Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 1/9 đã lên tiếng về việc “Trung Quốc chính thức thi hành Luật An toàn giao thông trên biển (sửa đổi)”.
Bà Hằng nói trong thông cáo đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao rằng “các quốc gia cần tuân thủ nghiêm túc các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)” và nói thêm rằng đây là “khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương, khi ban hành các văn bản nội luật liên quan đến biển”.
Nữ phát ngôn viên được trích lời nói thêm: “Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để thực thi, bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của mình được xác định theo đúng quy định của UNCLOS”.
South China Morning Post dẫn lời Cơ quan An toàn Hàng hải Trung Quốc nói rằng theo điều luật có hiệu lực vào ngày 1/9, các tàu bè nước ngoài tiến vào nơi Bắc Kinh coi là vùng lãnh hải của mình "phải thông báo thông tin tàu và hàng hóa cho các cơ quan hàng hải của Trung Quốc”.
Tờ báo có trụ sở ở Hong Kong nhận định rằng Luật An toàn giao thông trên biển của Trung Quốc nhằm mục đích “củng cố tuyên bố chủ quyền của nước này đối với các vùng biển tranh chấp, trong đó có Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông)”.
Một ngày sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng lên tiếng về điều luật gây tranh cãi mà tới ngày 2/9 VOA tiếng Việt chưa thấy phản ứng của Bắc Kinh, tin cho hay, các lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình, đã gửi điện mừng tới các quan chức Việt Nam nhân 76 năm ngày quốc khánh.
Điện mừng có đoạn nói rằng Bắc Kinh “coi trọng cao độ sự phát triển của quan hệ Trung - Việt, sẵn sàng cùng Việt Nam thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước”, theo Bộ Ngoại giao Việt Nam.