Việt Nam có thể gặp ‘sốc kinh tế’ khi WB cắt nguồn vốn ODA

Nhân viên đếm tiền tại quầy của Ngân hàng Quốc tế Việt Nam ở Hà Nội.

Tháng 7/2017, Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ cắt nguồn vốn ODA (Trợ giúp Phát triển Chính thức) dành cho Việt Nam, sau khi Việt Nam được công nhận vượt qua ngưỡng nghèo, trở thành nước có thu nhập trung bình hồi năm ngoái. Bộ Tài chính Việt Nam cho biết tin này hôm 22/3.

Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính, Việt Nam đã vay khoảng 45 tỷ đôla vốn ODA, vay ưu đãi trong khoảng thời gian 10 năm (2005 – 2015).

Nguồn vay này được dành 1/3 cho ngân sách trung ương, 1/3 cho các địa phương và chỉ có 1/3 để cho vay lại đối với các dự án trọng điểm nhà nước.

Trước việc WB cắt khoản vay ODA, Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng phải trả nợ nhanh gấp đôi (từ 35-40 năm xuống còn 15-20 năm) và lãi suất tăng gấp ba (từ 0,7-0,8% lên 2-3,5%).

Báo An ninh Thủ đô dẫn lời TS. Bùi Đình Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội, nói việc cắt giảm ODA cho Việt Nam ‘là bài toán khó đặt lên nền tài chính công’ và việc cắt ODA ngay lập tức ‘sẽ tạo thành cú sốc cho điều hành kinh tế’ của Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội này cũng thừa nhận dù Việt Nam đã thoát nghèo, song quá trình phát triển của Việt Nam vẫn chưa ‘thực sự ổn định’.

Trước đó, nhiều nước châu Âu như Anh, Thụy Sỹ, Na Uy… cũng thông báo dừng hoặc cắt giảm ODA cho Việt Nam ngay trong năm nay.

Theo Shanghai Daily, Dân Trí, An ninh Thủ đô.

Your browser doesn’t support HTML5

QH Việt Nam cuối khóa phê chuẩn sớm các lãnh đạo nhà nước mới