Thấy chết không cứu, chỉ có ở Trung Quốc?

Bé Vương Duyệt Duyệt 2 tuổi bị xe tải cán, và sau đó người qua đường để mặc em nằm chảy máu ở trên đường cho tới khi bé lại bị xe cán một lần nữa

Một tai nạn thương tâm đang khuấy động sự chú ý của quốc tế về lương tâm, đạo đức của người dân trong xã hội Trung Quốc. Một em bé 2 tuổi bị xe tải cán qua người, nằm sóng soài giữa đường chờ chết trước sự thờ ơ của mọi người xung quanh. Sự việc xảy ra ở một ngôi chợ nhỏ tại thành phố Phật Sơn thuộc tỉnh Quảng Đông. Đoạn video do máy camera an ninh địa phương ghi hình được cho thấy lần lượt gần 20 người đi bộ và đi xe đạp ngang qua cô bé không một ai dừng lại giúp em, gọi cấp cứu hay công an, hoặc ít nhất là bế em vào vệ đường, để rồi em bị một chiếc xe tải thứ hai cán tiếp. Đoạn video này được chiếu lên truyền hình Trung Quốc và lan truyền rộng rãi trên kênh Youtube, khiến người ta phẫn nộ và bàng hoàng trước sự vô cảm và thiếu tình người trong xã hội Trung Quốc ngày nay. Người trẻ Việt Nam suy nghĩ gì về câu chuyện này? Đó cũng là chủ đề cuộc trao đổi với 4 bạn trẻ trên Tạp chí Thanh Niên hôm nay là Lê Tân, Hoàng, Tú, và Quốc Bình từ Sài Gòn.

Trà Mi: Cảm nghĩ của các bạn thế nào sau khi xem đoạn video về vụ tai nạn của em bé 2 tuổi ở Trung Quốc?

Bình: Đó là một sự vô cảm đáng sợ của một bộ phận người dân Trung Quốc. Họ thấy chết cũng mặc kệ cho dù là một em bé. Cái gì không có lợi cho bản họ, họ không làm

Tân: Khi xem đoạn video đó, mình rất kinh hoàng và kinh ngạc trước sự thờ ơ, bàng quan của người đi đường. Thật đáng để suy nghĩ về xã hội ở Trung Quốc.

Trà Mi: Hoàng và Tú, ấn tượng của các bạn thế nào khi xem đoạn video này?

Tú: Em bé đã nằm dưới bánh xe rồi mà tài xế vẫn cố tình cán qua một lần nữa rồi bỏ chạy. Xem tới cảnh đó, em rất bất bình và thất vọng. Những người chứng kiến thật sự họ quá nhẫn tâm.

Hoàng: Khác với các bạn, mình không đến nỗi shock như vậy vì trước đây mình đã từng xem qua một video clip ở Trung Quốc chiếu cảnh một em bé bị những người lớn xung quanh đánh đập thậm tệ vì đã ăn cắp một ổ bánh mì nhỏ. Còn người qua đường cũng không can thiệp gì cả. Từ lúc đó, Hoàng đã có ấn tượng là bây giờ đạo đức của người Trung Quốc đã xuống mức quá bại hoại rồi.

Trà Mi: Các bạn chia sẻ những cảm xúc căm phẫn, kinh hoàng, bức xúc khi xem đoạn video thương tâm về tai nạn của em bé 2 tuổi này. Nhưng các bạn có nghĩ rằng tất cả chỉ là một sự vô tình? Có thể người tài xế, vì ngồi trên xe cao, khi cán trúng em không biết là cán cái gì, nên lăn bánh đi tiếp chăng? Những người qua đường có thể do vô tình không nhìn xuống đất nên không thấy em bé chăng? Các bạn có mảy may cho rằng tất cả mọi việc xuất phát từ sự vô tình chứ không phải là cố ý hay không?

