Một lãnh đạo chuyên trách kiểm duyệt thông tin tại Việt Nam nói rằng công ty Facebook dù đã cam kết với chính quyền ngăn chặn thông tin độc hại nhưng vẫn còn né tránh việc này, đồng thời thêm nói rằng Việt Nam sẽ gây áp lực hơn nữa để tăng cường kiểm duyệt.
“Một số doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam vẫn tìm cách né tránh việc ngăn chặn thông tin xấu độc tại Việt Nam, điển hình là Facebook”, trang VNExpress dẫn lời ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phát biểu tại một hội thảo hôm 30/6.
Công ty Facebook có trụ sở chính ở bang California, Hoa Kỳ, chưa phản hồi ngay yêu cầu bình luận của VOA về phát biểu trên của ông Lưu Đình Phúc.
Truyền thông trong nước dẫn lời ông Phúc rằng các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đã cam kết với chính quyền Việt Nam trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc.
Trang VietnamNet dẫn lời ông Phúc nói: “Những tài khoản, fanpage thường xuyên bị Bộ TT&TT yêu cầu gỡ thông tin vi phạm, song các nền tảng chưa chịu xử lý triệt để, dẫn đến hiệu quả chưa cao, mất nhiều thời gian và công sức xử lý của các cơ quan quản lý nhà nước”.
Theo ông Phúc, một phần nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là giải pháp kỹ thuật hiện tại chưa cho phép tách riêng nội dung vi phạm trên Facebook, YouTube, TikTok để chặn, mà chỉ có thể chặn toàn bộ website vi phạm.
XEM THÊM: Việt Nam tiến 1 bậc trên Chỉ số Tự do Báo chí dù bỏ tù thêm nhiều nhà báoGiới hoạt động cho tự do phát biểu trên mạng xã hội cho rằng những bài viết của họ vẫn thường xuyên bị ngặn hay gỡ bỏ “ngay lập tức”, và dường như không thấy sự suy giảm nào trong việc hợp tác giữa các nền tảng này với chính quyền Việt Nam.
Nhận định về phát biểu của ông Phúc, ông Đường Văn Thái, một người dùng Facebook đang tị nạn chính trị tại Thái Lan và thường xuyên bị Facebook xóa bài, nói với VOA rằng từ trước đến nay Facebook cùng các công ty khác vẫn “đi đêm” với chính quyền Việt Nam trong việc ngăn chặn thông tin trên mạng.
“Tất cả các thông tin này là định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra, nhận định một chiều… Bộ Thông tin và Truyền thông nói như vậy nhưng thực tế các nền tảng như Facebook, Google, TikTok…vẫn hợp tác “đi đêm” với lại chính phủ Việt Nam, bởi vì các bài viết, tài khoản YouTube, Facebook, TikTok mà có sự ảnh hưởng trên mạng xã hội đều bị gỡ ngay lập tức.”
Trong 6 tháng đầu năm vừa qua, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã đề nghị 4 doanh nghiệp lớn là Facebook, Google, Tik Tok và Apple ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm trên các nền tảng do các doanh nghiệp này cung cấp, trong nỗ lực “đẩy mạnh tăng cường quản lý các mạng xã hội cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam”, vẫn theo truyền thông trong nước.
Nhà hoạt động Đường Văn Thái nhận định rằng có lẽ Facebook vẫn sẽ tiếp tục hợp tác với chính phủ Việt Nam trong việc kiểm duyệt thông tin trên mạng xã hội.
“Tôi có thể khẳng định rằng chắc chắn Facebook sẽ đi theo xu hướng thân với chính phủ Việt Nam để càng ngày người chơi MXH Facebook ở Việt Nam càng khó khăn và Facebook có chiều hướng tuân chỉ theo các cam kết của Bộ Thông tin và Truyền thông nhiều hơn và sẽ chặn nhiều hơn.”
“Bộ TT&TT cho biết sẽ tiếp tục tăng cường áp dụng các biện pháp để tạo áp lực buộc Facebook, Google, TikTok... phải tuân thủ luật pháp Việt Nam và có giải pháp ngăn chặn tình trạng phát tán tin giả trên các nền tảng này,” truyền thông Việt Nam loan tin.
XEM THÊM: Việt Nam sắp bắt các mạng xã hội gỡ nội dung không mong muốn trong vòng 24 giờViệt Nam với dân số 98 triệu người nằm trong số 10 thị trường hàng đầu của Facebook với số lượng người dùng vào khoảng từ 60 đến 70 triệu, theo dữ liệu của công ty năm 2021.
YouTube có khoảng 60 triệu người dùng tại Việt Nam và TikTok có 20 triệu, theo ước tính của chính phủ năm 2021.
Vào tháng 4/2022, Việt Nam dự trù đưa ra các quy định mới yêu cầu các công ty mạng xã hội gỡ bỏ nội dung mà họ cho là bất hợp pháp trong vòng 24 giờ, một động thái củng cố sự kiểm duyệt khắt khe nhất thế giới đối với mạng xã hội và tăng cường sự kiểm soát của Đảng Cộng sản cầm quyền trong lúc chính quyền đàn áp các hoạt động “chống phá nhà nước”, theo hãng tin Reuters.
Quy định này yêu cầu gỡ bỏ ‘nội dung và dịch vụ bất hợp pháp’ trong 24 giờ không có thời gian ân hạn và các “buổi phát trực tiếp bất hợp pháp” phải bị chặn trong vòng 3 giờ. Nếu không tuân thủ, các mạng xã hội có thể sẽ bị cấm ở Việt Nam.