Việt Nam yêu cầu Trung Quốc “tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường sinh thái biển” và “tôn trọng chủ quyền” sau khi một báo cáo hôm 22/5 của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Mỹ cho biết đội tàu khổng lồ khai thác trai tượng của Trung Quốc đã quay trở lại hoạt động ở Biển Đông trong 6 tháng qua.
Trả lời câu hỏi trong cuộc họp báo ngày 23/5 về sự kiện trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thi Thu Hằng nói rằng “Việc khai thác các nguồn tài nguyên ở Biển Đông cần tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế” và “cần tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển”.
Trước đó, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington D.C., Mỹ, cho biết các hình ảnh vệ tinh mà họ có được cho thấy các đội tàu khai thác trai tượng của Trung Quốc đã quay trở lại khu vực Bãi cạn Scarborough thuộc Biển Đông mà Philippines tuyên bố có chủ quyền ‘trong vòng sáu tháng vừa qua’.
Báo cáo của AMTI cho thấy các đội tàu khai thác trai tượng Trung Quốc đang hoạt động thường xuyên ở bãi cạn Scarborough nhưng ‘không có bằng chứng rõ ràng’ cho thấy ngư dân Trung Quốc cũng đang khai thác trai tượng ở quần đảo Trường Sa.
Những đội tàu này hoạt động theo hình thức là hàng chục tàu đánh bắt nhỏ đi cùng với một vài tàu mẹ cỡ lớn. Chúng phá hủy những dải san hô rộng lớn để bắt trai tượng vốn đang nằm trong diện khẩn nguy. Cũng theo cơ quan này, từ năm 2012 cho đến 2015, các ngư dân khai thác trai tượng của Trung Quốc đã làm hư hại hay phá hủy ít nhất 28 bãi san hô trên khắp Biển Đông.
Ngoài phản ứng về đội tàu “phá hoại nhất” của Trung Quốc, người phát ngôn Việt Nam cũng lên tiếng phản đối cuộc đua thuyền buồm mà Trung Quốc tổ chức ở Hoàng Sa trước đó, từ ngày 22/4 – 26/4.
Cuộc đua thuyền buồm cúp Ty Nam lần thứ 7 diễn ra trong khu vực kéo dài từ đảo Tam Á của Trung Quốc đến đảo Duy Mộng, thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Người phát ngôn Việt Nam nói cuộc đua trên “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam” và yêu cầu Trung Quốc “không tái diễn hoạt động nói trên và “không có các hành động gia tăng căng thẳng làm phức tạp tình hình khu vực”.
Kể từ năm 2012, Trung Quốc bắt đầu tổ chức giải đua thuyền buồm “Cúp Ty Nam” hằng năm ở quần đảo Hoàng Sa. Giới chuyên gia quốc tế cho rằng đây là một động thái nhằm hợp thức hóa các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trong khu vực biển đầy tranh chấp, đồng thời kéo sự chú ý của dư luận thế giới ra khỏi các hoạt động bồi đắp, quân sự hóa của Trung Quốc trên các đảo, đá ở Biển Đông.