Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hôm 28/9 lên tiếng về “diễn biến phức tạp ở Biển Đông” cũng như việc “vi phạm” các vùng biển của Việt Nam, nhưng không nêu cụ thể Trung Quốc.
“Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) – ‘Hiến chương của Biển và Đại dương’”, ông Minh nói.
Quan chức ngoại giao cấp cao của Việt Nam nói thêm rằng Biển Đông “có ý nghĩa chiến lược đối với hòa bình, an ninh và phát triển ở châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới” và “các quốc gia liên quan đã có nhiều nỗ lực, đạt được những kết quả tích cực về giải quyết bất đồng, tranh chấp”.
“Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã nhiều lần nêu rõ sự lo ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, trong đó có việc vi phạm các quyền chủ quyền, quyền tài phán tại các vùng biển của Việt Nam được xác định theo UNCLOS 1982”, ông Minh nói trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.
Dù không trực tiếp nêu tên Trung Quốc, nhưng khi nhà ngoại giao Việt Nam nói tới “các diễn biến phức tạp” này, theo đoạn video đăng trên trang web của Liên Hợp Quốc, máy quay lia tới khu vực ngồi có biển ghi tên của phái đoàn Trung Quốc, nơi một đại diện đang ngồi nghe, chăm chú nhìn xuống màn hình trước mặt.
XEM THÊM: Việt Nam nêu vụ Bãi Tư Chính trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc?“Các bên liên quan cần kiềm chế và tránh có những hành động đơn phương làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng, và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982”, ông Minh nói.
Quan chức cấp cao của Việt Nam lên tiếng trước cuộc họp của tổ chức lớn nhất thế giới trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Biển Đông nhiều tháng qua vì vụ “đối đầu” của tàu hải cảnh hai nước láng giềng phương bắc ở Bãi Tư Chính, cũng như việc tàu thăm dò Hải Dương 8 của Trung Quốc đi vào lãnh hải mà Hà Nội nói là Vùng Đặc quyền Kinh tế của mình.
Trong bài phát biểu dài gần 16 phút, ông Minh nói rằng “Việt Nam hoan nghênh tất cả các nỗ lực đối thoại, giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình ở các khu vực” và rằng “hợp tác đa phương có vị trí đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Việt Nam”.
“Việt Nam cho rằng tôn trọng luật pháp quốc tế là cách thức hữu hiệu nhằm ngăn ngừa xung đột cũng như tìm kiếm những giải pháp lâu bền cho tranh chấp, xung đột. Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực thực hiện các biện pháp hoà bình giải quyết tranh chấp theo Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, từ thương lượng, hoà giải tới việc sử dụng các cơ chế pháp lý quốc tế”, ông Minh nói.
Nhiều học giả và các nhà hoạt động Việt Nam lâu nay đã kêu gọi Hà Nội theo chân Philippines, kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Liên Hợp Quốc, nhưng Hà Nội chưa đưa ra các quan điểm cụ thể về khả năng này.