Ngân hàng Thế giới (World Bank) mới lên tiếng cho rằng Việt Nam “vẫn chưa hoàn toàn miễn dịch với các cú sốc” ở bên ngoài lãnh thổ, dù “khẳng định khả năng chống chịu của nền kinh tế”.
Tổ chức tài chính quốc tế này nói thêm rằng “các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng” và trong những năm tới, dự báo GDP của Việt Nam “tăng trưởng quanh mức 6,5%”.
Tuy nhiên, theo World Bank, Việt Nam “vẫn chưa hoàn toàn miễn dịch với các cú sốc bên ngoài, với minh chứng là tăng trưởng xuất khẩu giảm từ 21% xuống còn 8% từ năm 2017 đến năm 2019”.
“Tăng trưởng xuất khẩu còn giảm rõ rệt hơn nếu nhìn vào các thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ, chỉ tăng được 3,6% trong 11 tháng đầu năm 2019. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các cơ sở sản xuất kinh doanh mới cũng tăng chậm lại 30% so với hai năm trước đó, kể cả sau khi đã tính đến sự tăng trưởng trong đầu tư qua kênh mua bán sáp nhập”, Ngân hàng Thế giới nói trong báo cáo có tên gọi “Điểm lại”, công bố hôm 17/12.
XEM THÊM: Việt Nam phản bác Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm xuống mức ‘tiêu cực’Tổ chức này nói rằng trong năm 2019, Việt Nam đã đạt “những kết quả ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chững lại” với “tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,8%, nợ công giảm gần 8 điểm % GDP so với năm 2016”.
“Tăng trưởng GDP được duy trì nhờ vào khu vực kinh tế đối ngoại vững mạnh, với xuất khẩu dự kiến tăng 8% trong năm 2019 - cao hơn gần 4 lần so với bình quân trên thế giới. Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, bình quân dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết gần 3 tỷ USD mỗi tháng”, phúc trình của World Bank có đoạn.
“Bên cạnh đó, tiêu dùng cá nhân của các hộ gia đình là một yếu tố ngày càng quan trọng đóng góp cho tăng trưởng GDP, khi tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh và mức lương tăng lên. Đầu tư của các doanh nghiệp ở khu vực tư nhân cũng tăng ở mức 17% so với cùng thời kỳ”.
Ngân hàng Thế giới nói rằng trước những rủi ro bên ngoài nêu trên cũng như nhằm mang đến động lực tăng trưởng bổ sung cho nền kinh tế, Việt Nam “cần ưu tiên phát triển khu vực tư nhân vững mạnh và năng động”.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, được dẫn lời nói trong một thông cáo rằng “xử lý những hạn chế về huy động tài chính cho doanh nghiệp cần nhận được sự quan tâm cao nhất của các nhà hoạch định chính sách nếu Việt Nam muốn tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bao trùm hướng tới trở thành quốc gia thu nhập cao trong những thập kỷ tới”.