Việt Nam phản đối việc bị xếp hạng chót về bảo vệ động vật hoang dã

  • Mariane Brown

Tại khu vực Đông Nam Á, việc mua bán các sản phẩm từ động vật hoang dã hằng năm trị giá khoảng 8 tỷ tới 10 tỷ đô la

Nhà chức trách Việt Nam phản đối một báo cáo vừa công bố hồi tuần trước xếp Việt Nam vào nhóm nước kém nhất trong số 23 nước trong lĩnh vực ngăn chặn hoạt động phạm pháp đối với động vật hoang dã. Thông tín viên Marianne Brown tường trình từ Hà Nội.

Việt Nam thuộc nhóm những nước bị xếp hạng thấp nhất trong số 23 nước về lĩnh vực chống các hoạt động phạm pháp đối với động vật hoang dã có liên quan đến 3 loài loài quan trọng. Quỹ Bảo tồn Động vật hoang dã Thế giới (WWF) có trụ sở ở Thụy Sĩ công bố bản báo cáo này hồi tuần trước.

Báo cáo xếp hạng các nước ở châu Phi và châu Á đang phải đối mặt với nạn săn trộm và buôn bán tê giác, cọp và các bộ phận của voi ở mức độ cao. Bản báo cáo chấm điểm công tác chống nạn buôn bán động vật hoang dã của những nước này theo Công ước về hoạt động buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng, được gọi là Công ước CITES.

Công ước với 175 nước tham gia này cho phép hoạt động buôn bán động vật hoang dã miễn là điều đó không đe dọa đến sự sống còn của các loài động vật.

Việt Nam nhận điểm thấp nhất trên bảng điểm vì đã không bảo vệ được cọp và tê giác.

Ông Colman O'Criodain, nhà phân tích về chính sách buôn bán động vật hoang dã quốc tế thuộc tổ chức WWF, nói rằng Việt Nam đã được xác định là điểm đến hàng đầu của sừng tê giác bị săn trộm. Chính vì nhu cầu sừng tê lớn này ở Việt Nam đã khơi mào cho một cuộc khủng hoảng ở Nam Phi.

Ông O’Criodain nói: "Tôi nghĩ công bằng mà nói việc Việt Nam thất bại trong việc bảo tồn loài tê giác là vấn đề nguy cấp nhất mà công tác bảo tồn tê giác trên thế giới đang phải đối mặt tại thời điểm này. Sự thất bại này đang khiến cho hoạt động săn trộm tê giác tại Nam Phi tăng lên."

Việt Nam không hoan nghênh bản báo cáo này. Tuần trước, cơ quan quản lý Công ước CITES của Việt Nam cho biết báo cáo của WWF là không khách quan.

Giám đốc quản lý Công ước CITES của Việt Nam, ông Đỗ Quang Tùng, nói mức điểm này quá khắt khe.

Ông Tùng nói: "Bản báo cáo bỏ qua những nỗ lực thực thi pháp luật của phía Việt Nam. Đến giờ chúng tôi đã cho công bố rất nhiều những hoạt động buôn bán trái phép đến Việt Nam. Tuy nhiên, bản báo cáo lại không ghi nhận điều đó mà chỉ công kích Việt Nam.”

Ông Tùng cho biết Việt Nam đã tịch thu khoảng 18 tấn ngà voi và đang đấu tranh chống lại việc buôn bán sừng tê giác.

Hoạt động săn trộm tê giác đã đạt đến điểm khủng hoảng trong những năm gần đây. Sừng tê giác được sử dụng tại Việt Nam như là một bài thuốc cổ truyền để trị hàng loạt các chứng bệnh, từ nhức đầu do rượu cho tới ung thư, mặc dù không có bằng chứng khoa học nào khẳng định điều này. Theo WWF, năm ngoái 448 con tê giác Nam Phi bị giết hại để lấy sừng, một con số cao kỷ lục.

Từ năm 2008, số người Việt Nam nộp đơn xin được cấp săn bắn tê giác ở Nam Phi tăng cao kỷ lục. Nam Phi nói việc cấp phép sẽ được chấp thuận miễn là không được sử dụng loài vật săn được cho mục đích thương mại. Nhưng hồi tháng Tư vừa qua, chính phủ Nam Phi đã quyết định ngừng cấp giấy phép cho công dân Việt Nam bởi vì họ không nhận được đảm bảo rằng hoạt động buôn bán sẽ không xảy ra.

Loài tê giác Java, một loài tê giác bản địa của Việt Nam, đã bị tuyên bố tuyệt chủng vào năm 2011 sau khi con tê giác cuối cùng còn sống ở Việt Nam đã được tìm thấy với một viên đạn trong sọ.

Ông Tùng thừa nhận chính phủ chưa làm đủ để bảo vệ những chủng loại có nguy cơ tuyệt chủng, nhưng ông cũng nói rằng đó không có nghĩa là họ đã không làm gì hết.

Ông Tùng nói tiếp: "Quả thật là chưa đủ, nhưng chúng tôi đang cố gắng. Chúng tôi đã huy động tất cả nguồn lực thực thi pháp luật đối với việc buôn bán trái phép động vật hoang dã nói chung, không chỉ riêng tê giác. Chúng tôi đã làm hết sức mình và không thể làm nhiều hơn với nguồn lực hạn hẹp của mình.”

Ông O'Criodain thuộc tổ chức WWF nói với báo giới rằng việc đánh giá Việt Nam “kém nhất” trong công tác chống hoạt động phạm pháp đối với động vật hoang dã cũng hơi dễ gây hiểu lầm, bởi vì báo cáo chỉ tập trung vào ba loài động vật.

Ông O'Criodain nói: "Có những nước khác cũng bị đánh giá kém như vậy, và công bằng mà nói thì lẽ ra chúng tôi nên ghi nhận điều đó đối với Việt Nam. Hiện nay Việt Nam là nước kém nhất trong vấn đề bảo tồn tê giác bởi vì nước này chính là điểm đến hàng đầu của sừng tê bị săn trộm ở Nam Phi ".

Trong khi một số nhà bảo tồn tại Việt Nam nói rằng Việt Nam thiếu ý chí chính trị để giải quyết vấn đề bảo tồn, những người khác lại cho rằng cách duy nhất để bảo vệ động vật hoang dã là làm việc với giới hữu trách.