Ngày 8/4, trả lời câu hỏi về thông tin tàu hộ vệ tên lửa Quang Trung của Việt Nam vừa diễn tập ở quần đảo Trường Sa, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng “chưa có thông tin,” dù trước dó đài VTV đã loan tin về việc tàu này diễn tập phối hợp với trực thăng săn ngầm.
Ngày 3/4, đài truyền hình trung ương Việt Nam VTV đưa tin: “Tại quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, tàu hộ vệ tên lửa Quang Trung là loại tàu chiến có chức năng tàng hình, săn tàu ngầm, chống các loại tàu chiến mặt nước, được trang bị nhiều vũ khí tiên tiến. Các tình huống chiến đấu được tổ chức diễn tập. Từng cán bộ chiến sĩ hải quân đều nỗ lực tuyệt đối với nhiệm vụ của mình.”
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói: “Hiện nay chúng tôi chưa có thông tin”, theo trang Tiền Phong.
Tuy nhiên, bà Hằng khẳng định quân đội Việt Nam duy trì các hoạt động huấn luyện, diễn tập để nâng cao năng lực nhằm mục tiêu sẵn sàng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc.
Tàu hộ vệ Quang Trung, do Nga sản xuất, được đưa vào biên chế Lữ đoàn 162, Hải quân Việt Nam từ tháng 2/2018, là tàu có khả năng tàng hình, săn tàu ngầm, chống hạm, chống ngầm, theo VTV.
Trực thăng chống ngầm Ka-28 cũng phối hợp các tình huống cất hạ cánh khẩn cấp ngay khi tàu Quang Trung đang chạy với tốc độ cao nhất, trang VNExpress cho biết.
“Trên các đảo của quần đảo Trường Sa, công tác sẵn sàng chiến đấu cũng được thực hiện ở cấp độ cao nhất. Trong hoàn cảnh thời tiết khắc nghiệt, ở từng vị trí, mỗi cán bộ chiến sĩ đều ra sức rèn luyện,” đài VTV cho biết thêm.
Tuy nhiên, trong phóng sự có nhan đề “Hải quân Việt Nam sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống,” đài VTV không nói rõ cuộc diễn tập diễn ra chính xác vào thời điểm nào và ở khu vực cụ thể nào tại quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc và các nước khác cũng tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này.
Truyền thông Việt Nam loan tin việc tàu Quang Trung diễn tập giữa lúc Biển Đông có một số diễn biến gây quan ngại như việc hàng trăm tàu cá hoặc tàu dân quân biển Trung Quốc neo đậu ở đá Ba Đầu thuộc cụm đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa. Philippines cũng tuyên bố chủ quyền đối với bãi đá Ba Đầu, nơi Manila gọi là đá Julian Felipe.
Trong diễn biến liên quan đến chủ quyền lãnh hải, hôm 8/4, phản hồi trước việc một số nhãn hàng nước ngoài sử dụng bản đồ có đường chín đoạn trên website bản tiếng Trung, bà Lê Thị Thu Hằng nói: “Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông.”