Hôm 2/1/2020, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khen ngợi thành tích của ngành ngân hàng, nói rằng ngành đã nâng tổng dự trữ ngoại hối quốc gia lên xấp xỉ 80 tỷ đôla, sau khi đã mua vào 20 tỷ đôla trong năm 2019.
Đài VOV trích lời ông Phúc phát biểu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2020, nói: “Người ta không ngờ Ngân hàng Nhà nước mà làm ra tiền lớn như thế!”
Ông Phúc còn nói thêm rằng dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua vào tới 20 tỷ đôla (khoảng nửa triệu tỷ đồng), song lạm phát không tăng lên. Ông nói: “Việt Nam là một trong những nền kinh tế mới nổi kiểm soát được lạm phát ở mức thấp nhất”.
“Điều này nói lên sự khéo léo điều hành của Ngân hàng Nhà nước”, vẫn theo lời vị thủ tướng.
Cũng tại hội nghị này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu: “Tăng lượng dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức rất lớn 79 tỷ đôla - là tấm đệm phòng ngừa cho an ninh tài chính quốc gia, ổn định vĩ mô trong đó có tỷ giá và thị trường ngoại tệ”.
Thống đốc Hưng khẳng định NHNN sẽ không bao giờ dùng tỉ giá để tạo cạnh tranh với đối tác thương mại, không can thiệp có chủ đích vào chính sách tiền tệ để tạo thuận lợi trong xuất nhập khẩu hàng hóa.
“Việt Nam không thao túng tiền tệ”, truyền thông trong nước trích lời ông Hưng nói.
Trước đó, ngày 29/5/2019, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã công bố báo cáo về các chính sách kinh tế vĩ mô thương mại và tỷ giá của các đối tác có quan hệ thương mại lớn với Hoa Kỳ, đưa ra danh sách 9 quốc gia cần phải giám sát, trong đó có Việt Nam.
Phía Mỹ định nghĩa rằng thao túng tiền tệ là nhà nước thay đổi tỷ giá hối đoái để có lợi cho các nhà xuất khẩu của chính quốc gia đó và làm cho các nhà nhập khẩu phải tiêu tốn nhiều hơn trong trao đổi thương mại.
Mỹ sử dụng 3 tiêu chí để đánh giá việc thao túng tiền tệ của một quốc gia: thặng dư tài khoản vãng lai lớn hơn 3% GDP, thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất là 20 tỷ đôla, và can thiệp vào thị trường ngoại hối vượt quá ít nhất 2% GDP.
Trang VnEconomy hôm 2/1 viết: “So với các nước trong khu vực, mức dự trữ ngoại hối này vẫn ở mức thấp, do vậy động thái bổ sung của Việt Nam là hợp lý và có thể giúp Việt Nam giải trình cho việc Mỹ đánh giá là ‘thao túng tiền tệ’”.
“Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn chưa vi phạm tiêu chí thặng dư tài khoản vãng lai/GDP dưới 2% (theo cách tính GDP mới), vì vậy rủi ro bị Mỹ dán mác ‘thao túng tiền tệ’ là không lớn, ngay cả khi Việt Nam vi phạm tiêu chí về việc mua ròng ngoại tệ”, cũng theo trang VnEconomy.
TTXVN cho biết chỉ số tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 là 7,02%, lạm phát là 2,79%.
Trang VNEconomy trích lời nhóm nghiên cứu thuộc Công ty Chứng khoán KBSV nhận định rằng trong bối cảnh cán cân thương mại tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu ở mức cao, đồng thời dòng tiền kiều hối vẫn tăng trưởng ổn định, ước tính NHNN Việt Nam sẽ tiếp tục trạng thái mua vào ngoại tệ, với mức mua vào là 10 – 12 tỷ đôla, nâng mức dự trữ ngoại hối lên 92 tỷ đôla trong thời gian tới.