Quốc hội Việt Nam hôm 12/11 nhất trí thông qua thỏa thuận thương mại giữa 11 nước là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay còn được gọi là TPP-11.
Như vậy, Việt Nam là quốc gia thứ 7 thông qua hiệp định sẽ giúp cắt giảm đáng kể thuế quan ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, theo Reuters.
Thông báo của Việt Nam đăng trên cổng thông tin của chính phủ có đoạn nói rằng “đây là một quyết định chính trị quan trọng, khẳng định nước ta chủ động trong hội nhập quốc tế, nâng cao nội lực, khả năng ứng phó với tác động của kinh tế thế giới, đồng thời thúc đẩy việc đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do khác”.
Chính quyền Hà Nội nói thêm rằng “với CPTPP, 42,9% thuế đánh lên các mặt hàng dệt may Việt Nam nhập vào Canada sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Và đến năm thứ 4 thì 100% hàng dệt may Việt Nam bán cho Canada sẽ được miễn thuế hoàn toàn”.
Dệt may là hàng xuất khẩu lớn thứ hai ở Việt Nam sau điện thoại thông minh.
Theo Reuters, xuất khẩu giày dép và hải sản của Việt Nam cũng sẽ hưởng lợi vì CPTPP.
Trước Việt Nam, Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore đã chính thức thông qua CPTPP, vốn sẽ có hiệu lực vào cuối năm.
Hãng tin Reuters dẫn lời Tổ chức Lao động Quốc tế nói rằng hiệp định, vốn bao gồm các yêu cầu cụ thể về quyền và điều kiện làm việc, dự kiến sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy cải cách lao động.
Thỏa thuận ban đầu với sự tham gia của 12 nước đã đổ vỡ đầu năm ngoái sau khi Tổng thống Donald Trump rút Hoa Kỳ ra để ưu tiên bảo vệ công ăn việc làm cho người Mỹ.
Brunei, Chile, Malaysia và Peru là bốn nước còn lại chưa thông qua thỏa thuận.
Đại sứ quán Australia ở Hà Nội hôm 12/11 nói rằng Úc "hoan nghênh việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). CPTPP hiện là hiệp định thương mại tự do tham vọng nhất mà Việt Nam tham gia, có triển vọng thúc đẩy đà tăng trưởng và sự đa dạng của nền kinh tế Việt Nam".