Hôm 25/4, trả lời phóng viên về thông tin Việt Nam xây 10 đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng xác nhận các hoạt động duy tu, bảo dưỡng các cơ sở trên quần đảo Trường Sa, nhằm “phục vụ nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của con người.”
Báo Dân trí trích lời bà Hằng nói: “Các hoạt động nhằm duy tu, bảo dưỡng các cơ sở vật chất đã xuống cấp của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa, để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của con người trên các cấu trúc mà Việt Nam đang quản lý thực tế ở Trường Sa là hoàn toàn bình thường và hợp pháp theo luật pháp quốc tế, phù hợp với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và không làm thay đổi nguyên trạng, không tổn hại môi trường, không làm phức tạp thêm tình hình tranh chấp.”
Bà Hằng tái khẳng định rằng “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, theo quy định của luật pháp quốc tế.”
Vào ngày 8/4 vừa qua, trang mạng Asia Maritime Transparency Initiative (Sáng kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu - AMTI) loan báo “Việt Nam đã âm thầm cải tiến và nâng cấp các cơ sở trên quần đảo Trường Sa từ năm 2017," trong đó có mở rộng sân bay từ 700m đến 1.300m.
Trang AMTI còn cho biết lực lượng Việt Nam đang chiếm giữ 49 tiền đồn nằm rải rác trên 27 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa. Trong số 27 thực thể đó, chỉ có khoảng 10 thực thể có thể được xem là hải đảo.