Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa cho biết các cơ quan chức năng đang xác minh thông tin giàn khoan Đông Phương (Dongfang) 13-2 CEPB của Trung Quốc đang hoạt động ở Biển Đông.
Trả lời câu hỏi của báo chí về phản ứng của Việt Nam trước các thông tin cho rằng giàn khoan Đông Phương 13-2 CEPB của Trung Quốc đang hoạt động ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng vào chiều ngày 11/4/2019 nói: “Các cơ quan chức năng Việt Nam đang xác minh thông tin như vừa nêu.”
Bà Lê Thị Thu Hằng cũng nhắc lại rằng, hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ đã phân định rõ phạm vi và chế độ pháp lí lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mỗi nước trong vịnh Bắc Bộ, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Báo Tuổi Trẻ trích lời bà Thu Hằng nói: “Hai nước có trách nhiệm tuân thủ ngiêm túc quy định của hiệp định trong việc quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, vì lợi ích của mỗi nước, vì hoà bình, ổn định ở khu vực Biển Đông.”
Trước đó, hôm 7/4, Hãng thông tấn Tân Hoa xã của Trung Quốc đưa tin Trung Quốc sẽ đưa giàn khoan sản xuất dầu khí xa bờ lớn thứ hai là Đông Phương 13-2 CEFB vào bồn trũng Yinggehai (Oanh Ca Hải) ở vịnh Bắc Bộ vào ngày 10/4.
XEM THÊM: Trung Quốc sắp đưa giàn sản xuất dầu khí vào Biển ĐôngTân Hoa xã cho biết giàn khoan nổi này đã được Tập đoàn Châu Hải COOEC đóng xong vào đầu tháng 4 tại tỉnh Quảng Đông và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 6.
Lưu vực Yinggehai, nơi dự kiến sẽ đặt giàn sản xuất dầu khí lớn thứ hai của Trung Quốc, nằm ở phía tây bắc Biển Đông, giữa Đảo Hải Nam và vịnh Bắc Bộ của Việt Nam.
Giữa năm 2014, quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng phương bắc rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm sau khi Trung Quốc kéo giàn khoan dầu Hải Dương 981 vào khu vực Hoàng Sa mà Hà Nội nói là Vùng Đặc quyền Kinh tế của mình.
Sự hiện diện của giàn khoan dầu Hải Dương 981 ở Biển Đông đã dẫn tới các cuộc biểu tình bài Trung Quốc gây chết người ở Việt Nam.