Tân: Mình nghĩ khác. Có thể một hay hai người không để ý tới, nhưng đây thì gần 20 người tất cả đều làm lơ. Chỉ có người nhặt rác, dù giai cấp rất thấp nhưng có đạo đức, nên đã cứu đứa bé. Không phải họ không để ý, nhưng xã hội đã định hình trong đầu họ rằng khi xảy ra tai nạn, tốt nhất đừng quan tâm để tránh phiền phức.

Trà Mi: Ý kiến của Tân, các bạn có chia sẻ không? Có bạn nào phản đối hay muốn bổ sung thêm?

Bình: Không thể nào là do vô tình, mà do ý thức của họ rằng không nên xen vào chuyện khác không liên quan tới mình.

Trà Mi: Những yếu tố nào khiến các bạn cho rằng đây không phải là sự vô tình?

Bình: Một đứa bé cho dù nhỏ 2 tuổi, nhưng em nằm giữa thanh thiên bạch nhật như thế, đi ngang chỉ cần liếc mắt là thấy rồi. Mà em bé đang nằm giữa vũng máu như vậy không thể nào không biết là em đang bị tai nạn. Ít ra em bé cũng phải khóc thét lên một chút, phải có chút âm thanh từ em bé, nhưng người ta vẫn đi qua làm như không thấy gì. Thường theo tâm lý bầy đàn, hễ một người không thấy thì mười người cũng không thấy, một người bu lại thì nhiều người bu lại.

Lưu ý: Video có những hình ảnh có thể không thích hợp với một số khán giả

http://www.youtube.com/embed/UqVYUzHc5L8

Tú: Em đã xem video này nhiều lần. Những người trong clip này hoàn toàn không phải do vô tình. Khi em bé bị xe tông đập đầu xuống đường, máu chảy ra rất nhiều, em không phải nằm trong bụi rậm hay trên lề đường hoặc nơi khuất tầm nhìn. Em nằm chính giữa đường đi thì không lý nào những người đi qua không thấy được.

Trà Mi: Cảm ơn Tú đã chia sẻ những chi tiết cụ thể mà bạn đã đủ can đảm để xem kỹ. Chính bản thân mình chỉ xem được vài giây đầu đã không chịu nổi. Thú thật mình chưa coi hết đoạn video đó và tới giờ này khi nói chuyện với các bạn ở đây mình vẫn còn bị đau đầu vì vài giây đầu tiên của đoạn phim đó. Theo các bạn, nguyên nhân nào dẫn tới sự thờ ơ tập thể như vậy trước một mạng người bé bỏng đang cần cứu giúp?

Bình: Nguyên nhân chính là do pháp luật và cách định hướng giáo dục của xã hội Trung Quốc hiện nay làm cho người ta bàng quan trước mọi việc và sợ ảnh hưởng tới bản thân. Tôi nghe trước đây ở Trung Quốc có một ông cứu người bị nạn và sau đó bị đi tù vì ông ta giải quyết vụ tai nạn đó không đúng trình tự. Chưa một xã hội nào bắt người ta đi tù vì lòng tốt, giúp người mà bị ở tù như vậy. Có lẽ những người trong đoạn video vì tâm lý e sợ pháp luật nên đã làm ngơ. Pháp luật đã góp phần tạo cho người ta sự vô cảm. Pháp luật của Trung Quốc không phải là giáo dục, mà là làm cho người ta sợ, tương tự như ở Việt Nam vậy. Trong lòng họ có lẽ cũng thấy tội, nhưng thôi kệ vì nhiều khi giang tay cứu bị liên lụy thì sao. Họ sợ biết đâu khi vào bệnh viện mà em bé này không có người thân thì họ phải bỏ của cải, tiền bạc ra lo cho em thì sao. Những toan tính đó lấn át một chút nhân tính còn lại trong họ, dẫn tới sự vô cảm đáng sợ của người Trung Quốc hiện nay. Việt Nam cũng gần giống như vậy. Ví dụ khi thấy các vụ đâm chém nhau giữa đường, nhiều người cũng thờ ơ, không bao giờ ngó ngàng hoặc giúp đỡ người bị nạn.

Trà Mi: Trong những hoàn cảnh người lớn xung đột, va chạm với nhau, nếu không cứu người, cũng có thể thông cảm được vì sự nguy hiểm, không dám liên can, còn đây...

