Ngày 25/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định hoạt động của tàu Trung Quốc gần Đá Ba Đầu trong phạm vi lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt hành động này.
Trả lời câu hỏi của báo chí về thông tin hơn 200 tàu Trung Quốc neo đậu gần bãi đá ngầm Ba Đầu trên Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng được trang VietnamNet dẫn lời nói:
“Cần phải nhắc lại rằng Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.”
Your browser doesn’t support HTML5
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh rằng “hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển.”
“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện Công ước” trang Tuổi trẻ dẫn lời bà Hằng nói thêm.
XEM THÊM: Vụ Trung Quốc dàn đội tàu cá ở Biển Đông: Mỹ ‘chống lưng’ PhilippinesLiên quan tới việc có hay không sự xuất hiện tàu hải cảnh Việt Nam tại đảo Ba Đầu, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Tôi có thể nói các lực lượng chấp pháp của Việt Nam thực hiện nghĩa vụ, nhiệm vụ, như đã được quy định trong các luật liên quan của Việt Nam, cũng như tuân thủ nghiêm túc các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, trong đó trước hết là UNCLOS 1982”.
Hôm 21/3, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana yêu cầu hơn 200 tàu cá mà ông nói là do dân quân Trung Quốc điều khiển phải rời khỏi Đá Ba Đầu, ở phía tây Philippines. Philippines gọi Đá Ba Đầu là Julian Felipe, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế được quốc tế công nhận của họ.
XEM THÊM: Philippines: 220 tàu thuyền Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Manila ở Biển ĐôngTruyền thông Việt Nam cho biết Đá Ba Đầu nằm trong vùng 12 hải lý của đảo Sinh Tồn Đông, thuộc quyền quản lý và chủ quyền của Việt Nam.
Hôm 22/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết các tàu thuyền của Trung Quốc đã đánh bắt gần bãi đá này trong một thời gian dài và gần đây “vì do điều kiện biển cả,” một số tàu này đã đến trú ẩn trong khu vực đó.