Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 23/5 tham gia trực tuyến lễ công bố khởi động thảo luận về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF) diễn ra tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản, nhấn mạnh chủ nghĩa đa phương và sự đoàn kết quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh “sự cần thiết phải điều chỉnh mô hình tăng trưởng, liên kết kinh tế theo hướng bền vững hơn, tự cường hơn, phát huy tối đa nội lực, kết hợp với tối ưu hóa ngoại lực; đề cao chủ nghĩa đa phương và tăng cường đoàn kết quốc tế trên nền tảng của sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm”, cổng thông tin Chính phủ dẫn lời ông Chính phát biểu vào chiều ngày 23/5.
Thủ tướng Chính khẳng định Việt Nam kiên định đường lối và đang đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Trong chuyến công đến Nhật hôm 23/5, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát động kế hoạch IPEF để Mỹ giao tiếp kinh tế ở châu Á.
Thông cáo của Nhà Trắng hôm 23/5 viết: “IPEF sẽ củng cố mối quan hệ của chúng ta trong khu vực quan trọng này để xác định những thập kỷ tới cho đổi mới công nghệ và nền kinh tế toàn cầu.”
Ngoài ra, IPEF “sẽ tạo ra một nền kinh tế mạnh mẽ hơn, công bằng hơn, linh hoạt hơn cho các gia đình, người lao động và doanh nghiệp ở Hoa Kỳ và trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương,” Nhà Trắng cho biết thêm.
Hiện có 13 nước tham gia khuôn khổ này, bao gồm Mỹ, Úc, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Các nước này sẽ tìm cách thực thi các thỏa thuận của mình và quyết định liệu có cho Trung Quốc gia nhập hay không.
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo cho báo giới biết IPEF giúp cho các nước châu Á “một giải pháp thay thế cách tiếp cận của Trung Quốc trong những vấn đề quan trọng.”
XEM THÊM: Mỹ công bố thoả thuận kinh tế IPEF, không có Trung Quốc
Được giới thiệu ngày 23/5, IPEF là một nỗ lực nhằm cứu vãn một phần lợi ích của việc tham gia vào một hiệp định thương mại rộng lớn hơn giống như hiệp định mà cựu Tổng thống Trump đã từ bỏ, hiện được gọi là Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà trước kia được biết đến dưới tên TPP.
Đối với Việt Nam, Australia và New Zealand, IPEF sẽ là khối thương mại lớn thứ ba của các nước này, ngoài CPTPP có Canada và 10 nước khác tham gia, và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có 15 quốc gia thành viên, do Trung Quốc khởi xướng.
Khác với các hiệp định thương mại truyền thống, những thành viên tham gia IPEF không phải đàm phán về thuế quan và tăng tiếp cận thị trường. Thay vào đó, khuôn khổ này nhằm tích hợp các đối tác thương mại vào những tiêu chuẩn đã được nhất trí trong 4 lĩnh vực chính: kinh tế số, chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng năng lượng sạch và các biện pháp chống tham nhũng.
“IPEF sẽ cho phép Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng tôi quyết định các quy tắc đảm bảo cho công nhân, doanh nghiệp nhỏ và chủ trang trại của Mỹ có thể cạnh tranh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, thông cáo của Nhà Trắng cho biết.
Nhận định về mức độ hưởng lợi của các nước thành viên IPEF, ông Ted Kemp của đài CNBC hôm 24/5 cho biết một số quốc gia phát triển hơn như Hàn Quốc, Japan, Singapore có thể thu được nhiều lợi ích hơn, nhưng những quốc gia khác đang phát triển như Indonesia, Việt Nam và Philippines có thể chưa thấy được lợi ích tức thời.