Giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam vừa gửi điện mừng tới Đại hội thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói rằng Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng “gần gũi”, tin tưởng rằng đất nước phương bắc này sẽ “hoàn thành xây dựng cường quốc xã hội chủ nghĩa” vào giữa thế kỷ 21 và rằng Hà Nội nguyện “trước sau như một coi trọng” mối quan hệ với Bắc Kinh.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là sự kiện chính trị quan trọng nhất của đất nước có hơn 1,4 tỷ dân, sẽ kéo dài một tuần sau khi khai mạc hôm 16/10 tại Bắc Kinh. Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong số ít ỏi các đảng cộng sản hiếm hoi còn lại trên thế giới đã gửi điện mừng đến Trung Quốc, bên cạnh Đảng Lao động Triều Tiên, Đảng Cộng sản Cuba, và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.
“Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi”, bức điện của Ban chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam viết. “Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự giúp đỡ to lớn, quý báu của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc trong công cuộc đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước ngày nay”.
Đảng Cộng sản Việt Nam tin tưởng chắc chắn rằng Đại hội Đảng lần thứ 20 của Trung Quốc sẽ đề ra “hàng loạt phương châm và đường lối quan trọng”, nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2035 cơ bản thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, đến giữa thế kỷ này hoành thành xây dựng “cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp”, Tân Hoa Xã dẫn bức điện của giới lãnh đạo đảng của Việt Nam cho biết hôm 17/10.
Giới lãnh đạo Việt Nam cũng theo đuổi mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng nhắm đến kết quả ít tham vọng hơn. Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội 13 vào tháng 1/2021 rằng Việt Nam phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, “trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.”
“Chúng tôi trước sau như một coi trọng và sẵn sàng cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc nỗ lực không ngừng củng cố và thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc bước vào giai đoạn phát triển mới, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới”, nhật báo Nhân dân, cơ quan phát ngôn của Đảng Cộng sản Việt Nam, trích bức điện, viết.
Điện mừng của Đảng Lao động Triều Tiên ca ngợi những thành tựu của Trung Quốc, cho rằng nhân dân Trung Quốc, “những người ủng hộ ĐCSTQ, không thể bị kìm hãm” khi họ tiến lên trên con đường xã hội chủ nghĩa với đặc điểm Trung Hoa cho một kỷ nguyên mới, do Tư tưởng Tập Cận Bình chỉ đạo, Tân Hoa Xã cho biết.
Trong khi đó, giới lãnh đạo Cuba khen ngợi rằng ĐCSTQ đã đưa Trung Quốc trở thành nước đi đầu trong “đổi mới toàn cầu” và ca ngợi Trung Quốc đã đề xuất Sáng kiến Vành đai và Con đường, Sáng kiến Phát triển Toàn cầu và Sáng kiến An ninh Toàn cầu.
Tại phiên khai mạc hôm 16/10, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trình bày báo cáo chính trị, nêu rõ kể từ nay, nhiệm vụ trung tâm của ĐCSTQ là đoàn kết, dẫn dắt nhân dân các dân tộc toàn quốc “hoàn thành xây dựng cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại toàn diện”, thực hiện mục tiêu phấn đấu 100 năm thứ hai, thúc đẩy toàn diện sự nghiệp phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa bằng hiện đại hóa kiểu Trung Quốc.
Báo cáo của ông Tập nêu rằng Trung Quốc sẽ “kiên trì” định hướng cải cách thị trường kinh tế theo chủ nghĩa xã hội, “kiên định” củng cố và phát triển kinh tế theo chế độ công hữu, bên cạnh việc khuyến khích, hỗ trợ và hướng dẫn sự phát triển của kinh tế phi công hữu, phát huy “đầy đủ vai trò mang tính quyết định” của thị trường trong việc phân phối nguồn lực, phát huy tốt hơn vai trò của chính phủ.
Trong thời gian qua, Việt Nam và Trung Quốc nhất trí chuẩn bị cho các chuyến thăm cấp cao ngay sau Đại hội 20 của ĐCSTQ, với việc Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường mời Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính sang thăm Bắc Kinh. Lời mời này được ông Cường đưa ra khi điện đàm với ông Chính hôm 19/9.