Thành tích nhân quyền của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực chủ yếu vẫn yếu kém, theo ‘Phúc trình về Tình hình Nhân quyền Toàn cầu năm 2015’ do Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch mới công bố.
Human Rights Watch nói Việt Nam vẫn tiếp tục kiểm soát chặt chẽ những người ủng hộ dân chủ, hay phê bình chính quyền trong năm 2014.
Giám đốc Ban Á châu của HRW Brad Adams nhận định: "Năm 2014 là một năm chính sách đàn áp tiếp diễn đối với giới hoạt động ở Việt Nam. Chính quyền Việt Nam nói với các nhà ngoại giao rằng họ bắt giữ ít người hơn, nhưng tới cuối năm, số người bị bắt ít nhiều vẫn tương đương với những năm trước, nhiều người vẫn bị bắt vì những lý do chính trị".
Ông nói thêm: "Thật là đáng thất vọng bởi vì nhà cầm quyền Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định sẽ cho phép quyền tự do ngôn luận, thế nhưng lại dùng các luật an ninh và các điều khoản tương tự để đàn áp các hoạt động chính trị và quyền tự do được phát biểu chính kiến."
Tổ chức bênh vực nhân quyền quốc tế nói Hà Nội trấn áp hầu hết mọi hình thức bất đồng chính kiến. Quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội và tụ họp ở nơi công cộng bị theo dõi chặt chẽ. Giới hoạt động tôn giáo, các blogger, những người bảo vệ nhân quyền, các nhà hoạt động bênh vực quyền người lao động và đất đai, cũng như các nhà vận động cho dân chủ bị sách nhiễu, đe dọa, hành hung và bắt bớ.
Ông Adams bày tỏ lo ngại về các trường hợp bạo hành và tử vong trong khi bị cảnh sát giam giữ: “Quốc hội Việt Nam đã có một phiên họp khác thường vào tháng 9 năm ngoái để thảo luận những vụ bạo hành, ngược đãi do cảnh sát gây ra. Chủ tịch quốc hội Việt Nam thừa nhận là có vấn đề, Bộ Công An thừa nhận có vấn đề, cho nên chúng tôi trông chờ dấu hiệu cho thấy những hành động ngược đãi dưới tay cảnh sát sẽ giảm bớt, rất tiếc là chưa thấy có thay đổi đáng kể nào về mặt cơ cấu để có thể xem xét tất cả các trường hợp tử vong xảy ra trong khi một số người đang bị câu lưu, vì có rất nhiều ca tử vong xảy ra trong khi họ đang bị cảnh sát câu lưu. Và ngoài ra, chúng ta còn phải chứng kiến một số vấn đề liên quan tới quyền đất đai và tự do tôn giáo.”
Một khuynh hướng đáng lo ngại là việc sử dụng côn đồ lạ mặt để tấn công những nhà hoạt động và bất đồng quan điểm với nhà nước.
'Chiến thuật mới'
Ông Adams cho biết trong năm qua, Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch đã nhận được nhiều báo cáo về các trường hợp bạo hành mà nạn nhân là những người hoạt động ôn hoà và cổ vũ cho dân chủ.
Ông nói: "Đó là một chiến thuật mới: sử dụng côn đồ, những người mặc thường phục để đi đánh người dân, trấn áp tinh thần họ. Đôi khi họ chỉ bị hù doạ, nhưng đôi khi có xảy ra bạo lực xâm phạm thân thể của họ. Chúng tôi đã thu thập chứng cớ về rất nhiều trường hợp".
Ông nói thêm: "Hình như sử dụng côn đồ để đánh người là một quyết định do một cấp hữu trách nào đó đưa ra để tìm cách bịt miệng dân, không cho họ khiếu nại về một vấn đề nào đó. Sự thể này rất đáng quan tâm, bởi vì chúng ta đang nói tới những nạn nhân như những nhà thơ, các bloggers, những người bất bạo động, đang đi trên đường thì bất thần một chiếc xe trờ tới, rồi những người mặc thường phục, hay côn đồ, túa ra bao vây, đe doạ, đánh đập họ."
Nhưng bất chấp những nguy hiểm đối với bản thân và gia đình, ngày càng có nhiều người trong nước lên tiếng công khai để khẳng định các quyền công dân của mình.
Ông Brad Adams nói: "Bất cứ người nào nói lên ý kiến trái chiều đều gặp nguy cơ. Lẽ ra tình trạng này không nên xảy ra. Nếu cá nhân tôi ra giữa đường ở thủ đô nước Mỹ này, phản đối Tổng Thống Obama hay bất cứ giới chức nào khác, thì chẳng có điều gì sẽ xảy đến cho tôi. Người dân Việt Nam phải được hưởng cái quyền đó".
Ông nói thêm: "Tôi nghĩ chính phủ Việt Nam đã thất bại trong cố gắng bịt miệng dân, bởi vì bất chấp hiểm nguy, ngày càng có nhiều người lên tiếng, nhiều người viết blog hơn, nhiều người hơn đứng ra ủng hộ những người bị bắt giữ, bị sách nhiễu. Tôi thực sự nghĩ sẽ có thay đổi căn bản ở Việt Nam. Những chế độ độc tài chính trị không còn có đất sống nữa."
Bản phúc trình toàn cầu năm 2015 dài 65 trang là phúc trình thứ 25 của HRW, tổng kết tình hình nhân quyền tại hơn 90 quốc gia. Phúc trình này nói trong năm 2014, chính quyền Việt Nam đã đưa ít nhất 29 nhà hoạt động và bất đồng chính kiến ra xét xử, kết án họ tổng cộng 129 năm tù giam.
Trong bức tranh u ám đó, Human Rights Watch nêu ra môt điểm sáng duy nhất, là việc Việt Nam thông qua Công ước Chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc (CUCTT) hồi tháng Mười Một năm 2014.
Your browser doesn’t support HTML5