Bình: Đúng đúng, tôi đồng ý. Còn trường hợp đối với đứa bé 2 tuổi này, thật sự hết nói nổi. Con người khác với con vật ở lòng nhân. Ở đây, họ đã mất hết tính người rồi. Những người đi rất gần với vị trí em đang nằm mà không cứu. Thậm chí người đầu tiên đi qua còn lách qua né.

Trà Mi: Anh Bình cho rằng nguyên nhân sâu xa của thực tế đau lòng này xuất phát từ nền tảng giáo dục và nền luật pháp răn đe người ta quá mức. Các bạn khác có ý kiến nào khác không?

Tân: Sau một thời gian thống trị, chính quyền Trung Quốc tạo một nền tảng áp bức, khiến người ta ai nấy chỉ lo thủ thân, sợ liên lụy. Điều này mình thấy cũng tương tự như ở Việt Nam, người dân rất thờ ơ với xã hội, với trách nhiệm. Gặp vấn đề gì họ cũng sợ bị liên lụy bản thân. Câu chuyện ở Trung Quốc cũng là tấm gương để người Việt Nam nhìn vào đánh giá xem xã hội sẽ đi xuống tới mức nào nếu nền giáo dục và pháp luật sai hướng như thế.

Trà Mi: Với những nền văn hóa Á Đông, đặc biệt là Trung Quốc hay Việt Nam, tôn trọng đạo lý con người, đề cao Khổng Tử, ‘Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín’, lấy chữ ‘Nhân’ làm đầu, mà ngày nay lại nhìn thấy những cảnh tượng như thế nào, các bạn có thắc mắc không?

Bình: ‘Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín’ là thời phong kiến. Còn thời hội nhập này, xã hội và con người Trung Quốc bị đắm chìm trong sự giả dối và vô đạo đức một cách đáng sợ. Người ta nói ‘Ác nhất là Tàu’. Ngày xưa, cứu người là chuyện bình thường. Ở xã hội Trung Quốc ngày nay, cứu một em bé 2 tuổi giống như một chuyện khác thường, và người ta không muốn làm điều khác thường đó.

Trà Mi: Một người trẻ như Bình có những suy nghĩ, bình luận, và nhận xét về người Trung Quốc như thế, các bạn có đồng ý không? Có quá đáng không khi mình nhận xét tổng thể như vậy về một đất nước, một dân tộc? Liệu mình có ‘quơ đũa cả nắm’ chăng?

: Như Hong Kong, Singapore, các quốc gia có người gốc Hoa chiếm đa số, văn hóa và đạo đức của họ đâu tới nỗi như ở Trung Quốc đâu? Tại sao riêng trong lục địa Trung Quốc, vấn đề đạo đức người dân lại xuống cấp như vậy? Chính là do chính quyền Trung Quốc đã thay đổi nền giáo dục của nước này rất nhiều so với trước đây. Khi họ lên nắm quyền, họ tuyên truyền chủ nghĩa vô thần, không tôn thờ ai hết. Một yếu tố nữa làm biến chất đạo đức của người dân là các cuộc ‘cải cách văn hóa’, các cuộc đấu tố, khuyến khích người dân làm những việc bất nhân, thất đức, như con cái đi đấu tố cha mẹ. Các chiến dịch ‘Tam Phản’, ‘Ngũ Phản’, các phong trào như ‘Trăm hoa đua nở’, hễ người nào lên tiếng nêu ý kiến trái chiều với đảng cộng sản Trung Quốc đều bị những hình phạt rất tàn khốc. Qua những cuộc cải cách như vậy, chính quyền đã làm cho người dân từ lo sợ tới nghi ngờ và vô cảm trước sự đau khổ của người khác.

Trà Mi: Bình cho rằng nền tảng giáo dục và luật pháp khiến người ta vô cảm. Tú bổ sung rằng nền tảng giáo dục đó bị thay đổi do chế độ cai trị. Họ thay đổi mọi thứ tận gốc rễ tới nỗi những đạo đức căn bản của con người cũng bị thay đổi như thế. Hoàng và Tân có ý kiến nào khác muốn góp tiếng?

