Nằm trong nhóm 10 nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, Thái Lan bị thu hút bởi thị trường đông dân với tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao trước viễn cảnh của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và các hiệp ước thương mại.
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho đến cuối năm ngoái cho thấy hơn 16 nước đã đầu tư hơn 242 tỉ đôla vào Việt Nam. Thái Lan đứng thứ 10 trên danh sách các nước đầu tư vào Việt Nam, với 6,6 tỉ đôla. Con số này kém xa các nhà đầu tư Singapore, với 31 tỉ đôla, và Malaysia 10,7 tỉ đôla – hai nước thành viên ASEAN khác nằm trong nhóm 10 nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu ở Việt Nam.
Trong ngày hôm nay, hãng sản xuất TV lớn thứ nhì thế giới là LG Electronics của Nam Triều Tiên, vừa loan báo sẽ chuyển mảng sản xuất TV từ Thái Lan sang Việt Nam với mục tiêu nâng cao hiệu quả và tiết kiệm chi phí.
Hãng thông tấn Reuters hôm nay loan tin rằng Giám đốc Thương vụ LG Electronics ở Thái Lan, ông Nipon Wongsaengarunsri cho biết họ muốn duy trì một cơ sở trong khu vực mà thôi, với các máy móc, thiết bị sản xuất TV tương hợp với các nhà máy ở Nam Triều Tiên.
Ông Nipon nói: "Công ty mẹ của chúng tôi coi Việt Nam là quốc gia đáng giá nhất để đầu tư. Lương nhân công là một yếu tố. Nhưng cái chính là đảm bảo chất lượng, cũng như công tác hậu cần."
Theo nhà quản lý này, LG hiện sản xuất khoảng 600.000 TV mỗi năm tại Thái Lan, trị giá khoảng gần 250 triệu đôla, với phần lớn vật liệu nhập từ Trung Quốc. Trong số này, khảng 100.000 chiếc dành cho xuất khẩu.
Một người phát ngôn của LG Electronics tại Nam Triều Tiên cho biết việc chuyển giao sẽ làm tăng hiệu suất trong lúc hãng đang nhập hai nhà máy tại đặt tại Hưng Yên và Hải Phòng lại làm một.
Việt Nam trông đợi sẽ thu hút mạnh đầu tư nước ngoài sau khi nước này thỏa mãn mọi điều kiện của AEC. Có nghĩa là khi đó Việt Nam sẽ bỏ thuế xuất nhập khẩu đối với hầu hết các loại hàng hóa trao đổi giữa Việt Nam và các nước thành viên của ASEAN, cũng như dỡ bỏ các hạn chế về số lượng và các rào cản phi thuế quan khác. Tính đến nay, 72% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tập trung vào lãnh vực sản xuất và chế biến.
Các nhà đầu tư nước ngoài lớn của châu Á tại Việt Nam dẫn đầu là Nhật Bản, tiếp đến là Nam Triều Tiên và Singapore.
Nhật báo The Nation của Thái Lan trích lời ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Giám đốc chi nhánh Việt Nam và Campuchia của công ty KPMG, mới đây nói rằng Việt Nam có thể là một điểm thu hút đầu tư mới trong các lãnh vực như thực phẩm, bán lẻ, hàng tiêu dùng giá trị cao, và nhà chung cư.
Ông Cleine nhận xét rằng dân số trẻ của Việt Nam rất sẵn sàng chi tiêu, nhu cầu về các loại hàng hóa có giá trị cao như TV, máy điều hòa, và xe máy cao, mức cầu về căn hộ cũng rất cao tại các thành phố lớn như Hà Nội, Sàigòn và Đà Nẵng. “Người tiêu dùng Việt Nam chuộng nhãn hiệu nước ngoài,” ông Cleine nói tiếp. “Phong cách Á châu đang tỏ ra thích hợp với thị trường Việt Nam. Do đó các nhà đầu tư trong khu vực ASEAN đang đứng trước một cơ hội rất lớn.”
Các dự án đầu tư lớn của Thái Lan tại Việt Nam cho đến nay gồm có trung tâm thương mại Robinson Department Store’s, khu công nghiệp do tập đoàn Amata Corp là chủ đầu tư, một trung tâm hóa dầu của tập đoàn Siam Cement Group. Hồi tháng 12 vừa qua, tập đoàn PTT cũng được cấp phép cho dự án xây dựng một nhà máy lọc và hóa dầu với công suất 20 triệu tấn một năm.
Việt Nam là một trong bốn nước ASEAN – ba nước kia là Brunei, Malaysia và Singapore - tham gia đàm phán về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái bình dương (TPP). Việt Nam cũng tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), tổ chức sẽ trở thành mạng lưới tự do thương mại giữa ASEAN và Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nam Triều Tiên và New Zealand.
Với triển vọng TPP và AEC sẽ được đúc kết trong năm nay, và có thể cả hiệp ước thương mại tự do với Liên hiệp Âu châu nữa, Việt Nam đang có cơ hội thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, không chỉ từ Thái Lan mà còn từ nhiều nhà đầu tư khác trên thế giới.
Nguồn: The Nation, Reuters, TBKTSG Online
Your browser doesn’t support HTML5