Bắt đầu từ ngày lễ độc lập 4 tháng 7 của Hoa Kỳ vào năm 1991, phái đoàn cộng đồng Việt Nam vùng Maryland, Washington DC và Virginia với cờ vàng ba sọc đỏ biểu tượng của cộng đồng và những chiếc áo dài duyên dáng đã có mặt hàng năm trên đại lộ Constitution thuộc trung tâm thủ đô Washington DC để cùng với các phái đoàn khác trên khắp nước Mỹ và hàng vạn du khách cũng như cư dân tại thủ đô đón mừng ngày khai sanh của Hoa Kỳ.
Đặc biệt năm nay nhân dịp Hội USS Kirk 1087 tổ chức họp mặt tại Washington DC từ ngày 3 đến 11 tháng 7 nên hội đã phối hợp với Cộng đồng Việt Nam vùng Maryland, Washington DC và Virginia để tham dự diễn hành.
Hội USS Kirk 1087 là một hội ái hữu được thành lập vào năm 2004 gồm các cựu quân nhân của hải quân Mỹ từng phục vụ trên khu trục hạm USS Kirk 1087. Khu trục hạm USS Kirk 1087 là chiến hạm đã tham gia 2 cuộc hành quân có tên là Operation Eagle Pull giúp di tản Kampuchia và Frequent Wind giúp di tản Saigon vào tháng 4 năm 1975.
Theo lời của cựu Đại Tá Hạm trưởng Paul Jacobs thì chiến hạm Kirk được giao trách nhiệm tiếp cứu hải quân Việt Nam và gia đình sau khi Saigon rơi vào tay Cộng sản. Chiến hạm Kirk đã hộ tống 30 chiến hạm của hải quân Việt Nam, với khỏang 32,000 người Việt Nam trên các tàu, từ đảo Côn Sơn đến căn cứ Subic Bay của Mỹ tại Philippines. Tuy nhiên, khi đến Subic Bay, chính phủ Philippines không cho phép các chiến hạm Việt Nam vào vịnh và đoàn tàu phải quay ra biển chạy lòng vòng khoảng 6 tiếng đồng hồ. Cuối cùng hạm trưởng Paul Jacobs tìm ra được một giải pháp.
Ông Jacobs nói: “Chúng tôi cho hạ cờ Việt Nam xuống và kéo cờ Mỹ lên, đồng thời cử các sĩ quan hải quân Mỹ sang các chiến hạm Việt Nam để nắm quyền chỉ huy và đưa các con tàu vào vịnh Subic.”
Những kỷ niệm thương tâm và xúc động của đoàn tàu trên đường di tản đến vịnh Subic làm cho những sĩ quan cũng như thủy thủ trên tàu luôn luôn nhớ đến người Việt Nam. Thuyền trưởng Paul Jacobs nói là sau khi hội USS Kirk 1087 được thành lập và tổ chức cuộc họp mặt đầu tiên vào năm 2004. Ông được bạn bè cho biết là có một người Việt Nam tên có chữ lót là Kirk. Nhận được tin ông cho đăng trên báo Việt Nam lẫn Mỹ tìm người này. Kết quả trong cuộc họp mặt của Hội vào năm 2005 tại Orlando, tức 30 năm sau chuyến hải hành từ Việt Nam đến Philippines, người con gái có tên với chữ lót là Kirk cùng mẹ đã tham dự buổi họp mặt này. Thực ra vào thời điểm 30 tháng 4 năm 1975 cô con gái chưa sanh ra trên tàu Kirk, chỉ khi đến Guam cô mới được sanh ra nhưng người mẹ nhớ ơn tàu Kirk nên đã dùng chữ Kirk làm chữ lót cho tên của con gái.
Thuyền trưởng Paul cho biết thêm: “Từ đó gia đình người Việt Nam này trở thành hội viên suốt đời của Hội Kirk”.
