Đại diện của Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa lên tiếng phản đối “cái gọi là thành phố Tam Sa” với hàng trăm doanh nghiệp mà Trung Quốc thành lập trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng do Trung Quốc kiểm soát trên thực tế.
Phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, được đưa ra trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 15/10, khi phóng viên hỏi về thông tin có hơn 400 doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký kinh doanh trên đảo Phú Lâm mà tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) công bố gần đây.
“Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình ở Biển Đông, khu vực và thế giới”, truyền thông Việt Nam dẫn lời bà Hằng nói tại cuộc họp báo.
Cuối tháng trước, tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải của Mỹ đưa thông tin cho biết trước khi thành lập thành phố Tam Sa vào năm 2012, chỉ có chưa đầy 10 công ty đăng ký với các cơ quan quản lý của Trung Quốc. Nhưng đến tháng 6/2019, đã có tới 446 doanh nghiệp tư nhân và nhà nước đăng ký tại thành phố Tam Sa, trong đó, 307 công ty báo cáo tổng vốn đăng ký tích luỹ là 1,2 tỉ đôla.
Tổ chức nghiên cứu của Mỹ cho rằng các cơ quan quản lý của Trung Quốc đã sử dụng các chính sách “khôn ngoan” để đạt được “kỳ tích” trong việc phát triển Tam Sa nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền ở Hoàng Sa.
Các chính sách này bao gồm cho phép các doanh nghiệp “đăng ký ở Tam Sa, nộp thuế cho Tam Sa, thương hiệu ở Tam Sa, nhưng hoạt động ở mọi nơi” nhằm tháo gỡ những hạn chế về vật lý và các rào cản khác của đảo Phú Lâm cho doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Nhờ chính sách này mà các công ty dù hoạt động bên ngoài Tam Sa nhưng lại đóng vai trò là sự hiện diện về hành chính của Trung Quốc trên Biển Đông, ngoài việc vẫn có thể đóng góp tài chính cho sự phát triển của thành phố, với hơn 100 triệu đô la tiền thuế vào năm 2015.
Theo AMTI, nhiều công ty còn hợp tác xây dựng, cung cấp cơ sở hạ tầng, thông tin và kể cả quân sự, an ninh, hàng hải cho thành phố. Một số công ty đã giúp nhà quản lý lắp đặt hệ thống 4G và 5G, đặt cáp quang dưới biển hay phối hợp với ngư dân địa phương để phát triển nghề nuôi cá lồng biển sâu để khuyến khích họ chuyển đổi khỏi nghề đánh bắt truyền thống và thiết lập nơi cư trú bình thường trong thành phố.
Hồi tháng 4, Trung Quốc công khai thông báo thành lập “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” tại thành phố Tam Sa để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vào thời điểm đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng lên tiếng phản đối và “yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, huỷ bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai”. Tuy nhiên, tin cho hay Bắc Kinh vẫn tiếp tục các hoạt động quyết đoán nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền trên Biển Đông trong thời gian gần đây.
Hôm 26/8, Bộ Thương mại Hoa Kỳ bổ sung 24 công ty của Trung Quốc vào một danh sách đen có tên “Danh sách thực thể” vì “vai trò của họ trong việc giúp quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo bị quốc tế lên án ở Biển Đông”. Cùng lúc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng công bố các hạn chế thị thực đối với các cá nhân Trung Quốc liên quan đến việc khai hoang, xây dựng, quân sự hóa và cưỡng chế ở Biển Đông.
Tin cho hay, ngoài các chính sách khuyến khích dành cho doanh nghiệp, cư dân ở Tam Sa cũng được giới hữu trách tạo điều kiện, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tài chính, với các khoản vay ưu đãi để cải thiện chất lượng cuộc sống.