Việt Nam 'mừng’ vì Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền

Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC) tại Geneva.

Các nhà hoạt động trong nước có phản ứng khác nhau về quyết định của Hoa Kỳ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC). Có nhiều ý kiến cho rằng sự vắng mặt Hoa Kỳ có thể gây bất lợi cho phong trào nhân quyền Việt Nam, và Hà Nội có thể “mở cờ trong bụng” vì Hội đồng vắng đi một thành viên thường xuyên lên tiếng chỉ trích tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà hoạt động Phạm Lê Vương Các không hoàn toàn đồng ý với quan điểm đó. Ông nhận định rằng mặc dù sự ra đi của Hoa Kỳ là đáng tiếc, nhưng đó lại là một quyết định ‘dũng cảm’:

Đây là một hành động dũng cảm bởi vì đây là việc chưa có tiền lệ.
Phạm Lê Vương Các.

“Đây là một hành động dũng cảm bởi vì đây là việc chưa có tiền lệ. Quyết định rời khỏi một cơ quan bảo vệ nhân quyền hàng đầu thế giới có thể bị nhiều chỉ trích từ các quốc gia và các tổ chức xã hội dân sự, nhưng họ vẫn tiến hành ra quyết định rút. Tôi cho rằng đây là hành động dũng cảm.”

Bản tên của Hoa Kỳ tại Trụ sở UNHRC.

Luật sư Trịnh Hữu Long ở Hà Nội chia sẻ trên Facebook rằng việc Mỹ rút khỏi UNHRC sẽ là một bất lợi lớn cho giới hoạt động nhân quyền thế giới nói chung và giới hoạt động Việt Nam nói riêng, nhất là trong bối cảnh kỳ kiểm điểm Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát UPR của UNHCR đối với Việt Nam sắp tới vào tháng 1/2019.

Từng tham gia phát biểu tại kỳ kiểm điểm Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) đối với Việt Nam năm 2014 tại Geneva, nhà hoạt động nhân quyền Phạm Lê Vương Các cho rằng việc Hoa Kỳ rút khỏi UNHCR có thể ảnh hưởng đến kỳ UPR sắp tới.

“Tôi nghĩ ở một góc độ nào đó nó sẽ ảnh hưởng đến việc thúc đẩy, bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam, bởi vì Hoa Kỳ là một quốc gia hàng đầu trong việc này trên phạm vi toàn thế giới. Việc rút ra như vậy có thể ảnh hưởng phần nào tới việc lên tiếng trước các vụ vi phạm nhân quyền. Khi tôi tham dự kỳ UPR đối với Việt Nam trước đây, có 10 quốc gia phát biểu, thì có 9 quốc gia đã đánh giá rất tốt về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, trong khi đó quốc gia thứ 10 là Hoa Kỳ thì họ lên tiếng rất thẳng thắn. Tôi nhìn nhận rằng tiếng nói của chính phủ Hoa Kỳ là tiếng nói rất trung thực, họ không nói theo cách ngoại giao thường thấy. Việc Hoa Kỳ rút ra khỏi UNHCR có nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kỳ UPR đối với Việt Nam vào tháng 1/2019.”

Các nhà tranh đấu Việt Nam bị giam cầm.

Luật sư Trịnh Hữu Long lo ngại rằng việc Mỹ vắng mặt sẽ tạo cơ hội cho các thành viên khác ‘thao túng’ diễn đàn này. Ông viết trên Facebook: “Mỹ bỏ đi nghĩa là những thành viên khác như Trung Quốc và Nga sẽ rảnh tay hơn rất nhiều để thao túng nghị trình của Hội đồng, cũng như thao túng các thành viên khác của Hội đồng.”

Mỹ bỏ đi nghĩa là những thành viên khác như Trung Quốc và Nga sẽ rảnh tay hơn rất nhiều để thao túng nghị trình của Hội đồng, cũng như thao túng các thành viên khác của Hội đồng.
Trịnh Hữu Long

“Xưa nay giới hoạt động Việt Nam vẫn coi Hội đồng Nhân quyền như một diễn đàn để một là kêu oan, hai là chính danh hoá hoạt động của mình. Giờ Hội đồng bị Mỹ bỏ rơi có nghĩa là giới hoạt động đã mất đi một chỗ dựa,” ông Long nhận định.

Nhà hoạt động Phạm Lê Vương Các chia sẻ ý kiến này, ông nói: “khi 47 quốc gia thành viên phân cực, các quốc gia “cá biệt” kéo bè kéo cánh nhằm thao túng và bảo vệ lẫn nhau trước các vi phạm nhân quyền.”

Việt Nam vẫn chưa bày tỏ quan điểm, nhưng theo đánh giá thì họ có vẻ thích thú và vẫn hài lòng trong việc bớt đi một tiếng nói một tiếng nói chỉ trích họ.
Phạm Lê Vương Các

Nhà hoạt động nhận định rằng Việt Nam có thể sẽ “hài lòng” trước việc mất đi một tiếng chỉ trích:

“Tôi nghĩ việc Hoa Kỳ rút lui khỏi UNHCR thì trong thời gian UPR sắp tới thì phía chính phủ Việt Nam sẽ bớt đi một tiếng nói phê phán và chỉ trích họ. Cho tới giờ thì phía Việt Nam vẫn chưa bày tỏ quan điểm, nhưng theo đánh giá thì họ có vẻ thích thú và vẫn hài lòng trong việc bớt đi một tiếng nói một tiếng nói chỉ trích họ.”

Blogger Kien Bui viết: “Tôi nghĩ rút cũng hợp lý khi mà Hội đồng Nhân quyền mà có quá nhiều thành viên không tôn trọng nhân quyền thì kết quả biểu quyết đều bất lợi mà thiểu số phải chấp nhận theo số đông thôi. Nếu không chấp nhận thì rút khỏi là cách tốt. Cải thiện cũng không phải không có cách nếu vẫn ở lại nhưng so sánh tính hiệu quả về thời gian và chi phí thì thà làm cái mới còn hay hơn.”

upr

Trong khi đó Blogger Đạt Tiến Nguyễn dự báo cách làm của Hoa Kỳ sau khi rút khỏi cơ chế nhân quyền toàn cầu: “Mỹ rút ra khỏi UNHRC thì Mỹ sẽ không còn phải bỏ ra một số tiền quá lớn cho Hội đồng này. Tới đây thì Mỹ sẽ dùng số tiền đó để chi phí cho những cuộc đối thoại song phương để gây áp lực mạnh hơn. Nghĩa là Mỹ sẽ nói chuyện tay đôi, mặt đối mặt với từng nước đang vi phạm nhân quyền.”

Sự rút lui của Washington khỏi UNHRC, một cơ chế của LHQ tại Geneva có 47 thành viên, đều có quyền biểu quyết ngang nhau, được chính thức thông báo với LHQ hôm 21/6.

Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ Nikki Haley nói hôm 20/6: “Hội đồng Nhân quyền là cơ chế nơi tụ hội những thiên kiến về chính trị, là một sự nhạo báng của chính cơ chế này,” một diễn đàn mang tính "đạo đức giả và vị kỷ."

Chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama gia nhập UNHRC vào năm 2009. Khi Hội đồng được thành lập vào năm 2006, chính quyền của Tổng thống George W. Bush đã từ chối tham gia.