Trong kỳ diễn hành năm nay, cộng đồng Việt Nam ngoài các bà mẹ với áo dài khăn đóng theo màu cờ VNCH còn có sự tham dự của các sinh viên nam cũng như nữ trong trang phục truyền thống của cô dâu chú rể Việt Nam.
Em Trúc Thi sinh viên trường đại học Virginia Commonwealth University VCU đã tham dự diễn hành từ hơn 10 năm nay vào lúc mới 9 tuổi cho biết.
“Năm nay tụi cháu phối hợp với cô Kim Oanh để kéo mấy người trẻ đến tham dự. Cháu hân hạnh được đại diện cho cộng đồng Việt Nam, và nước Mỹ nữa, vì mình sanh tại Mỹ, được mặc áo dài ra đây tham dự với cộng đồng Việt Nam và có được cơ hội đi trong một cuộc diễn hành rất lớn của nước Mỹ”
Em Trường Bình sinh viên trường đại học George Mason, Virginia cũng đã vài lần tham dự diễn hành:
“Đây là năm đầu tiên con giúp điều khiển chương trình của tuổi trẻ. Con cũng đã dự mấy lần trước.”
Một du học sinh về Networking thuộc trường đại học Strayer cũng tham dự diễn hành để quen được nhiều hơn.
“Đây là lần đầu tiên cháu tham dự diễn hành. Cháu năm nay 20 tuổi đang học năm thứ hai trường đại học Strayer. Cháu qua Mỹ gần 3 năm nay theo diện du học. Hôm nay cháu thấy cộng đồng này cũng có nhiều người như mình nên cháu tham gia để có thêm nhiều bạn. Làm quen được nhiều người bạn để bớt nhớ nhà hơn và cũng giúp được một ít gì đó cho người Việt Nam mình bên này.”
Giáo sư Kim Oanh đã nhiều năm tham gia diễn hành cho biết cần phải khuyến khích giới trẻ tham gia để cộng đồng Việt Nam luôn có mặt cùng với các cộng đồng và đoàn thể khác.
“Trên một con đường hai bên người Mỹ ngồi xem đông lắm, nếu có mấy người trẻ thì vẫn tốt hơn tụi tui. Tụi tui lớn tuổi và coi cũng hơi khằn khằn rồi.”
Ngày 4 tháng 7 năm nay trời nóng như mọi năm và sau hơn một tiếng đồng hồ diễn hành dưới trời nắng chói chang ai cũng thấy mệt nhoài. Tuy nhiên theo như lời giáo sư Kim Oanh:
“Để chữ Việt Nam trong trái tim thì mình thấy hăng hái”.
Đặc biệt sau buổi lễ diễn hành này, Hội USS Kirk 1087 có mời Cộng đồng Việt Nam tham dự buổi tiệc họp mặt ngày thứ Bảy 10 tháng 7 tới. Trong dịp này Hội USS Kirk cho trình chiếu lần đầu tiên cuộn phim ngắn “The Lucky Few” nói về chuyến đi của người tị nạn Việt Nam trên các con tàu của hải quân Việt Nam và Mỹ từ Côn Sơn đến căn cứ hải quân Subic Bay của Hoa Kỳ tại Philippines trong những ngày cuối tháng 4, 1975. Cuốn phim do ông Jan Herman, sử gia của Phòng Y khoa và Giải phẫu thực hiện dài khoảng 1 giờ đồng hồ.
Hàng năm cứ vào ngày lễ Độc lập 4 tháng 7 của Hoa Kỳ, cộng đồng Việt Nam vùng Maryland, Washington DC và Virginia đều cử phái đoàn tham dự lễ diễn hành trên đại lộ Constitution thuộc trung tâm thủ đô nước Mỹ. Đặc biệt năm nay 2010 cùng chung diễn hành với phái đoàn Việt Nam còn có các cựu quân nhân thuộc hội USS Kirk 1087. Hà Vũ của Ban Việt ngữ đài VOA có mặt tại chỗ để tường trình về buổi diễn hành này.