Việt Nam siết chặt kiểm soát các xí nghiệp quốc doanh

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu Tư của Việt Nam Võ Hồng Phúc

Việt Nam đang siết chặt việc kiểm soát các xí nghiệp do nhà nước làm chủ. Đó là phát biểu của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu Tư Võ Hồng Phúc trong một buổi họp với Ngân hàng Thế giới hôm thứ Tư.

Tin của hãng thông tấn AFP thuật lại rằng ông Võ Hồng Phúc nói Việt Nam đang cải thiện các định chế để củng cố lĩnh vực quản trị công ty đối với các xí nghiệp quốc doanh, như một cách để đáp ứng các quan tâm của các bên cấp viện sau vụ tập đoàn Vinashin hầu như sắp đi đến chỗ vỡ nợ.

Các nhà đầu tư và giới phân tích lo sợ rằng vụ tai tiếng liên quan tới Vinashin, Tập đoàn Công nghiệp Đóng Tàu của Việt Nam, là một chỉ dấu của một vấn đề rộng lớn hơn có thể gây nhiều thiệt hại kinh tế.

Tin cho hay Vinashin đã yêu cầu hoãn thanh toán một ngân khoản 60 triệu đôla, đáo hạn vào ngày 20 tháng 12, là khoản thanh toán đầu tiên của một món nợ lên tới 600 triệu đôla do ngân hàng Credit Suisse dàn xếp hồi năm 2007.

Các nhà kinh tế nói không trả món nợ này sẽ nâng cao khoản phí Việt Nam phải trả để vay tiền trên các thị trường tài chính, dẫn đến việc hạ mức tín nhiệm tín dụng của các xí nghiệp do nhà nước Việt Nam sở hữu.

Trước đó, hãng tin tài chánh Bloomberg loan tin, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu Tư Việt Nam khẳng định rằng Vinashin sẽ phải tự thanh toán lấy món nợ 60 triệu đôla, giữa lúc chính quyền ra tay giúp công ty này hoạt động có lời trở lại, bằng cách tái cấu trúc các dự án của Vinashin.

Nói chuyện với các nhà báo tại Hà nội hôm 8 tháng 12, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói rằng Vinashin sẽ phải tự thanh toán lấy nợ.

Tuy vậy, Giám đốc của Ngân hàng Phát Triển Á Châu tại Hà Nội, ông Ayumi Konishi, nói rằng ông tin rằng chính phủ Việt Nam sẽ tìm cách để giúp đỡ Vinashin. Cùng lúc, Hà Nội muốn khẳng định rõ ràng rằng nợ nần là trách nhiệm của Vinashin, trong tư cách một công ty.

Hãng tin Reuters nói rằng hồi đầu năm nay chính phủ Việt Nam loan báo rằng Vinashin đã lâm vào tình trạng gần như phá sản với món nợ khổng lồ chồng chất lên tới 4 tỉ 4 đôla do phát triển quá nhanh và do tác động của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.

Nhà nước Việt Nam hạ lệnh phải tái tổ chức Vinashin, nêu lên những nghi vấn về khả năng trả nợ của công ty này.

Chưa gì, cơ quan Standard & Poor đã hạ mức tín nhiệm tín dụng của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam, tức Vinacomin từ BB xuống thành BB-.

Đơn cử trường hợp của Vinashin, cơ quan Standard & Poor nói rằng khó có hy vọng chính quyền Việt Nam sẽ ra tay hỗ trợ cho Vinacomin, trong trường hợp tập đoàn này lâm vào khó khăn tài chính.

Hầu hết phân nửa nền kinh tế chính thức của Việt Nam bao gồm các xí nghiệp quốc doanh. Đại sứ Liên hiệp Châu Âu Sean Doyle nói trước buổi họp rằng rất nhiều trong số các công ty quốc doanh hoạt động “không hiệu quả, tới mức có thể là những trở ngại kinh tế cho Việt Nam và cho lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam”.

Nguồn: AFP, Bloomberg, Reuters