Hoàng: Bây giờ người Trung Quốc rất đông, tới 1,3 tỷ. Mình không thể nói tất cả đều trở nên ‘kinh hoàng’ như trong video clip đó được. Chế độ cầm quyền quyết định chế độ xã hội và chế độ giáo dục. Chế độ cầm quyền đã chà đạp, đạp đổ tín ngưỡng và các tiêu chuẩn đạo đức, tức đức tin vào ‘Thiện hữu, thiện báo-Ác hữu, ác báo’.

Trà Mi: Bạn cho rằng nguyên do sâu xa là do chế độ cai trị thay đổi đạo đức, suy nghĩ, và những giá trị cơ bản nhất của con người. Chế độ Trung Quốc mình đang nói tới là chế độ cộng sản. Những chế độ cộng sản ở những nơi khác, chẳng hạn như Việt Nam, có những ảnh hưởng tương tự như vậy không? Người Việt Nam có chịu những ảnh hưởng tương tự?

Bình: Tôi thấy cũng vậy. Thể chế chính trị của mình cứ nhìn Trung Quốc để noi theo, sai hay đúng cũng theo, để bảo vệ lợi ích của một nhóm thiểu số trong 80 triệu người. Chỉ có điều là người dân mình, dù sợ, không dám nói về chính trị, nhưng vẫn cố giữ ‘Nhân-Lễ-Nghĩa-Trí-Tín’. Chứ còn nói chung chế độ cộng sản, dù ở Việt Nam hay Trung Quốc, không có một chế độ nào hướng con người tới cái tốt cả. Chế độ ở Việt Nam cũng không làm gì cho dân cả. Qua bao thời kỳ cải cách, mà ‘Cải cách ruộng đất’ là một ví dụ, chỉ toàn là giết dân thôi. Tôi cảm thấy thế hệ 8X, 9X cũng bắt đầu có thái độ thờ ơ như ở Trung Quốc, nhưng chưa tới nỗi vô đạo đức một cách tàn nhẫn như ở Trung Quốc mà thôi. Chế độ ở Việt Nam và Trung Quốc là những chế độ cai trị quá sức chịu đựng của người dân, chỉ làm người ta sợ, chứ không giáo dục người ta cái thiện. Vì sợ, đôi lúc người ta không dám làm những chuyện họ cho là đúng, vì pháp luật, chế độ bảo là sai.

Trà Mi: Các bạn khác có đồng ý với nhận xét của Bình rằng giới trẻ Việt Nam ngày nay cũng đang nhen nhúm một nền văn hóa thờ ơ tương tự như ở Trung Quốc?

Tân: Xã hội Việt Nam và Trung Quốc tương đồng nhau. Từ nền văn hóa đến chế độ chính trị, ý thức hệ giống nhau, nên không khác Trung Quốc, nhưng ‘đi sau’. Việt Nam mình 15, 20 năm nữa chắc có lẽ cũng không khác Trung Quốc đâu. Cùng một công thức chỉ ra một kết quả thôi, không thể nào khác được.

Trà Mi: Vậy người trẻ cần làm gì để ngăn chặn những thảm trạng, những vấn đề nhức nhối trong xã hội như thế?

Tân: Chúng ta cần thay đổi cho xã hội tự do hơn, biết quý trọng các giá trị văn hóa, đạo đức, tôn giáo. Tự do về tôn giáo, tín ngưỡng, không bị cưỡng ép như hiện nay thì thuần phong mỹ tục của Việt Nam sẽ không bị tha hóa.

Trà Mi: Để có được những yếu tố như Tân nói, người trẻ có thể đóng góp thế nào?

