Hôm 1/6, Việt Nam nói đã phát triển thành công vaccine dịch tả lợn châu Phi để sử dụng cho mục đích thương mại và trở thành quốc gia “đầu tiên trên thế giới” chế tạo vaccine này với sự trợ giúp của Hoa Kỳ.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết tại cuộc họp báo: “Đây là một dấu mốc quan trọng của ngành thú y.
“Với khả năng miễn dịch kéo dài sáu tháng, vaccine này sẽ là lá chắn cho ngành chăn nuôi lợn”.
Trang Thanh Niên dẫn lời ông Tiến nói tại cuộc họp báo hôm 1/6: “Thành công này là thành tựu rất đáng tự hào của Việt Nam, bởi đã hơn 100 năm qua, kể từ khi bệnh dịch tả lợn châu Phi được phát hiện và đã có hơn 4.000 công trình nghiên cứu liên quan đến vi rút dịch tả lợn châu Phi và phát triển vắc xin của các nhà khoa học được công bố nhưng trên thế giới chưa có vaccine thương mại phòng bệnh này. Việt Nam là nước đầu tiên công bố sản xuất thương mại vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi”.
Vaccine đã được phát triển từ tháng 11/2019 với sự hợp tác của các chuyên gia Hoa Kỳ, với năm cuộc thử nghiệm lâm sàng đã được tổ chức.
Ông Tiến cho biết, tính an toàn và hiệu quả của loại vaccine này đã được Cơ quan Nghiên cứu Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ xác nhận.
Dịch tả lợn châu Phi, một trong những bệnh gia súc có sức tàn phá lớn nhất, lần đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam vào tháng 2/2019 và buộc nước này phải tiêu hủy khoảng 20% số lượng lợn vào năm ngoái.
Bệnh này có nguồn gốc từ Châu Phi và sau đó lan sang Châu Âu và Châu Á và đã giết chết hàng trăm triệu con lợn trên toàn cầu. Dịch tả lợn Châu Phi vô hại đối với con người.
“Đến thời điểm này, chưa có quốc gia nào công bố sản xuất thành công vaccine thương mại. Vì vậy, dư địa xuất khẩu vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi được sản xuất tại Việt Nam sang các nước là rất lớn”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm.
Tuy nhiên, ông Tiến không đưa ra khung thời gian khi nào thì loại vaccine này có thể được xuất khẩu hoặc ước tính năng lực sản xuất của Việt Nam sẽ ra sao.