Các công ty nhà nước ở Việt Nam phải bán đô la cho các ngân hàng thương mại kể từ ngày 1 tháng 7 để ổn định tiền đồng và ứng phó với tình trạng nhập siêu ngày càng tăng.
Bản tin hôm thứ Năm của hãng thông tấn Pháp trích thuật tin tức báo chí Việt Nam nói rằng Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổng công ty, tổ hợp kinh tế có vốn nhà nước từ 50% trở lên phải bán ngoại tệ cho các ngân hàng.
Báo chí Việt Nam trích lời Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết 78 công ty nhà nước đã giữ hơn 1,6 tỉ đô la tính đến cuối tháng 3.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã quyết định tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ đối với khoản tiền gởi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng tại các tổ chức tín dụng từ 6% lên 7% (trừ Ngân hàng Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn).
Các chuyên gia kinh tế cho rằng những biện pháp mới nhất này là một phần trong những nỗ lực của chính phủ để giữ cho tiền đồng không bị mất giá và gia tăng lượng dự trữ ngoại tệ.
Trong năm tháng đầu năm nay, thâm hụt mậu dịch của Việt Nam đã lên tới mức 6,6 tỉ đô la, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù giới hữu trách đã giảm tỉ giá tiền đồng 9,3% hồi tháng 2 nhằm giảm thiểu mức chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu.
Trong khi đó, lượng dự trữ ngoại tệ được ước tính ở vào khoảng từ 10 tỉ đô la đến 15 tỉ đô la, thấp hơn nhiều so với mức bình thường trước đây là từ 20 tỉ đến 25 tỉ.
Nguồn: Reuters, AFP, Wall Street Journal