Chính quyền Việt Nam hôm 17/10 đã bắt giam nhà tranh đấu Trần Thị Xuân, 41 tuổi, thành viên của Hội Anh em Dân chủ tại Hà Tĩnh, theo tin từ gia đình.
Vào cuối ngày 18/10, ông Trần Quyết Tiến, anh của bà Xuân cho VOA biết gia đình vẫn chưa nhận được lệnh bắt, chỉ được chính quyền xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, thông báo qua điện thoại:
“Em tôi bị bắt ngày hôm qua, mà cho đến đầu giờ chiều ngày hôm nay 18/10 mới thông báo, mà chỉ thông báo qua điện thoại thôi. Chứ không có cái gì bằng văn bản cả.”
Truyền thông Việt Nam hôm 18/10 loan tin rằng Công an Hà Tĩnh vừa bắt khẩn cấp bà Trần Thị Xuân về hành vi “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân,” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự.
Ông Tiến nói về lý do bắt bà Xuân:
“Lý do bắt rất vu vơ, không chứng cứ. Việc làm của em tôi trong cái làng không ảnh hưởng gì đến an ninh chính trị của đất nước cả. Em tôi chỉ có làm trưởng ban thanh niên của giáo xứ, hay đi gom ve chai, làm thiện nguyện, giúp người bị bão lụt, tặng quà cho người nghèo, neo đơn trong xã. Tôi chả thấy có tội gì mà để họ bắt cả. Việc này rất vô lý.”
Ông Tiến cho biết thêm bằng vào năm ngoái bà Xuân từng bị chính quyền tạm giam, thẩm vấn qua đêm, tịch thu điện thoại vì có tham gia Hội Anh em Dân chủ, và đăng bài ‘nói xấu’ chế độ trên Facebook. Nhưng kể từ đó, bà Xuân không còn bình luận trên mạng xã hội nữa, ông Tiến nói.
Thông Tấn Xã Việt Nam hôm 18/10 trích lời Công an Hà Tĩnh nói việc tổ chức và thi hành lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Trần Thị Xuân “đảm bảo đúng trình tự, quy định” của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Hãng tin Reuters hôm 18/10 nói nếu tính luôn vụ bắt bà Trần Thị Xuân thì từ đầu năm cho đến nay, chính quyền Cộng sản Việt Nam đã bắt ít nhất 17 người bất đồng chính kiến.
Mặc dù có những cải cách kinh tế sâu rộng và thay đổi xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn không chấp nhận việc bị chỉ trích.
Reuters nói cuộc đàn áp đối với giới bất đồng chính kiến đã làm thay đổi hệ thống phân quyền của Đảng cầm quyền kể từ đầu năm ngoái, khi ấy lực lượng công an được củng cố và gia tăng nhiều ảnh hưởng lớn hơn.
Kể từ cuối tháng 7, Việt Nam đã bắt giữ 7 nhà tranh đấu, được cho là thành viên của Hội Anh em Dân chủ, gồm các ông Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội, Trương Minh Đức, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Trung Trực và ông Nguyễn Bắc Truyển với cáo buộc “lật đổ chính quyền.”
Ngoài ra, theo trang Người Bảo vệ Nhân quyền các lực lượng an ninh của Việt Nam gần đây cũng đã triệu tập các thành viên khác của hội như cô giáo Phạm Ngọc Lan, Sơn Thừa Khúc, Lê Trung Hiếu và Nguyễn Văn Trang đến thẩm vấn ở đồn công an "các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia".
Tương tự, nhà tranh đấu Nguyễn Xuân Nghĩa cũng bị chính quyền triệu tập hai lần ở thành phố Hải Phòng với lý do “liên quan đến vụ án Nguyễn Văn Đài cùng đồng bọn hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.”
Ngay cả blogger Huỳnh Thục Vy, người không tham gia Hội Anh em Dân chủ, nhưng cũng bị chính quyền tỉnh Đăk Lăk ra lệnh triệu tập, bà cho VOA biết hôm 17/10.
Hôm 17/10, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF), Hội Văn bút Anh quốc, cùng nhiều tổ chức khác, ra thông báo về chiến dịch Stop The Crackdown in Việt Nam, còn gọi là Chấm dứt đàn áp tại Việt Nam và kêu gọi phóng thích các tù nhân chính trị.
Báo Quân đội Nhân dân hôm 16/10 có bài nhận định rằng dân chủ, nhân quyền luôn là hai vấn đề chiến lược được các thế lực thù địch triệt để lợi dụng nhằm gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.