỳ, đầu tư nước ngoài tổng cộng lên tới 19,5 tỷ USD, co thắt 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt thu nhập do du lịch mang lại đã tuột dốc, giảm khoảng 54,4%.

Cục Thống kê quy lỗi toàn bộ cho dịch Covid-19 về mất mát này, trong bối cảnh cả du lịch nội địa cũng phải bị đình chỉ.

Đợt lây nhiễm Covid-19 mới nhất đã khiến gần phân nửa các doanh nghiệp Việt Nam phải giảm hoạt động, theo một cuộc khảo sát của chính phủ hồi tháng trước, phỏng vấn 400 công ty và tổ chức doanh nghiệp hoạt động trong mọi lĩnh vực từ du lịch cho tới nông nghiệp. Trong số các công ty phải giảm hoạt động, hơn 33% phải sa thải phân nửa nhân viên, đặc biệt trong ngành du lịch.

Các nhà kinh tế Việt Nam cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng ít nhất là cho tới cuối năm tới.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn là nền kinh tế duy nhất tại Đông Nam Á không rơi vào suy thoái. SMCP dẫn lời Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Yusof Ishak ở Singapore, nói Việt Nam đang nóng lòng để trở thành một trong các nước đầu tiên mở cửa lại biên giới, qua đó tăng uy tín trên trường quốc tế, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ đối với chính phủ ở trong nước.

“Việt Nam nóng lòng mở cửa lại biên giới với ‘các đối tác an toàn’ để giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 đối với kinh tế và tạo điều kiện cho đầu tư trực tiếp nước ngoài. Vì du lịch xuyên biên giới vẫn bất khả trong lúc này, động thái này không nhắm chủ yếu vào nỗ lực hồi sinh ngành du lịch,” Tiến sĩ Hiệp nói.

Ông lưu ý rằng mở cửa biên giới đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Đảng Cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị cho Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 13, đại hội này sẽ quyết định thành phần nhân sự ở cấp cao nhất, ngay sau kỷ niệm đánh dấu 75 năm quốc khánh, và 90 năm thành lập đảng cộng sản Việt Nam trong năm nay.