Bình: Người trẻ bây giờ cần quan tâm hơn đến chính trị. Không sợ. Người trẻ Việt Nam bây giờ nghe tới chính trị, sợ lắm. Họ cứ nghĩ thôi kệ, việc đó để nhà nước lo, đụng tới chính trị là chết, là bị bắt. Đó là sai. Mình phải hiểu biết về một chế độ chính trị. Nên can đảm nhìn nhận chế độ chính trị của mình tốt hay xấu, đúng hay sai, để phát triển đi lên. Họ nói XHCN là vô sản. Tôi thấy giai cấp công nhân ở Việt Nam đi làm đầu tắt mặt tối, còn giới lãnh đạo vừa có quyền lực, vừa có tiền. Từ đó, người ta bao che tất cả. Họ phủ cả cái bóng lên bầu trời, mà mọi người lại sợ. Tôi nghĩ cần can đảm quan tâm hơn đến chính trị. Từ đó mới thay đổi được giáo dục và nhận thức của con người.

Trà Mi: Các bạn nhận xét là thể chế chính trị có ảnh hưởng rất mạnh, có thể thay đổi được xã hội, nếp sống, nếp nghĩ của con người. Nhưng ngược lại, nếp nghĩ, nếp sống của xã hội có thể thay đổi được thể chế chính trị hay không?

Tân: Điều đó hoàn toàn có thể. Xuất phát từ nhu cầu cuộc sống, khi người ta bị ràng buộc bởi nền tảng chính trị, người ta sẽ phát sinh nhu cầu cần phải thay đổi. Một phần trong xã hội Việt Nam cũng không hài lòng với thể chế chính trị hiện nay, nhưng chưa tới thời điểm chín mùi nên chưa thay đổi được thôi. Hiện nay có nhiều phương pháp để phát triển xã hội. Chẳng hạn như internet cũng góp phần rất lớn để người dân mở mang tầm mắt. Khi xã hội biến chuyển sẽ thay đổi được thể chế chính trị thôi. Vấn đề là mỗi người dân chúng ta phải biết tự thay đổi bản thân mình trước để góp phần nhỏ thay đổi đất nước này.

Trà Mi: Mỗi người tự thay đổi mình trước, theo ý Tân, thay đổi thế nào và bằng cách nào?

Tân: Có nhiều cách, nhưng mỗi người nên tự trang bị cho mình một kiến thức chung, nhận thức chung về cuộc sống.

Trà Mi: Trở lại với câu chuyện thương tâm của em bé 2 tuổi ở Trung Quốc. Đây là tiếng chuông cảnh tỉnh báo động đối với nền văn hóa và nếp sống-nếp nghĩ của xã hội Trung Quốc. Đối với người trẻ Việt Nam, câu chuyện này có ý nghĩa thế nào?

Hoàng: Sau khi xem đoạn phim đó, mình nhận xét ‘Thượng bất chính, hạ tắc loạn’, tức chế độ cầm quyền bất chính, thiên hạ đại loạn.

Trà Mi: Một thông điệp chia sẻ với người trẻ Việt Nam từ đoạn video này, bạn sẽ nói gì?

Hoàng: Video clip này giống như một hồi chuông cảnh báo, đã đến lúc người dân Trung Quốc phải nhìn vào tình trạng đạo đức chung của xã hội, vào nguyên nhân thâm sâu, cái gì và những ai đang nuôi dưỡng, dung dưỡng cho thói vô đạo đức, ích kỷ, sợ hãi, và bất lực đang tồn tại trong xã hội Trung Quốc. Đó cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho người Việt Nam. Chúng ta cũng nên suy nghĩ đến các vấn đề đó.

Trà Mi: Cảm ơn các bạn đã tham gia chương trình. Mời quý vị và các bạn chia sẻ ý kiến và bình luận với độc giả khắp nơi về câu chuyện này trong mục Tạp chí Thanh Niên trên trang www.voatiengviet.com. Tạp chí Thanh Niên nằm trong phần ‘Chuyên mục đặc biệt’ giữa trang chính. Xin quý vị bấm 2 lần vào mũi tên bên phải của 3 khung hình ở giữa trang.

Tạp chí Thanh Niên xin hẹn mang đến quý vị và các bạn một câu chuyện mới, vào giờ này, tuần sau.